Lo ngại tăng trưởng quý I/2017

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:10, 13/04/2017

(BKTO) - TS.VŨ ĐÌNH ÁNH - Chuyên gia Kinh tế


Tổng cục Thống kê đã công bố GDP quý I/2017 chỉ tăng có 5,1% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng thấp hơn hẳn so với quý I của hai năm gần đây và chỉ cao hơn so với cùng kỳ giai đoạn 2012-2014. Với mức tăng trưởng này thì để đạt mục tiêu cả năm GDP tăng khoảng 6,7%, 3 quý còn lại của năm 2017 phải tăng trưởng tới 7% - con số chưa từng đạt được kể từ năm 2011 đến nay.

Nguyên nhân cơ bản khiến cho GDP quý I/2017 tăng trưởng dưới mức kỳ vọng là mặc dù khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trở lại ở mức 2,03%, đóng góp 0,24 điểm phần trăm còn khu vực dịch vụ vẫn duy trì tốc độ tăng 6,52%, đóng góp 2,65 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung nhưng trụ cột khu vực công nghiệp và xây dựng lại chỉ tăng vẻn vẹn 4,17%, đóng góp 1,46 điểm phần trăm.

Ngành công nghiệp chỉ tăng 3,85% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất kể từ năm 2011 đến nay, trong đó ngành khai khoáng sụt giảm mạnh, bằng 90% cùng kỳ năm trước, còn ngành chế biến, chế tạo tăng 8,3% - thấp hơn hẳn so với mức tăng 9,7% của cùng kỳ năm 2015 và 8,94% của cùng kỳ năm 2016, tương tự ngành xây dựng cũng tăng có 6,1%, thấp hơn tốc độ tăng 8,6% của cùng kỳ năm 2016.

Bên cạnh đó, số DN tạm ngừng hoạt động trong 3 tháng đầu năm vẫn tăng 3% so với cùng kỳ năm 2016, lên đến 20.636 DN, bất chấp tăng trưởng tín dụng quý I/2017 đã tăng mạnh nhất trong vòng 6 năm gần đây, đạt 2,81%. Rõ ràng, xét về phía cung năng lực sản xuất đang có dấu hiệu "hụt hơi" sau khi đã cố gắng gượng dậy từ năm 2014.

Xét về phía cầu, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tuy vẫn tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước, song nếu loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 6,2% - cũng thấp hơn hẳn mức tăng 7,5% của quý I năm 2016. Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý I/2017 cũng chỉ tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2016 - thấp hơn mức tăng 10,9% cùng kỳ năm 2016. Tuy thu hút vốn FDI tăng 77,6% so với cùng kỳ năm trước được đánh giá là điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh kinh tế quý đầu tiên năm 2017 nhưng vốn thực hiện của khu vực FDI cũng chỉ tăng được 6,2% - chưa bằng một nửa mức tăng tương ứng của năm 2016.

Hoạt động thương mại quý I/2017 cũng tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế do kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 43,7 tỷ USD (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,7% do giá cả trên thị trường thế giới đảo chiều tạo thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa của nước ta), song kim ngạch hàng hoá nhập khẩu lại tăng vọt 22,4% so với cùng kỳ năm trước, lên đến 45,6 tỷ USD (nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tăng 19,9%), nên cán cân thương mại hàng hóa chuyển từ thặng dư cả năm 2016 sang thâm hụt tới 1,9 tỷ USD trong quý I/2017.

Nếu tính cả thâm hụt cán cân thương mại dịch vụ thì con số nhập siêu quý I/2017 đã lên đến 2,4 tỷ USD và chắc chắn sẽ tác động tiêu cực tới cán cân thanh toán tổng thể, đặc biệt lại xảy ra trong bối cảnh gia tăng chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và biến động mạnh trên thị trường tiền tệ quốc tế.

Tóm lại, nỗ lực cải thiện các yếu tố tăng trưởng kinh tế cả từ phía cung lẫn từ phía cầu đang đặt ra rất cần thiết và cấp bách không chỉ trong năm 2017 mà cả các năm tiếp theo. Do các nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế bị hạn chế nên lựa chọn đúng khâu đột phá để tập trung phát triển làm đầu kéo dẫn dắt tăng trưởng kinh tế là bí quyết quyết định thành công vượt qua trạng thái "hụt hơi" tăng trưởng GDP hiện nay, đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao và bền vững.