Hoạt động kiểm toán nhà nước đóng vai trò quan trọng đối với quá trình cổ phần hóa

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 16:35, 26/11/2020

(BKTO) - Thực tiễn kiểm toán lĩnh vực DN của KTNN những năm qua cho thấy hoạt động này đóng vai trò quan trọng đối với quá trình cổ phần hóa (CPH) DNNN - một trong các trụ cột của tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế.



Hoạt động kiểm toán đóng vai trò quan trọng và mang lại hiệu quả thiết thực đối với quá trình CPH DNNN. Ảnh tư liệu

Kiến nghị điều chỉnh tănggiá trị thực tế phần vốnnhà nước trên 30.000 tỷ đồngqua kiểm toán

Những năm qua, KTNN đã kiểm toán báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và các DNNN; kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị DN CPH và kiểm toán một số chuyên đề đối với lĩnh vực DN. Qua đó, KTNN đã kiến nghị tăng thu NSNN hàng chục nghìn tỷ đồng; điều chỉnh tăng giá trị thực tế phần vốn nhà nước trên 30.000 tỷ đồng; chuyển nhiều hồ sơ có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra, góp phần tích cực vào công tác phòng ngừa tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng lực quản trị và thúc đẩy quá trình tái cơ cấu của các DNNN.

Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định, nghị quyết, chỉ thị về sắp xếp, tái cơ cấu, CPH, thoái vốn nhà nước tại DN nhưng đến nay, tiến độ CPH vẫn chậm so với kế hoạch. Nhiều DN không bán hết cổ phần theo phương án được phê duyệt, một số đơn vị tỷ lệ bán ra ngoài chỉ khoảng 1-2% vốn điều lệ. Không ít trường hợp tái cơ cấu, thoái vốn chưa theo nguyên tắc thị trường mà dưới các hình thức cấn trừ công nợ hoặc chuyển nợ thành vốn góp, bàn giao nguyên trạng. Một số DN thua lỗ, thậm chí mất vốn nhưng vẫn được bàn giao nguyên trạng hoặc chuyển nhượng cổ phiếu. Công tác chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN của các Bộ, ngành, địa phương về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước có thời điểm còn chậm và chưa hiệu quả.

Từ năm 2012, KTNN đã kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị DN CPH. Kết quả, việc xử lý các vấn đề tài chính trước khi CPH và định giá DN vẫn còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của Nhà nước, đặc biệt là những sai sót trong xác định chi phí thương hiệu, lợi thế kinh doanh, các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, dự án, công trình đã hoàn thành chưa quyết toán…

Bên cạnh đó, KTNN cũng phát hiện những hạn chế trong góp vốn liên doanh, hợp tác đầu tư bằng giá trị lợi thế quyền thuê đất của Nhà nước. Cụ thể, giá trị lợi thế quyền thuê đất của Nhà nước không được tính vào giá trị DN khi CPH hoặc giá khởi điểm khi thoái vốn nhà nước tại DN. Nhiều DN có quỹ đất lớn, vị trí lợi thế cho kinh doanh nhưng không còn nhu cầu sử dụng hay trong diện phải trả lại đất cho Nhà nước hoặc phải di dời. Tuy nhiên, những DN này không trả mà kêu gọi nhà đầu tư cùng liên doanh, hợp tác bằng cách góp giá trị lợi thế quyền thuê đất để khai thác quỹ đất hiện có…

Vai trò, hiệu quả của hoạt động kiểm toán

Kết quả kiểm toán của KTNN thời gian qua cho thấy hoạt động kiểm toán đóng vai trò quan trọng và mang lại hiệu quả thiết thực đối với quá trình CPH DNNN. Điều này thể hiện trên các mặt sau:

Thông qua kiểm toán, KTNN đã phân tích, đánh giá thực trạng hoạt động tái cơ cấu của các DNNN, đưa ra những kiến nghị thích hợp nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực đối với công tác quản lý DNNN; cải thiện chất lượng, hiệu quả hoạt động tái cơ cấu, CPH, thoái vốn nhà nước cũng như công tác tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị DN CPH trên cả góc độ quản lý nhà nước và trực tiếp thực hiện của các DN.

Việc kiểm toán đánh giá tình hình tuân thủ pháp luật của DNNN về thực hiện CPH đã giúp các đơn vị được kiểm toán tăng cường ý thức tự giác, chấp hành quy định pháp luật nói chung và pháp luật về CPH nói riêng.

Kết quả kiểm toán trung thực, khách quan không chỉ giúp cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định công bố giá trị DN và triển khai các bước tiếp theo của quá trình CPH mà còn cung cấp các thông tin làm căn cứ cho việc hoạch định chính sách, ban hành các quyết định có hiệu lực, đề ra các biện pháp tăng cường quản lý nguồn vốn nhà nước, đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế vĩ mô cũng như giải quyết các vấn đề mang tính xã hội.

Hoạt động kiểm toán của KTNN góp phần kiểm tra việc chấp hành những quy định hiện hành về nghĩa vụ nộp NSNN; kiểm soát chặt chẽ việc xác định phần vốn nhà nước khi triển khai công tác CPH, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và tài sản nhà nước. Thông qua kiểm toán, KTNN không chỉ xác định tăng giá trị thực tế phần vốn nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng mà còn kiến nghị tăng cường các giải pháp cải tiến công tác quản lý để tránh thất thoát các nguồn lực có nguồn gốc nhà nước khác như: đất đai, tài nguyên…

Đáng lưu ý, KTNN còn đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp nhằm bịt các “lỗ hổng” và hoàn thiện cơ chế, chính sách; đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực tái cơ cấu, CPH, thoái vốn nhà nước cũng như công tác tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị DN CPH. Đồng thời, KTNN còn phát hiện, nhấn mạnh, dự báo và cảnh báo các rủi ro có thể xảy ra đối với hoạt động quản lý tài chính DN, quản trị DN, rủi ro đầu tư tài chính, kinh doanh, hơn nữa là cả rủi ro chiến lược của các DNNN hoặc DN cổ phần.

Ngoài ra, KTNN cũng kiến nghị các giải pháp quản lý như chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước; xây dựng mô hình thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước tách bạch với chức năng quản lý nhà nước; kiến nghị cải tiến phương thức quản lý, điều hành, giám sát của một số cơ quan quản lý nhà nước, ban đổi mới DN và các hội đồng định giá, hội đồng CPH DN…

​X.HỒNG (ghi)
Lược ghi tham luận của ThS. LÊ MINH NAM
Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán, KTNN