Tăng cường khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến cơ sở
Xã hội - Ngày đăng : 17:00, 08/11/2020
(BKTO)- Phát biểu thảo luận tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội Phạm Thu Hằng (Hòa Bình) nhấn mạnh vai trò nền tảng mạng lưới y tế cơ sở trong bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, đồng thời đề nghị Chính phủ, ngành Y tế tăng cường đầu tư ngân sách cho y tế, tăng cường khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) tại trạm y tế xã.
Cần đầu tư cở sở vật chất, nhân lực để người dân được khám, chữa bệnh BHYT ngay tại tuyến cơ sở -Ảnh: ST |
Đầu tư cho y tế cơ sở còn hạn chế
Theo đại biểu Phạm Thị Hằng, y tế cơ sở nước ta được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao là điểm sáng trên thế giới, vì có mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp đến tận xã, phường và tới cả thôn, bản. Trong giai đoạn vừa qua, Đảng, Chính phủ hết sức quan tâm, coi y tế cơ sở là nền tảng của ngành y tế và y tế cơ sở đã đạt được những thành tựu quan trọng. Đến hết năm 2019, tỷ lệ trạm y tế có đủ điều kiện khám, chữa bệnh BHYT đạt 92,6%; xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế đạt 91,9%. Y tế cơ sở đã phát huy vai trò trong phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân, với phương châm đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng, do đó đã kiểm soát tốt dịch bệnh, điển hình như dịch bệnh Covid-19 vừa qua.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, y tế cơ sở còn không ít hạn chế. Đại biểu Hằng chỉ rõ: chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở còn yếu, số lượng còn thiếu, việc đào tạo, cập nhật thường xuyên về kiến thức, kỹ năng y khoa còn hạn chế. Chế độ, chính sách đãi ngộ cho cán bộ y tế cơ sở chưa khuyến khích cán bộ y tế công tác lâu dài và gắn bó với y tế cơ sở, đặc biệt là những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương cấp kinh phí chi thường xuyên cho các trạm y tế rất thấp, chỉ từ 10 đến 30 triệu/năm. Việc giao tự chủ chi thường xuyên cho các trung tâm y tế huyện, trong khi các trung tâm này thu không đủ chi nên rất khó khăn trong việc đảm bảo nguồn tài chính cho việc đào tạo, giám sát các trạm y tế. Nhiều trạm y tế được xây dựng đã lâu, xuống cấp nghiêm trọng, trang thiết bị thiếu thốn, không được đầu tư.
Theo Báo cáo của Chính phủ về tình hình quản lý, sử dụng Quỹ BHYT năm 2019 cho thấy, số chi khám, chữa bệnh BHYT chủ yếu tập trung ở tuyến trung ương và tuyến tỉnh, chiếm 65,6% tổng chi phí khám, chữa bệnh BHYT, trong khi số lượt khám, chữa bệnh chiếm 25,3%. Chi khám chữa bệnh BHYT ở tuyến xã rất thấp, chỉ chiếm 2,2% tổng số chi khám, chữa bệnh BHYT năm 2019, tiếp tục giảm so với năm 2018. Như vậy, khám, chữa bệnh tuyến xã là tuyến gần dân nhất nhưng người dân đến khám, chữa bệnh BHYT ngày càng giảm và chưa có dấu hiệu cải thiện nếu không có chính sách và giải pháp phù hợp.
Từ những hạn chế, bất cập trên, để nâng cao năng lực của tuyến y tế cơ sở, đại biểu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến y tế cơ sở để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đồng thời, bố trí ngân sách trung ương để hỗ trợ cho các địa phương chưa cân đối được ngân sách, đầu tư cho y tế cơ sở, đặc biệt, ưu tiên đầu tư các trạm y tế vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; chỉ đạo các địa phương ưu tiên phân bổ ngân sách cho y tế và đảm bảo dành tối thiểu 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng.
Đại biểu cũng đề nghị Bộ Y tế xây dựng hệ thống chuyển tuyến hiệu quả, đảm bảo tăng cường khám, chữa bệnh BHYT ngay tại tuyến y tế cơ sở, giảm tỷ lệ khám, chữa bệnh tại tuyến tỉnh, tuyến trung ương đối với những bệnh thông thường. Tiếp tục đẩy mạnh việc luân phiên cán bộ y tế từ tuyến trên xuống tuyến dưới, tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật và nâng cao năng lực chuyên môn cho y tế cơ sở dưới nhiều hình thức. Đặc biệt, Bộ Y tế cần có giải pháp kịp thời để hạn chế những tác động của việc thực hiện quy định của Luật BHYT khi bắt đầu thực hiện thông tuyến tỉnh từ ngày 01/01/2020, có thể sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng quá tải ở tuyến tỉnh và trống vắng ở y tế cơ sở.
Tháo gỡ khó khăn trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT
Cũng đề cập đến công tác khám, chữa bệnh BHYT tại tuyến xã, đại biểu Quốc hội Hồ Thị Vân (Quảng Ngãi) phản ánh, nguyện vọng của các địa phương thuộc các đơn vị hành chính cấp xã mới sáp nhập theo chủ trương sắp xếp lại đơn vị hành chính là trạm y tế được thành lập cơ sở 2 để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu, nhất là ở các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, theo các quy định hiện hành hiện nay, cơ quan BHXH chỉ ký hợp đồng và thanh toán chi phí khi cơ sở khám bệnh có đầy đủ các điều kiện như: phải có trụ sở, có con dấu riêng được cấp phép hoạt động và cấp mã cơ sở khám bệnh theo quy định. Trong khi hiện tại chưa có hướng dẫn về mô hình tổ chức hoạt động cơ sở 2 của trạm y tế cấp xã, nên việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh ở cơ sở 2 là không thực hiện được.
Do vậy, đại biểu cho biết, ở các đơn vị hành chính cấp xã mới sáp nhập trên địa bàn tỉnh Quãng Ngãi sẽ chỉ duy trì duy nhất một trạm y tế xã, gây khó khăn cho người dân trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu. Đặc biệt là, đối với địa bàn miền núi đi lại rất khó khăn, nhất là trong điều kiện mưa bão, sạt lở, lũ lụt thì việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân là vô cùng khó khăn. “Tôi đề nghị Bộ Y tế và BHXH Việt Nam cân nhắc, xem xét, hướng dẫn về mô hình tổ chức hoạt động cơ sở 2 của trạm y tế cấp xã và kịp thời hướng dẫn cho BHXH cấp tỉnh thực hiện việc thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh ở các cơ sở 2 của trạm y tế xã để đảm bảo quyền lợi khám, chữa bệnh của người dân”- đại biểu Hồ Thị Vân kiến nghị.
NGUYỄN HỒNG