Kiểm toán toàn bộ giá trị tài sản của dự án PPP khi được chuyển giao cho Nhà nước

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 16:20, 26/11/2020

(BKTO) - Đó là một trong những đề xuất tại Văn bản tham gia ý kiến vào Dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Dự thảo Nghị định) vừa được KTNN gửi Bộ Tài chính. Bên cạnh đề xuất này, KTNN còn kiến nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nhiều điều khoản quan trọng khác.



Cần kiểm toán toàn bộ giá trị tài sản của dự án PPP khi được chuyển giao cho Nhà nước. Ảnh tư liệu

Văn bản cho biết, sau khi nghiên cứu, KTNN cơ bản nhất trí với nội dung của Dự thảo Nghị định. Tuy nhiên, để góp phần hoàn thiện hơn Dự thảo, KTNN có ý kiến cụ thể đối với một số nội dung sau:

Tại Điều 4 Nội dung phương án tài chính, Bộ Tài chính nghiên cứu bỏ điểm c và sửa điểm b, khoản 2 thành “nguồn vốn của nhà đầu tư” vì khi đó dự án mới thực sự bao gồm phần vốn đóng góp của Nhà nước và phần vốn góp của nhà đầu tư. Nhà đầu tư có thể sử dụng vốn chủ sở hữu, có thể đi vay hoặc kết hợp cả hai. Lợi nhuận của nhà đầu tư khi đó sẽ tính trên phần vốn góp của nhà đầu tư. Chi phí vay vốn (nếu có) không được tính vào chi phí của DN dự án và chi phí đầu tư công trình mà được tính vào chi phí của nhà đầu tư.

Điểm c, khoản 4, Điều 6 quy định: “Phương án phát hành trái phiếu DN phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về chào bán, giao dịch trái phiếu DN riêng lẻ tại thị trường trong nước và phù hợp với phương án tài chính của dự án tại hợp đồng dự án đã được ký kết”. Quy định này nên sửa thành: “Phương án phát hành trái phiếu DN phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về chào bán, giao dịch trái phiếu DN riêng lẻ tại thị trường trong nước và phù hợp với phương án tài chính của dự án” do phương án tài chính là một nội dung tại báo cáo tiền khả thi, báo cáo khả thi và hợp đồng dự án, việc phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt đầu tư dự án của cơ quan có thẩm quyền đều bao gồm nội dung phương án tài chính.

Liên quan đến Điều 7 Nguyên tắc quản lý vốn nhà nước trong dự án PPP, cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể đối với dự án có nhiều dự án thành phần cho phù hợp với quy định tại khoản 2, Điều 69 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP).

Đặc biệt, tại Điều 13 Trình tự, thủ tục quyết toán vốn đầu tư công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn thành, khoản 2 cần được nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp với quy định tại khoản 3, Điều 85 Luật PPP, cụ thể: Kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công tham gia vào dự án PPP theo quy định của pháp luật về KTNN; kiểm toán khi thực hiện cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu theo quy định tại Điều 82 của Luật này; kiểm toán toàn bộ giá trị tài sản của dự án PPP khi được chuyển giao cho Nhà nước. Đồng thời, tại khoản 4, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung thời hạn tối đa lập hồ sơ quyết toán được tính từ ngày nào.

Đối với Điều 15 Nguyên tắc quản lý nguồn thu, nguồn chi phát sinh từ cơ chế chia sẻ doanh thu, Bộ Tài chính cần bổ sung vào trước khoản 1 quy định: “Định kỳ hằng năm, các bên trong hợp đồng dự án PPP xác định doanh thu thực tế, gửi cơ quan tài chính có thẩm quyền thực hiện chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu” để đảm bảo tính chặt chẽ của quy định, đồng thời, bỏ điểm b, khoản 1 do nội dung này đã được quy định tại khoản 3, Điều 15.

Khoản 1, Điều 16 Trình tự, thủ tục thực hiện chia sẻ doanh thu tăng, giảm quy định: “Kết thúc năm tài chính, căn cứ doanh thu thực tế của dự án PPP và quy định tại Điều 82 Luật PPP, cơ quan ký kết hợp đồng dự án PPP có trách nhiệm đề nghị KTNN kiểm toán doanh thu thực tế của dự án PPP để làm cơ sở xác định giá trị doanh thu chia sẻ giữa Nhà nước và DN dự án PPP”. Để phù hợp với quy định tại Điều 82 Luật PPP, nội dung này cần sửa thành: “Kết thúc năm tài chính, căn cứ doanh thu thực tế của dự án PPP và quy định tại Điều 82 Luật PPP, cơ quan ký kết hợp đồng dự án PPP có trách nhiệm đề nghị KTNN kiểm toán phần tăng, giảm doanh thu thực tế của dự án PPP để làm cơ sở xác định giá trị doanh thu chia sẻ giữa Nhà nước và DN dự án PPP”. Ngoài ra, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể thời hạn đề nghị thực hiện, quy định khi quá hạn; bổ sung quy định cơ chế giám sát doanh thu từ bên thứ 3 một cách có hiệu quả để có thêm căn cứ cho việc kiểm toán của KTNN trong trường hợp tăng và giảm doanh thu.

Điều 18, 19 quy định về chế độ báo cáo cần bổ sung mẫu báo cáo hằng năm đối với các cơ quan có liên quan đến dự án PPP và nhà đầu tư, DN dự án PPP, đồng thời bổ sung quy định thời hạn cụ thể thực hiện chế độ báo cáo.

KTNN cũng đề nghị Bộ Tài chính quy định rõ cơ quan có thẩm quyền và cơ quan tài chính trong Nghị định để thống nhất khi thực hiện.
         
Dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư đang được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến. Với tinh thần đơn giản hóa thủ tục hành chính, công khai, minh bạch, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của cơ quan quản lý nhà nước; đảm bảo phù hợp với các quy định pháp luật có liên quan và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, Dự thảo Nghị định cụ thể hóa việc thi hành một số vấn đề tại Luật PPP thông qua 4 nội dung chính: phương án tài chính dự án PPP; việc quản lý, sử dụng thanh toán, quyết toán vốn nhà nước trong dự án PPP; quyết toán vốn đầu tư dự án PPP hoàn thành và cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu. Trong đó, nhiều nội dung liên quan đến KTNN.
THÙY ANH