Cần quy định phù hợp về công tác phòng ngừa ma túy
Kinh tế - Ngày đăng : 11:10, 23/11/2020
(BKTO) - Nhấn mạnh quan điểm phòng ngừa ma túy là chính, chống ma túy là trách nhiệm của toàn xã hội, đầu tư cho công tác phòng, chống ma túy là đầu tư cho sự phát triển bền vững của đất nước, các đại biểu Quốc hội đề nghị, Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) cần có quy định cụ thể về công tác phòng ngừa, đồng thời có chính sách huy động nguồn lực cho công tác phòng, chống ma túy một cách khả thi, hiệu quả.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) góp ý vào Dự thảo Luật Ảnh: quochoi.vn
Chú trọng phòng hơn chống
Góp ý vào Dự thảo Luật, nhiều đại biểu Quốc hội có chung nhận xét, tên luật là Luật Phòng, chống ma túy song nội dung quy định về công tác phòng ngừa còn mờ nhạt, chung chung, thiếu rõ ràng. Theo Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre), Dự thảo Luật không có chương nào về phòng ngừa ma túy mà chỉ tập trung phần “ngọn” mà chưa giải quyết được phần “gốc”. Đại biểu đề nghị bổ sung một chương về phòng ngừa ma túy, trong đó quy định về nội dung, giải pháp, trách nhiệm và sự phối hợp của các cơ quan trong phòng ngừa đối với người chưa sử dụng, người đã sử dụng và người tái sử dụng… Cần phòng ngừa đối với các hoạt động hợp pháp về ma túy và cuối cùng mới là phòng ngừa tội phạm về ma túy. Bên cạnh đó, Đại biểu cũng đề nghị bổ sung cơ quan chuyên trách về phòng, chống ma túy chứ không giới hạn ở phòng, chống tội phạm về ma túy.
Đồng quan điểm, Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) nêu rõ, phòng là phòng cho thanh, thiếu niên, người dân không có cơ hội, không có điều kiện tiếp xúc, tiếp cận với ma túy. Nếu lỡ có tiếp cận, tiếp xúc, bị lôi kéo, xúi giục, sử dụng ma túy thì cũng đủ đề kháng để nói không với ma túy. Phòng là ngăn chặn người sử dụng ma túy trở thành người nghiện ma túy; người đã cai nghiện thì không bị tái nghiện… Tuy nhiên, Đại biểu đánh giá, quy định về phòng ma túy của Dự thảo Luật rất mờ nhạt, với những quy định chung chung, chủ yếu là lồng ghép vào quy định trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức, đơn vị và chỉ mang tính vận động, kêu gọi, chưa đủ rõ ràng, hiệu quả. Theo Đại biểu, số lượng người nghiện ma túy ngày càng tăng cao, năm sau cao hơn năm trước và trẻ hóa rõ rệt là minh chứng cho thấy thời gian qua, công tác phòng ngừa thiếu hiệu quả, chưa đủ mạnh, đủ sâu, đủ rộng. Bởi nếu chỉ hô hào, vận động, khuyến khích, mong muốn mà không có một cơ chế cụ thể thì các quy định này có thể làm hoặc không làm. “Tôi đề xuất, Dự thảo lần này cần bố trí một chương riêng cho công tác phòng ngừa ma túy; quy định cụ thể, rõ ràng, trách nhiệm của cơ quan nhà nước, chính quyền cơ sở, của tổ chức, nhà trường, gia đình. Quy định rõ đâu là trách nhiệm phải làm với chế tài kèm theo và đâu là vận động tham gia phối hợp” - Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung nói.
Các đại biểu: Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp), Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) và nhiều đại biểu khác cũng đề nghị Ban Soạn thảo cần làm rõ, sâu sắc và cụ thể hơn các quy định về phòng ma túy. “Phòng là quan trọng, phòng là hiệu quả, nhưng để làm được cũng cần có quy định về nội dung phòng, rồi phải có người làm, có cơ quan chịu trách nhiệm và đặc biệt phải có tài chính để thực hiện” - Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nêu vấn đề.
Khuyến khích xã hội hóa trong hoạt động phòng, chống ma túy
Chỉ rõ thực trạng công tác phòng, chống ma túy ngày càng diễn biến phức tạp, trong khi nguồn lực đầu tư từ ngân sách chưa đảm bảo, thiếu cơ sở vật chất, thiếu nhân lực và hạn chế về chuyên môn, các đại biểu Quốc hội đề nghị, bên cạnh việc đầu tư nguồn lực nhà nước cho công tác phòng, chống ma túy, cần có các chính sách xã hội hóa, thu hút đầu tư vào hoạt động này.
Các đại biểu: Nguyễn Thị Lệ Thủy, Phan Thị Mỹ Dung đề nghị, Dự thảo Luật cần bổ sung quy định về chính sách xã hội hóa, thu hút đầu tư vào hoạt động phòng ngừa và điều trị nghiện, nhằm khuyến khích xã hội hóa trong phòng, chống ma túy. Đồng thời, rà soát, bổ sung vào pháp luật liên quan về thuế, đất đai, vay vốn đầu tư, đào tạo lao động… để đảm bảo sự thống nhất pháp luật và tính khả thi của chính sách. Nhà nước cũng cần ưu tiên đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học trong phòng, chống ma túy; ưu tiên đào tạo và đãi ngộ xứng đáng đối với lực lượng tham gia phòng, chống ma túy; cũng như đa dạng hóa các hình thức cai nghiện ma túy để người nghiện được lựa chọn hình thức cai nghiện phù hợp.
Đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị, Dự thảo Luật cần bổ sung quy định Nhà nước có chính sách ưu tiên nguồn lực cho công tác phòng, chống ma túy ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Đây là những vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, địa hình cách trở và đa số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên rất khó khăn cho công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy. Đây cũng là những vùng có hoạt động buôn bán ma túy xuyên biên giới rất phức tạp và là nguồn cung ma túy cho những vùng khác, do vậy cần phải có những chính sách ưu tiên hơn về nguồn lực.
Liên quan đến quy định về cai nghiện ma túy đối với người từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với Dự thảo Luật. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị bổ sung quy định cụ thể về ưu tiên hỗ trợ kinh phí và điều kiện cơ sở vật chất cho đối tượng này. Cần có những cơ sở cai nghiện bắt buộc dành riêng cho người từ 12 đến dưới 18 tuổi, có sự đầu tư bài bản, quy trình hoạt động khép kín và chuyên nghiệp, đảm bảo các em được chăm sóc, cai nghiện và được học văn hóa...
N.HỒNG