Phòng, chống tác hại thuốc lá: Phải thực sự quyết liệt hơn nữa

Kinh tế - Ngày đăng : 09:15, 18/11/2020

(BKTO) - Với hơn 7.000 chất hóa học, trong đó có 69 chất gây ung thư, thuốc lá có thể gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm cho người hút và những người hút thuốc thụ động (hít khói thuốc từ không khí, mà không trực tiếp hút thuốc lá). Thế nhưng, do ý thức chủ quan của một bộ phận người dân nên tình trạng hút thuốc lá không đúng nơi quy định vẫn diễn ra khá phổ biến.



Tình trạng hút thuốc lá không đúng nơi quy định vẫn diễn ra khá phổ biến.Ảnh minh họa

45,3% nam thanh niên ở độ tuổi trưởng thành hút thuốc

Sau những năm triển khai Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012 (có hiệu lực năm 2013), Việt Nam đã có nhiều chuyển biến trong nhận thức và hành vi của người dân về những tác hại do thuốc lá gây ra. Cụ thể, tỷ lệ hút thuốc trong nam giới giảm khoảng 2,1% (xuống còn 45,3%); tỷ lệ nữ giới hút thuốc giảm 0,3% (xuống còn 1,1%); 100% tỉnh, thành phố đã lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tác hại thuốc lá, đưa nội dung này vào kế hoạch hoạt động hằng năm. Nhờ đó, đến nay, hầu như không còn hiện tượng cán bộ, công chức, viên chức hút thuốc trong phòng họp, không còn tình trạng mời, ép buộc sử dụng thuốc lá; đồng thời, giảm việc mời thuốc lá trong các dịp lễ, Tết, đám cưới…

Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn là 1 trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới, đứng thứ ba tại ASEAN (sau Indonesia và Philippines). Theo cảnh báo của các chuyên gia y tế, thuốc lá liên quan tới 6/8 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và là nguồn cơn của các căn bệnh, như: phổi tắc nghẽn mạn tính, tim mạch, ung thư… Thống kê cho thấy, hơn 90% người bệnh ung thư phổi từng hoặc vẫn đang sử dụng thuốc lá; nếu hút 20 điếu thuốc lá/ngày, nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 26 lần so với người không hút thuốc.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương - đại diện Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá - cho biết, theo điều tra trên toàn quốc năm 2015, tỷ lệ nam thanh niên ở độ tuổi trưởng thành hút thuốc chiếm 45,3%, tương đương với 15 triệu người, nghĩa là bình quân cứ 2 người sẽ có 1 người hút thuốc. Ngoài ra, có khoảng 53,3% số người dù không hút thuốc lá nhưng vẫn đang bị phơi nhiễm khói thuốc lá trong gia đình; 36,8% bị phơi nhiễm khói thuốc lá trong những tòa nhà hay tại nơi làm việc.

Tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm

Ước tính mỗi năm, cả nước có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá. Thế nhưng, tại nước ta, thuốc lá được bày bán khắp nơi với giá vô cùng rẻ, bất cứ ai cũng có thể mua để sử dụng. Trong khi đó, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về phòng, chống tác hại của thuốc lá còn gặp rất nhiều khó khăn. Theo nhiều chuyên gia, việc phòng, chống tác hại của thuốc lá phải được thực hiện quyết liệt, đồng bộ hơn nữa để bảo vệ sức khỏe của cộng đồng. Trong đó, cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn từ các cơ quan chức năng trong việc giám sát, thực thi pháp luật và có quy định về việc phạt “nóng”, phạt tại chỗ đối với người hút thuốc lá vi phạm; xem xét, đánh giá, sửa đổi các quy định về mức xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá để đảm bảo chế tài mang tính răn đe. Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền cần phối hợp, siết chặt công tác kiểm tra hàng hóa nhập khẩu, tránh tình trạng thuốc lá lậu nhập khẩu tràn lan vào thị trường trong nước, cũng như cần tăng mạnh thuế và giá thuốc lá.

Đại diện Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho hay, để tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính về việc phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế đã đề xuất với Chính phủ bổ sung quy định thực hiện thí điểm việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện, xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá trong các văn bản pháp luật liên quan. Ngoài ra, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá đang xây dựng ứng dụng phần mềm (app) trên điện thoại di động để tiếp nhận phản ánh của người dân đối với việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Thông qua ứng dụng này, người dân có thể ghi lại các hình ảnh, hành vi vi phạm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và gửi tới cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời. Đồng thời, Bộ Y tế cũng đề xuất sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó tăng thuế đối với thuốc lá, góp phần đạt mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc, giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do thuốc lá, đồng thời giúp tăng nguồn thu đáng kể cho NSNN.

Trong khi đó, Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông Võ Thanh Lâm cho rằng, thời gian tới, cần tăng cường cổ vũ, nâng cao ý thức chấp hành các quy định về phòng, chống tác hại thuốc lá của mọi tổ chức, cá nhân; nêu gương những tổ chức, cá nhân tiêu biểu, tạo sự lan tỏa lớn trong xã hội trong việc tuân thủ, chấp hành các quy định về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Cùng với đó, thông qua các phương tiện truyền thông, cần phải phê bình, lên án nghiêm khắc đối với những hành vi không chấp hành, không nêu gương trong thực hiện các quy định hiện hành.
         
Hiện nay, trên thế giới đang có nhiều sản phẩm mới như: thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng… được quảng cáo là giúp cai nghiện thuốc lá truyền thống, có thể thay thế thuốc lá truyền thống và không gây nghiện. Tuy nhiên, đại diện Bộ Y tế khẳng định, các sản phẩm này vẫn có hại như thuốc lá điếu thông thường, không có công dụng cai nghiện như quảng cáo. Nếu đồng tình cho phép các sản phẩm thuốc lá mới lưu hành tại Việt Nam sẽ ảnh hưởng tới việc thực hiện mục tiêu giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, đồng thời sẽ tạo ra một thế hệ nghiện thuốc lá mới.

THU HUYỀN