Áp dụng phương thức khám, chữa bệnh mới nhằm sử dụng hiệu quả Quỹ Bảo hiểm y tế

Xã hội - Ngày đăng : 09:25, 24/10/2020

(BKTO) - Tham luận tại Hội thảo “Giải pháp về chính sách để kiểm soát hiệu quả Quỹ Bảo hiểm y tế và Quỹ Bảo hiểm xã hội” do Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức mới đây, GS,TS. Nguyễn Anh Trí – đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã đề xuất việc áp dụng các phương thức khám, chữa bệnh (KCB) mới nhằm mang lại hiệu quả KCB cho người dân và sử dụng hiệu quả Quỹ KCB Bảo hiểm y tế (BHYT).


                
   

KCB từ xa là một trong những phương thức mới nhằm sử dụng hiệu quả Quỹ BHYT - Ảnh: Tiến Dũng

   

Theo GS,TS. Nguyễn Anh Trí, để mang lại hiệu quả hơn cho các bệnh nhân và Quỹ BHYT, trước hết, cần đẩy mạnh KCB ngoại trú cho bệnh nhân, giúp cho bệnh nhân đỡ phải nằm viện nếu không thực sự cần thiết; giảm chi phí, công sức cho người nhà bệnh nhân, chi phí đồng chi trả. Điều đặc, việc đẩy mạnh KCB ngoại trú sẽ giúp giảm tải bệnh nhân cho các bệnh viện tuyến trên và giảm chi trả chi phí từ Quỹ BHYT, nhất là tiền giường bệnh.

Để thực hiện được điều này, cần có quan điểm ưu tiên điều trị ngoại trú đối với bệnh thông thường, bệnh nhẹ, thậm chí là giai đoạn thoái lui của các bệnh trung bình hoặc nặng. Trong KCB, phải coi mục đích chủ yếu là khỏi bệnh một cách thuận lợi và ít tốn kém nhất cho bệnh nhân, gia đình và Quỹ BHYT.

Cùng với đó, ngành Y tế cần xây dựng lại các phác đồ KCB một cách chuẩn xác, an toàn cho bệnh nhân; ưu tiên thực hiện tại các cơ sở y tế phải có đủ phòng khám, đội ngũ y bác sĩ giỏi, chủ yếu là KCB ban ngày, bố trí gần dân nhất. Bệnh viện cần bảo đảm đầy đủ hệ thống phòng khám và khoa điều trị bệnh ban ngày, bao gồm cả phòng truyền hóa chất, truyền máu, truyền dịch…; đồng thời, Quỹ BHYT đảm bảo chi trả đủ cho KCB ngoại trú.

Thứ hai, cần tổ chức tốt việc quản lý các bệnh mạn tính không lây nhiễm tại y tế cơ sở xã, phường, như: cao huyết áp, đái tháo đường, thậm chí là như Thalassemia, thiếu máu huyết tán...Áp dụng phương thức này, bệnh nhân được quản lý gần nhà nhất, đúng phương châm “chăm sóc sức khỏe ban đầu”, đỡ tốn nhiều công, nhiều kinh phí mà vẫn chăm sóc sức khỏe tốt. Bên cạnh đó là tạo điều kiện để y tế cơ sở có việc làm, phát triển được chuyên môn, sống được bằng nghề, hấp dẫn được các bác sĩ về làm việc và giảm chi từ BHYT cho nhóm các bệnh lý phải điều trị dài ngày nhất.

Để thực hiện được giải pháp trên, Bộ Y tế cần chỉ đạo để các cơ sở đầu ngành rà soát để bổ sung thêm các bệnh, giai đoạn bệnh được điều trị tại tuyến y tế cơ sở. Tổ chức mạng lưới cơ sở y tế nên gắn với thực tế, tức là có nhu cầu, có năng lực thì mới đầu tư, đầu tư dần, đủ để làm tốt. Bên cạnh đó, cơ sở y tế cần tăng cường đào tạo, tập huấn để cán bộ y tế cập nhật được việc quản lý, chăm sóc, chẩn đoán và điều trị các bệnh như yêu cầu của Bộ Y tế.

Thứ ba, ngành y tế cần quyết liệt tổ chức triển khai sâu rộng loại hình Bác sĩ gia đình. Đây là loại hình KCB thuận lợi, sâu sát và rất hiệu quả. Theo đó, người dân được quản lý và chăm sóc sức khỏe ngay tại nhà; giảm bớt sự đi lại khi chưa cần thiết; bác sĩ nắm chắc tình trạng sức khỏe, đặc điểm bệnh tật của khách hàng từ lúc mới sinh ra đến già; đảm bảo tốt việc chăm sóc sức khỏe ban đầu, giảm ốm đau nặng hơn, từ đó giảm chi phí KCB cho cá nhân và Quỹ BHYT…

Thứ tư, cho phép ứng dụng mạnh mẽ khám chữa bệnh từ xa, đặc biệt là tư vấn qua video call. Việc KCB từ xa giúp bệnh nhân không cần phải đi lại nhiều, phải nằm viện và có thể được các thầy thuốc giỏi, có kinh nghiệm từ các bệnh viện tuyến cuối tư vấn, KCB; đỡ tốn kém cho người dân đồng thời giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Đây cũng là giải pháp nhằm đào tạo, nâng cao chất lượng chuyên môn cho các bệnh viện tuyến dưới; tăng thêm bệnh nhân cho cơ sở y tế tuyến dưới…

Thứ năm là đẩy mạnh việc liên thông kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và các thăm dò chức năng, tránh lãng phí công sức, thời gian của cán bộ y tế, lãng phí hóa chất sinh phẩm, máy móc thiết bị; tránh gây tốn kém cho người bệnh và giảm bớt chi trả từ Quỹ BHYT.

Cùng với đó, GS,TS. Nguyễn Anh Trí cũng đề xuất, cần tổ chức lại hệ thống xét nghiệm trong mạng lưới y tế toàn quốc theo hướng tập trung hóa các cơ sở xét nghiệm để có được đội ngũ cán bộ nắm vững chuyên môn, có máy móc, thiết bị hiện đại, có hóa chất sinh phẩm đồng bộ, làm tốt được công tác quản lý chất lượng…Đồng thời, phát triển dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, tại chỗ…Qua đó, người bệnh được thụ hưởng dịch vụ xét nghiệm thuận lợi, nhanh chóng, chất lượng hơn; Quỹ BHYT sẽ giảm bớt chi phí KCB, đặc biệt là những chi phí không hợp lý, không hiệu quả.
THU NGUYỆT