Hoàn thiện công tác kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp trước cổ phần hóa

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 08:25, 01/12/2020

(BKTO) - Đến nay, kế hoạch cổ phần hóa (CPH) mới đạt gần 28%. Như vậy, số lượng DN chưa hoàn thành CPH tồn đọng nhiều. Điều này tạo áp lực cho các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt CPH và cả các đơn vị thanh tra, kiểm tra, trong đó có KTNN. Do vậy, KTNN cần nghiên cứu, đưa ra các giải pháp, kế hoạch để nâng cao hiệu quả kiểm toán, góp phần bảo toàn giá trị phần vốn nhà nước.



KTNN đã kiến nghị tăng vốn nhà nước đối với Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn. Ảnh tư liệu

Một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình kiểm toán

Từ năm 2013 đến nay, KTNN chuyên ngành VI đã thực hiện nhiều cuộc kiểm toán xử lý tài chính và xác định giá trị DN, đạt được kết quả nổi bật, góp phần bảo toàn lợi ích của Nhà nước trong DN. Bên cạnh đó, các đoàn kiểm toán cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình kiểm toán:

Thứ nhất là vướng mắc về cơ chế, chính sách trong xác định giá trị doanh nghiệp (GTDN) trước CPH và thẩm định giá. Thực tế cho thấy, văn bản và tiêu chuẩn thẩm định giá của Việt Nam còn có những quy định chưa rõ ràng, cụ thể, chi tiết, có thể dẫn tới các cách hiểu, cách triển khai và quan điểm khác nhau giữa DN, đơn vị tư vấn và KTNN. Cụ thể, phương pháp xác định giá trị thương hiệu chưa tiệm cận phương pháp đánh giá của các tổ chức độc lập đã được thừa nhận trên thế giới. Đơn vị tư vấn, DN và KTNN đều gặp khó khăn để lượng hóa giá trị thương hiệu dựa trên các yếu tố vô hình và định tính như lịch sử, bề dày truyền thống.

Hiện nay, các DNNN trong quá trình lập và xin phê duyệt phương án sử dụng đất còn gặp nhiều vướng mắc, chưa thống nhất được nội dung phương án với chính quyền địa phương. Trong khi đó, nhiều DN là đối tượng kiểm toán của KTNN có số lượng đất đai rất lớn, trải dài trên nhiều địa bàn nên việc phê duyệt phương án sử dụng đất có thể bị kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ xác định GTDN.

Theo Nghị định số 126/2017/NĐ-CP (Nghị định 126), đa phần các loại hình đất đai theo phương án sử dụng đất phải chuyển sang thuê đất trả tiền hằng năm. Như vậy, GTDN sẽ không bao gồm quyền sử dụng đất thuê. Quy định này có thể dẫn tới rủi ro không xác định được đầy đủ lợi thế vị trí địa lý của khu đất thuê vào GTDN và giá trị phần vốn nhà nước. Thực tiễn, một số khu đất tuy chỉ là đất thuê nhưng nằm ở các vị trí đắc địa nên có giá trị kinh tế cao. Do vậy, nhà đầu tư không chỉ nhìn vào giá trị tài sản, giá trị dòng tiền mang lại từ hoạt động sản xuất kinh doanh thông thường mà còn quan tâm đặc biệt đến các khu đất “vàng”, đất “kim cương”. Trong khi đó, giá trị lợi thế mang tính vô hình, không có quy định cụ thể và chi tiết về cách thức tiếp cận tính toán. Điều này gây khó khăn cho KTNN trong việc lượng hóa giá trị lợi thế các khu đất này. Ngoài ra, một số nội dung trong các tiêu chuẩn chưa đủ chi tiết, có thể dẫn tới rủi ro đơn vị lợi dụng để thay đổi kết quả định giá.

Thứ hai, trong lập kế hoạch kiểm toán, do thông tin về lộ trình CPH chưa cụ thể, chi tiết và có độ chính xác cao nên việc bố trí, đưa các cuộc kiểm toán xác định GTDN vào kế hoạch kiểm toán năm hoặc trung hạn còn hạn chế. Ngoài ra, thời gian từ lúc cơ quan đại diện vốn nhà nước có công văn đề nghị kiểm toán đến khi triển khai kiểm toán rất ngắn (trong vòng 10 ngày) cũng làm ảnh hưởng nhất định đến công tác sắp xếp bố trí nhân sự, khảo sát, thu thập thông tin, lập và trình xét duyệt kế hoạch kiểm toán…

Tháo gỡ vướng mắc cho công tác kiểm toán định giá doanh nghiệp

Để tháo gỡ những vướng mắc trên, góp phần hoàn thiện công tác kiểm toán định giá DN trước CPH, KTNN cần tổ chức trao đổi, làm việc với các cơ quan có thẩm quyền nhằm phản ánh các bất cập trong cơ chế, chính sách, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai, giá trị tài sản vô hình; có cơ chế phối hợp với các DN, cơ quan chủ quản để xây dựng và đồng bộ kế hoạch CPH với công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán năm, kế hoạch kiểm toán trung hạn.

Trong tổ chức kiểm toán xác định GTDN, KTNN cần tiếp tục xây dựng và sớm ban hành văn bản, đề cương hướng dẫn chuyên môn cho lĩnh vực kiểm toán kết quả xác định GTDN, trong đó tập trung vào một số vấn đề: các nội dung trọng yếu khi kiểm toán kết quả xác định GTDN, những rủi ro thường gặp và phương pháp xử lý vấn đề đối với từng phương pháp định giá hay gặp trong thực tiễn... Hướng dẫn cụ thể hơn việc đánh giá xếp loại thành viên, tổ, đoàn kiểm toán cho lĩnh vực kiểm toán xác định giá trị DN để đảm bảo ghi nhận trọn vẹn kết quả kiểm toán. Đồng thời, tổ chức tập huấn, đào tạo cho đội ngũ kiểm toán viên các kiến thức, kỹ năng trong lĩnh vực xác định GTDN, thẩm định giá.

Để tăng cường hơn nữa hơn vai trò của KTNN gắn với việc nâng cao hiệu quả của công tác CPH, KTNN có thể định kỳ tổ chức các buổi thảo luận, tọa đàm với các đơn vị ngoài ngành liên quan đến công tác CPH và xác định GTDN. Các đơn vị ngoài ngành này có thể là các tổ chức tư vấn lớn hoặc bản thân chính các DN sắp CPH. Thông qua đó, KTNN có thể hiểu biết sâu sắc hơn về đặc điểm các DN CPH, thực tiễn thẩm định giá của các tổ chức tư vấn, từ đó giúp giảm thiểu các bất đồng, mâu thuẫn có thể phát sinh trong quá trình kiểm toán.

Nghị định 126 mới chỉ đề cập đến vai trò của KTNN trong kiểm toán kết quả định giá DN và xử lý các vấn đề tài chính trước khi định giá. Tuy nhiên, quá trình CPH của DNNN chỉ hoàn thành khi chính thức chuyển sang công ty cổ phần và quyết toán giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần. Giai đoạn này cũng có nhiều hạn chế và tiềm ẩn nguy cơ thất thoát vốn nhà nước hoặc chậm thực hiện nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN các khoản tiền thu về từ CPH. Vì vậy, cần phải bổ sung phạm vi kiểm toán của KTNN đối với việc quyết toán giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần.
         
Qua thực hiện một số cuộc kiểm toán xác định giá trị DN trước CPH, KTNN chuyên ngành VI đã kiến nghị tăng vốn nhà nước đối với Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng công ty Điện lực Dầu khí, Tổng công ty Phát điện 2 - GENCO 2 lần lượt là 4.586 tỷ đồng, 2.029 tỷ đồng và 1.166 tỷ đồng…
H.NHUNG (ghi)
Lược ghi tham luận của ThS. NGUYỄN ANH TUẤN
Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI, KTNN