Chủ tịch Quốc hội dự Đại hội thi đua yêu nước ngành ngân hàng
Đối nội - Ngày đăng : 08:05, 29/11/2020
(BKTO) - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bến Tre...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho các cá nhân, tập thể ngành Ngân hàng. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Sáng 28/11, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự Đại hội thi đua yêu nước ngành Ngân hàng lần thứ VIII (2020-2025).
Cùng tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Điểu K’ré.
Thành tích chung
Phát biểu khai mạc Đại hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết thấm nhuần tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giai đoạn 2015-2020, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Ngân hàng luôn phát huy truyền thống đoàn kết, hăng hái thi đua, lao động sáng tạo, nỗ lực phấn đấu để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước đề ra.
Toàn Ngành đã tích cực hưởng ứng phong trào thi đua theo chuyên đề do Thủ tướng Chính phủ phát động, điển hình như: Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã được thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, kịp thời với nhiều biện pháp, nội dung phù hợp, sát với thực tế.
Giai đoạn 2011-2020, toàn ngành Ngân hàng có 51 đơn vị đăng ký hỗ trợ xây dựng nông thôn mới tại 45 tỉnh, 34 huyện và 152 xã với số tiền, vật chất là hơn 5.729 tỷ đồng.
Đến 31/3/2020 dư nợ cho vay trên địa bàn các xã trên toàn quốc đạt 1.216.713 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với thời điểm kết thúc giai đoạn 1 với hơn 9,5 triệu khách hàng; phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển,” ngành Ngân hàng đã và đang đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam triển khai nhiều giải pháp như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh đối với doanh nghiệp...
Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng quản trị, Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết là một trong những Ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên với hơn 30 năm thành lập, HDBank có gần 200 đảng viên; hơn 9.000 đoàn viên thanh niên và 13.500 công đoàn viên.
HDBank đã xây dựng thành công mô hình ngân hàng Xanh với việc tài trợ hàng trăm triệu USD cho nhiều dự án năng lượng tái tạo và tài trợ hàng chục nghìn tỷ đồng cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
HDBank được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trao giải thưởng “Green Deal Award.”
Ngân hàng đã xây hơn 100 căn nhà, hàng trăm cây cầu đường hỗ trợ các gia đình, địa phương khó khăn...
Ngân hàng này Tổ chức chương trình thường niên “Chắp cánh yêu thương” trên cả nước; trao hơn 24.000 thẻ bảo hiểm y tế, 12.000 ca mổ mắt, mổ tim cho người nghèo, thường xuyên tổ chức khám bệnh, phát thuốc tại vùng sâu vùng xa.
Trong đại dịch COVID-19, hưởng ứng lời kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước, HDBank đã trao hơn 10 tỷ đồng, 1.000 giường y tế cao cấp, 3 tỷ đồng trang bị máy lọc giúp đỡ bà con phòng chống nạn hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long…
Ông Châu Văn Vé, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Bắc Ái, tỉnh Ninh Thuận, cho biết Bác Ái là huyện miền núi đặc biệt khó khăn thuộc 62 huyện nghèo của cả nước theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ. Huyện có đông đồng bào dân tộc Raglai.
Với vai trò đứng đầu Phòng giao dịch, luôn trăn trở làm gì và như thế nào để đồng bào mình sử dụng nguồn vốn hỗ trợ từ Nhà nước cho có hiệu quả, ông Châu Văn Vé đã tham mưu với Đảng ủy, Ủy ban Nhân dân các xã trong huyện nâng cao vai trò, trách nhiệm trong chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện tốt tín dụng chính sách trên địa bàn, đặc biệt là công tác tuyên truyền, vận động, chứng nhận cho đồng bào trong vay vốn, tăng cường kiểm tra, giám sát… Phòng giao dịch hằng năm đều đạt chỉ tiêu giao. Có 12.048 lượt hộ nghèo, các hộ đồng bào dân tộc được vay vốn tạo việc làm, phát triển sản xuất kinh doanh...
Đặc biệt, Phòng giao dịch luôn duy trì nợ quá hạn bằng 0. Vốn tín dụng chính sách góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Với sự nỗ lực chung, hiện tỷ lệ hộ nghèo ở Bác Ái giảm dần qua từng năm, từ trên 58% năm 2015 giảm còn hơn 34% năm 2020, nhiều hộ đồng bào đã vươn lên thoát nghèo, phát triển sản xuất…
Ghi nhận thành tích chung của ngành Ngân hàng, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bến Tre; ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước; ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội do có thành tích xuất sắc.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba cho một số cá nhân ngành Ngân hàng có thành tích xuất sắc từ năm 2015-2019.
Không ngừng trong thi đua lập thành tích
Phát biểu tại Đại hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh trong những năm gần đây, tình hình thế giới diễn biến phức tạp và có những yếu tố không thuận lợi; đặc biệt trong năm 2020, dịch bệnh COVID-19 lan rộng phức tạp trên toàn cầu, trong nước biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thiên tai, bão, lũ, sạt lở sông biển... đã tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức đó, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng, sự hỗ trợ, giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, ngành Ngân hàng đã chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng nhằm kiên định mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Những đóng góp nêu trên của ngành Ngân hàng đã góp phần đưa kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016-2020 đạt được nhiều kết quả tích cực, cụ thể: tăng trưởng GDP bình quân từ năm 2016-2019 ở mức cao trong khu vực và thế giới, đạt 6,78% trong khi lạm phát bình quân được kiểm soát dưới mức 4%/năm; các chương trình xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội đạt kết quả tốt; đời sống nhân dân được cải thiện...
Riêng năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống của người dân, kinh tế thế giới, nhiều nước dự báo có mức tăng trưởng âm, nhưng tăng trưởng GDP của nước ta cả năm vẫn ước đạt trên 2%, thể hiện thành công lớn của Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa khôi phục và phát triển kinh tế.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành Ngân hàng. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Qua theo dõi Báo cáo tổng kết công tác thi đua, khen thưởng ngành Ngân hàng giai đoạn 2015-2020 và các ý kiến tham luận tại Đại hội, Chủ tịch Quốc hội vui mừng thấy sự đổi mới, sáng tạo trong công tác thi đua, khen thưởng của ngành Ngân hàng trong những năm qua, đặc biệt là việc triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua của Ngành và của Chính phủ phát động.Đặc biệt, trong triển khai phong trào“Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” ngành Ngân hàng đã có nhiều thành tích, góp phần tạo nên hệ thống chính sách đồng bộ cho Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Trong phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau,” toàn ngành đã nỗ lực, đóng góp, hỗ trợ cho cuộc sống của người nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Đối với phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển,” ngành Ngân hàng đã và đang đồng hành cùng doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp, như: đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh đối với doanh nghiệp.
Phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở giai đoạn 2019-2025” tuy mới được triển khai hơn một năm nhưng đã tạo sự chuyển biến về ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp và tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành Ngân hàng.
“Những kết quả đạt được nêu trên đã thể hiện tinh thần quyết tâm của các cấp ủy Đảng trong ngành Ngân hàng; sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả của Ban Cán sự Đảng, Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước; tinh thần trách nhiệm của Hội đồng thi đua, khen thưởng; sự tham gia phối hợp chặt chẽ của các tổ chức đoàn thể và đặc biệt là sự đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực không ngừng trong thi đua lập thành tích xuất sắc của các tập thể, cá nhân trong toàn ngành Ngân hàng,” Chủ tịch Quốc hội nói.
Kết hợp thi đua thường xuyên với phong trào thi đua theo chuyên đề
Với vai trò huyết mạch của nền kinh tế, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ sau đại dịch, ngoài các phương hướng, nhiệm vụ đã nêu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngành Ngân hàng tiếp tục nghiên cứu, học tập và vận dụng sáng tạo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước; thực hiện tốt Chỉ thị số 34 ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới toàn diện công tác thi đua, khen thưởng; quán triệt sâu sắc, tăng cường triển khai, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức đúng đắn về công tác thi đua, khen thưởng.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Ngành Ngân hàng thường xuyên đổi mới hình thức, biện pháp tổ chức phát động thi đua để tránh sự dập khuôn, cứng nhắc; cần có sự kết hợp đồng bộ giữa các phong trào thi đua thường xuyên với phong trào thi đua theo chuyên đề nhằm hỗ trợ thúc đẩy quá trình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ; nội dung thi đua cần tiếp tục bám sát với yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm của Ngành, đặc biệt gắn với mục tiêu phát triển “an toàn-hiệu quả-bền vững,” cùng với việc không ngừng sáng tạo để cung cấp thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tiện ích, hiện đại.
Cùng với đó, ngành Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua do Chính phủ phát động, trọng tâm là phong trào thi đua“Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở giai đoạn 2019-2025,” theo đó cần quan tâm đến việc đổi mới, cải tiến cách thức, lề lối làm việc, xây dựng hình ảnh người cán bộ ngân hàng tận tâm, chuyên nghiệp, nhiệt huyết và sáng tạo.
Ngành Ngân hàng thực hiện đổi mới nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, đảm bảo việc xét khen thưởng khách quan, chính xác, công bằng, kịp thời, có tác dụng nêu gương, trong đó phải đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác khen thưởng; khắc phục hiện trạng khen thưởng “từ trên xuống” và chú trọng khen thưởng đến tập thể nhỏ và những người lao động trực tiếp.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, ngành Ngân hàng cần chú trọng kiện toàn, nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng trong toàn hệ thống, đảm bảo tổ chức bộ máy phải gọn nhẹ, hiệu quả, song vẫn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn mới.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thay mặt toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Ngân hàng khẳng định lĩnh hội, quán triệt và triển khai đầy đủ các ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bằng việc làm cụ thể để toàn ngành bước vào giai đoạn thi đua mới; đồng thời phát động phong trào thi đua trong toàn Ngành giai đoạn 2016-2020 với chủ đề “Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Ngân hàng phát huy truyền thống 70 năm, đoàn kết, sáng tạo, thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ ngành Ngân hàng giai đoạn 2020-2025.”./.
Theovietnamplus.vn