Kết nối chuỗi sản xuất: Phát triển công nghiệp hỗ trợ liên vùng
Kinh tế - Ngày đăng : 09:05, 27/11/2020
(BKTO) - Thúc đẩy liên kết vùng không chỉ tạo nên lợi thế cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, mà còn hình thành nên mối quan hệ tương hỗ, giúp từng tỉnh thành khai thác tiềm năng sẵn có của địa phương.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Nhằm tạo bệ đỡ cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phát triển thuận lợi hơn trong bối cảnh bình thường mới, vừa qua Ban quản lý Khu công nghệ cao phối hợp với Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Ban Quản lý các khu chế xuất-khu công nghiệp-khu kinh tế trọng điểm phía Nam, gồm Long An, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu.
Đây là hoạt động nằm trong Chương trình Phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn năm 2019-2025, theo Quyết định số 2869/QĐ-UBND ngày 5/7/2019 của Ủy ban Nhân dân thành phố.
Xúc tiến hợp tác địa phương
Thỏa thuận hợp tác giữa Ban quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh với Ban Quản lý các khu chế xuất-khu công nghiệp-khu kinh tế trọng điểm phía Nam, cũng là hoạt động hiện thực hóa mục tiêu hình thành mạng lưới tổ chức, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ bằng giải pháp kết nối vùng.
Đồng thời, tăng cường liên kết lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ giữa Thành phố Hồ Chí Minh với những địa phương lân cận, nhất là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, bà Lê Bích Loan, Phó trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết để nâng cao vai trò liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần phát huy hơn nữa vai trò dẫn dắt của sở, ngành thông qua hợp tác song phương, tiến đến hợp tác đa phương với những chương trình cụ thể giữa các địa phương.
Chính vì vậy, thúc đẩy liên kết vùng, không chỉ có ý nghĩa tạo nên lợi thế cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, mà còn hình thành nên mối quan hệ tương hỗ, giúp từng tỉnh, thành khai thác tiềm năng sẵn có của địa phương.
Bà Lê Bích Loan chỉ ra rằng đối với hoạt động liên kết vùng thì không thể không kể đến những cam kết hàng hàng như cùng nhau chia sẻ thông tin dữ liệu cơ bản, kết nối chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng sản xuất của doanh nghiệp đầu ngành và doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, địa phương thỏa thuận hợp tác chung tay từng bước mở nút thắt trong kết nối cung-cầu, nhất là sản phẩm công nghiệp hỗ trợ giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhà cung cấp với doanh nghiệp sản xuất; giới thiệu doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp đa quốc gia sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh.
Cùng quan điểm, ông Phạm Văn Cường, Phó trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai cho hay, bước đầu ký kết, Thỏa thuận hợp tác giữa Ban quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh với Ban Quản lý các khu chế xuất-khu công nghiệp-khu kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó, có tỉnh Đồng Nai, sẽ tập trung vào những mục tiêu chung và tiếp theo sẽ tiến dần đến triển khai chương trình hành động cụ thể với những đề án, kế hoạch chi tiết.
Riêng tỉnh Đồng Nai đang không ngừng thúc đẩy mạng lưới cảng xuất nhập khẩu, kết nối hạ tầng giao thông đi các tỉnh Đông Nam bộ sẽ tạo điều kiện lưu thông hàng hóa, kết nối thương mại, kêu gọi đầu tư...
Tỉnh Đồng Nai có lợi thế giao thông với sân bay quốc tế, nguồn nhân lực trẻ, khu công nghiệp có nhà ở công nhân...
Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng có quỹ đất rộng dành cho đa dạng dự án đầu tư, ưu đãi thuế đất, cấp giấy chứng nhận đầu tư 15 ngày, hỗ trợ thủ tục hành chính khác...
Đây là những điều kiện thuận lợi mà doanh nghiệp trong và ngoài nước có thể khai thác đầu tư, còn ngành công nghiệp hỗ trợ nội địa có thể tận dụng cơ hội trở thành nhà cung cấp và gia nhập chuỗi cung ứng, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển bền vững.
Một góc khu công nghiệp tại tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)
Đại diện một số Ban Quản lý các khu chế xuất-khu công nghiệp-khu kinh tế trọng điểm phía Nam cũng đánh giá, việc liên kết vùng có vai trò hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay, nhất là thúc đẩy hình thành mạng lưới tổ chức, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ sẽ giúp các địa phương thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ và tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm trong sản xuất, kinh doanh.Hơn thế nữa, các tỉnh, thành sẽ xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có tính liên kết mạnh sẽ tạo động lực hát huy các nguồn lực và tiềm năng của doanh nghiệp trong nước.
Nội địa hóa sản phẩm
Với vai trò là trung tâm kinh tế, đầu mối giao thương, đầu tư, xuất nhập khẩu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh đã xác định công nghiệp hỗ trợ là một trong những ngành trọng điểm của thành phố; trong đó, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cùng Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp (HEPZA) và Ban quản lý khu công nghệ cao (SHTP) đã triển khai đa dạng hoạt động, giúp doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cung ứng, tạo điều kiện đầu tư mở rộng sản xuất, từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Điển hình, hội nghị tìm kiếm tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ được tổ chức định kỳ hàng năm là điểm đến cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ gặp gỡ, tiếp cận trực tiếp doanh nghiệp FDI và nhà sản xuất công nghiệp có chiến lược nội địa hóa về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, duy trì hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất Việt Nam với nhà đầu tư nước ngoài, nhất là doanh nghiệp công nghiệp quốc tế.
Theo ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, nếu doanh nghiệp sản xuất trong nước được tạo bệ đỡ từ ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ định hình được cơ hội thị trường, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và chinh phục thị trường quốc tế.
Đặc biệt, không chỉ những công ty đầu ngành, mà doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được tạo động lực khuyến khích tích cực đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực trong sản xuất kinh doanh. Từ đó, góp phần sản xuất và quảng bá hình ảnh sản phẩm, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thành phố.
Ông Dương Anh Đức cũng cho hay Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ của nhà đầu tư nước ngoài tham gia hoạt động kết nối cung cầu của thành phố với doanh nghiệp, liên kết công nghiệp hỗ trợ để thành phố phát triển mạng lưới nhà sản xuất có năng lực, làm bệ đỡ cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phát triển bền vững.
Hiện tại, Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng và hình thành những nhóm sản phẩm như nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của Thành phố Hồ Chí Minh; sản phẩm công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu Thành phố Hồ Chí Minh... và đang tiến đến ra mắt nhóm thương hiệu Vàng của thành phố.
Nhóm ngành sản xuất, trong đó có công nghiệp hỗ trợ sẽ khó khăn trong chuyển đổi số hơn nhóm ngành thương mại, nhưng doanh nghiệp cần phải thay đổi để tối ưu hóa nguồn lực sản xuất, tăng năng suất, giảm chi phí và rút ngắn thời gian đưa sản phẩm đến khách hàng.
Doanh nghiệp có thể phát triển công nghệ ngay từ khi bắt đầu sản xuất, hoặc thừa hưởng những công nghệ đã được doanh nghiệp khác đã áp dụng thành công. Tuy nhiên, dù có thay đổi như thế nào thì công nghệ thông tin trong thời đại số luôn là một phương pháp tiên phong, dẫn đầu và là một xu thế tất yếu.
Ở góc độ chuyên gia, ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá ở ngành chế tạo, tỷ lệ thu mua nội địa của Việt Nam từ sau năm 2010 dần có sự gia tăng, tuy nhiên, nếu nói tỷ lệ gia tăng cao những năm gần đây thì so với các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia thì khoảng cách chưa được rút ngắn.
Trong khi đó, gần đây nhiều nhà đầu tư, sản xuất, kinh doanh quốc tế rất quan tâm và yêu cầu việc hình thành một hệ thống cung ứng bền vững và đáng tin cậy thông qua đa dạng hóa cơ sở sản xuất.
Do đó, Việt Nam muốn duy trì vị thế là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất đối với doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng và nhà đầu tư các nước nói chung khi mở rộng kinh doanh ra nước ngoài, thì việc phát triển những cụm công nghiệp bằng mạng lưới kết nối kinh doanh, thúc đẩy công nghệ sản xuất là yêu cầu cấp thiết.
Để tận dụng cơ hội từ xu hướng thiết lập và mở rộng nhà máy tại Việt Nam của tập đoàn quốc tế, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các chuyên gia cho rằng, nhà sản xuất Việt Nam cần nâng cao lợi thế cạnh tranh bằng những giải pháp, gồm: cập nhật máy móc, công nghệ mới, tăng năng suất, giảm tiêu hao, nâng cao trình độ nguồn lao động...
Song song với đó, nhà sản xuất Việt Nam quan tâm đúng mức trong việc bổ sung thêm về biện pháp thắt chặt mối liên kết giữa ngành công nghiệp hỗ trợ các nước như chia sẻ cơ sở dữ liệu trực tuyến, tổ chức kết nối kinh doanh, nâng cao năng lực cho xưởng sản xuất, kết nối đào tạo tại nhà máy.../.
Theovietnamplus.vn