Cần tổ chức kiểm toán toàn bộ các bước của quá trình cổ phần hóa

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 08:20, 01/12/2020

(BKTO) - ​Ông Nguyễn Hồng Long - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN - trả lời phỏng vấn của Báo Kiểm toán



Ông Nguyễn Hồng Long

♦ Thưa ông, đại diện cho Ban Chỉ đạo có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi việc thực hiện các chương trình, kế hoạch về sắp xếp, đổi mới, phát triển DNNN, ông nhận định như thế nào về việc thực hiện kế hoạch cổ phần hóa (CPH), thoái vốn tại các DN này?

- Công cuộc CPH DNNN bắt đầu thí điểm từ năm 1990-1991 và chính thức triển khai vào năm 1992 với chiến lược đặt ra là cơ bản hoàn thành vào năm 2020. Nhờ quá trình sắp xếp, đổi mới, CPH, số lượng DNNN đã giảm mạnh, năm 1986 có 12.000 DNNN, năm 1990 có khoảng 6.000 DNNN, đến tháng 9/2020 còn gần 500 DN 100% vốn nhà nước, chủ yếu tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt, cơ bản. Số DNNN có quy mô trên 500 tỷ đồng vốn điều lệ đạt trên 32%, đã có những DN quy mô trên 10.000 tỷ đồng được CPH…

Mặc dù vậy, tiến độ CPH, thoái vốn từ đầu năm đến nay vẫn chậm so với kế hoạch. Nguyên nhân là do tác động của dịch Covid-19 và cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn dẫn đến thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng rất nặng nề, làm ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ CPH và thoái vốn. Mặt khác, dù đã gần cuối năm nhưng còn nhiều tập đoàn, tổng công ty phải CPH trong giai đoạn 2016-2020 chưa hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất để xác định giá trị DN. Đây là những đơn vị có tình hình tài chính phức tạp, sở hữu nhiều đất đai, trong khi đó theo Nghị định số 126/2017/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển DNNN và công ty TNHH một thành viên do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần (Nghị định 126), phương án sử dụng đất là điều kiện tiên quyết khi thực hiện CPH.

Bên cạnh đó, nhiều quy định mới về CPH, thoái vốn được ban hành theo hướng ngày càng chặt chẽ nên các DN phải thực hiện từ đầu hoặc một số nội dung, công đoạn trong quá trình CPH phải kéo dài thời gian hơn. Ngoài ra, nhiều nguyên nhân khác làm chậm tiến độ CPH như: việc xác định giá trị DN và xác định quyền sử dụng đất khá phức tạp; một số Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty chưa quyết liệt trong CPH và thoái vốn, còn tư tưởng sợ không dám làm, ngại chịu trách nhiệm, thậm chí có trường hợp viện dẫn vào khó khăn trong cơ chế, chính sách để làm chậm quá trình CPH, thoái vốn; tỷ lệ vốn góp của Nhà nước còn cao, khó hấp dẫn các nhà đầu tư; nhiều vấn đề chưa hợp lý trong tổ chức Roadshow, lựa chọn thời điểm để chào bán cổ phần lần đầu (IPO).

Tuy nhiên, tính đến tháng 8/2020, số tiền chuyển từ CPH, thoái vốn vào NSNN là 211.500 tỷ đồng, đạt 85% kế hoạch. Trong bối cảnh như vậy, đây là kết quả khả quan so với kế hoạch giai đoạn 2016-2020 (số tiền phải nộp vào NSNN là 250.000 tỷ đồng).

♦ Theo ông, việc KTNN thực hiện kiểm toán kết quả xác định giá trị DN có ý nghĩa như thế nào đối với quá trình CPH, thoái vốn tại DNNN?

- Qua kiểm toán kết quả xác định giá trị DN để CPH, KTNN đã chỉ ra một số hạn chế làm ảnh hưởng đến việc xác định giá trị DN, tiến độ CPH.

Cụ thể, theo quy định, thời gian xử lý tài chính và tổ chức tư vấn định giá xác định giá trị DN (từ thời điểm xác định giá trị DN đến thời điểm công bố giá trị DN) phải bảo đảm không quá 12 tháng; các DN phải thực hiện kiểm toán không quá 15 tháng. Điều này có thể dẫn đến việc chậm trễ trong quá trình tiến hành CPH DN. Bên cạnh đó, việc xác định giá trị DN khi CPH bắt buộc thực hiện theo phương pháp tài sản và tối thiểu 1 phương pháp khác, giá trị DNNN xác định không được thấp hơn phương pháp tài sản. Tuy nhiên, hướng dẫn cụ thể từng trường hợp áp dụng phương pháp khác và việc xử lý chênh lệch giữa các phương pháp chưa có. Tương tự, việc xác định giá trị tài sản vô hình của DNNN không có hướng dẫn cụ thể để áp dụng, các tham số phức tạp, khó phù hợp với điều kiện thực tế, gây tốn kém chi phí và thời gian thực hiện…

Thực tiễn còn cho thấy, việc kiểm toán kết quả định giá DN do KTNN thực hiện có ý nghĩa quan trọng không chỉ ở việc xác định tăng giá trị thực tế vốn nhà nước, kiến nghị xử lý tài chính mà còn đánh giá thực trạng công tác định giá DN, những bất cập đang diễn ra trong quá trình CPH để kịp thời kiến nghị sửa đổi cơ chế, chính sách hiện hành. Chính phủ đã và đang quyết tâm đẩy nhanh tiến độ CPH DNNN, đặc biệt, đa phần các DN thuộc diện CPH ở giai đoạn này là DN có quy mô tài sản rất lớn, rủi ro thất thoát tiền và tài sản nhà nước trong quá trình xác định giá trị DN càng trở nên hiện hữu. Do đó, KTNN cần tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện kiểm toán kết quả định giá DNNN, trên cơ sở các phát hiện kiểm toán, đề xuất sửa đổi, khắc phục một số hạn chế trong quá trình xác định giá trị DN nói riêng, CPH nói chung.

♦ Vậy ông khuyến nghị như thế nào đối với KTNN về việc kiểm toán nội dung này trong thời gian tới?

- Chúng ta đều nhận thấy, sau CPH, các chỉ tiêu cơ bản về tài chính của DN như: vốn, số tiền nộp NSNN, lợi nhuận đều tăng nhưng chưa nghiên cứu nào có cơ sở pháp lý về tình hình sử dụng người lao động, sử dụng tài sản và đất đai của Nhà nước, việc duy trì thương hiệu DN, công tác đổi mới mô hình quản trị…

Theo Nghị định 26, trên cơ sở kết quả xác định giá trị DN để CPH đã được cơ quan tư vấn xác định và ý kiến của cơ quan đại diện chủ sở hữu, KTNN thực hiện kiểm toán kết quả giá trị DN và xử lý các vấn đề về tài chính trước khi định giá đối với các DN như quy định. Để đánh giá có tính hệ thống, khoa học những vấn đề trong và sau CPH của DN, từ việc xác định giá trị DN, Roadshow, thời điểm IPO, việc quyết toán lần 2…, KTNN nên thực hiện kiểm toán hoạt động, kiểm toán tất cả các bước của quá trình CPH. Nếu KTNN thực hiện kiểm toán hoạt động những nội dung này sẽ có thông tin chính xác và đầy đủ hơn về bức tranh CPH, đặc biệt là hậu CPH, từ đó kiến nghị hoàn thiện chính sách có liên quan, giúp việc hoạch định chính sách của Đảng và Nhà nước về công cuộc CPH chính xác, hiệu quả hơn.

♦ Xin trân trọng cảm ơn ông!
         
Theo ông Nguyễn Hồng Long, từ năm 2017 đến nay, KTNN đã thực hiện kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị DN CPH giai đoạn 2016-2020 của 16 DNNN, qua đó đã xác định giá trị thực tế vốn nhà nước theo phương pháp tài sản tăng hơn 15.000 tỷ đồng. Đó là một con số rất có ý nghĩa.
THÙY ANH (thực hiện)