Xuất khẩu của Nga sang Việt Nam vẫn được thúc đẩy bất chấp dịch bệnh
Đầu tư - Ngày đăng : 19:50, 23/11/2020
(BKTO) - Đã có sự gia tăng đáng kể các cuộc tiếp xúc thương mại giữa doanh nghiệp hai nước Việt Nam-Nga với một số lượng hợp đồng khá lớn đã được ký trong năm 2020.
Các đại biểu dự Hội thảo hợp tác Nga-Việt trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế. Ảnh minh họa.(Nguồn: TTXVN)
Theo hãng tin Sputnik, đại diện Trung tâm xuất khẩu Nga (REC) tại Việt Nam, ông Robert Kurilo vừa cho biết dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 không thể cản trở tiến trình xuất khẩu sản phẩm của Nga sang Việt Nam.
Ông Kurilo nhận định rằng mặc dù gây nhiều khó khăn đối với các định hướng hoạt động của REC, nhưng dịch COVID-19 vẫn không thể cản trở xuất khẩu của Nga sang Việt Nam.
Ngược lại, đã có sự gia tăng đáng kể các cuộc tiếp xúc thương mại giữa hai nước với một số lượng hợp đồng khá lớn đã được ký trong năm 2020.
Chẳng hạn, như công ty Tambov Bacon đã ký hợp đồng cung cấp cho Việt Nam số thịt lợn trị giá 4 triệu USD, công ty sản xuất dầu hướng dương thực vật với thương hiệu “Mamrukovskoe” ký hợp đồng trị giá 3 triệu USD và công ty Garant cung cấp các sản phẩm thịt đóng hộp đã ký hợp đồng trị giá 2 triệu USD.
Một số công ty Nga cũng đang đàm phán cung cấp một số sản phẩm khác cho Việt Nam, bao gồm thức ăn trẻ em và các loại nước trái cây tự nhiên khác nhau.
Các nhà nhập khẩu Việt Nam thể hiện sự quan tâm không chỉ đến các loại thực phẩm. Với vai trò trung gian của REC, Nga đã ký hợp đồng xuất khẩu sang Việt Nam lô hàng búp bê lật đật trị giá gần 1,5 triệu USD.
Đây là sản phẩm đồ chơi nổi tiếng của Nga (trước đây là Liên Xô) từng rất quen thuộc với thiếu nhi Việt Nam. Có một doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam đã quyết định tặng món quà này cho trẻ em Việt Nam.
Hợp đồng được ký trong ba năm. Hiện búp bê lật đật của Nga đã xuất hiện tại nhiều cửa hàng trong chuỗi cửa hàng sách lớn nhất Việt Nam FAHASA.
Cũng theo ông Kurilo, Nga đã nhận được các yêu cầu về cung cấp các loại mỹ phẩm dành cho bà mẹ và trẻ em, nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi, gỗ dán bạch dương cho các nhà máy sản xuất đồ gỗ của Việt Nam.
Bên cạnh đó, hai nước cũng đang thảo luận một số dự án công nghệ thông tin liên quan đến việc thực hiện chương trình “Thành phố thông minh” của Nga tại Việt Nam.
Trung tâm REC được thành lập để hỗ trợ tài chính và phi tài chính cho các hoạt động xuất khẩu phi quân sự, phi tài nguyên và phi năng lượng của Nga. Trung tâm có 3 cơ quan đại diện ở nước ngoài gồm tại Thượng Hải, Dubai và Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh là lớn nhất./.
Theovietnamplus.vn