Tìm lời giải cho bài toán về tăng trưởng kinh tế
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 09:05, 13/04/2017
(BKTO) - Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ lo lắng khi GDP quý I/2017 chỉ đạt 5,1% và yêu cầu các Bộ, ngành phải có những biện pháp cụ thể nhằm giải quyết những khó khăn, thách thức, tìm động lực cho tăng trưởng kinh tế. Bài toán mà Thủ tướng đặt ra một lần nữa trở thành đề tài nóng trong các cuộc tọa đàm, họp báo của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP) thuộc Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) diễn ra vào đầu tuần qua.
Gánh nặng nợ công vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để khiến cho nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Ảnh: TS
Đưa ra lời giải cho bài toán tăng trưởng kinh tế Việt Nam, Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á của ADB nhấn mạnh: “Chuyển đổi mạnh mẽ nền nông nghiệp của Việt Nam là hết sức quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng và cho phép Việt Nam vươn lên vị thế quốc gia thu nhập trung bình cao”.
Theo ADB, sản lượng nông nghiệp được dự báo tăng nhẹ trong năm 2017 với viễn cảnh giá lương thực toàn cầu tăng và thời tiết bớt biến động hơn. Tuy nhiên, khu vực này tiếp tục tăng trưởng chậm hơn so với các lĩnh vực khác, làm giảm đà tăng trưởng chung của nền kinh tế. Để chuyển đổi nông nghiệp, Việt Nam cần có những chính sách tạo điều kiện thúc đẩy cạnh tranh mạnh mẽ hơn trong các chuỗi cung ứng và chế biến sau thu hoạch, đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn để hỗ trợ các mặt hàng nông sản mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Điều quan trọng nữa là cấp thiết giải quyết những tác động ngày càng tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với nông nghiệp. Ứng phó với biến đổi khí hậu phải được lồng ghép đầy đủ vào công tác hoạch định chính sách, ưu tiên cho các dự án đầu tư xanh, thông minh.
Còn tại Tọa đàm Công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý I/2017 do VERP tổ chức, vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu và những tác động tới tăng trưởng kinh tế tiếp tục được đặt ra. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã nêu lên những nghịch lý hiện hữu trong nền kinh tế Việt Nam. Đó là, số lượng các dự án điện, than nhiều lên trong khi thông điệp của Thủ tướng Chính phủ là không vì lợi ích kinh tế mà đánh đổi môi trường bằng mọi giá; sức ép về môi trường chỉ đến từ một vài dự án lớn nhưng người dân và DN lại phải chịu phí môi trường cao hơn. “Đây có phải là cách để Nhà nước xử lý vấn đề môi trường không? Nếu chúng ta cứ chạy theo các dự án đầu tư mà không có sự cân nhắc và tính toán đầy đủ tác động của môi trường thì kinh tế sẽ bị ảnh hưởng” - bà Phạm Chi Lan đặt vấn đề.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, trong quá trình hoạch định chính sách phát triển, chúng ta phải chú ý đến tác động của biến đổi khí hậu và môi trường. Chẳng hạn, tình hình biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn diễn biến phức tạp. Điều này đặt ra yêu cầu đối với Việt Nam phải sớm thay đổi cơ cấu mùa vụ cho phù hợp.
Nhiều thách thức mới, hạn chế cũ
Bên cạnh việc hóa giải những thách thức từ nông nghiệp và môi trường, bài toán về tăng trưởng kinh tế đòi hỏi Chính phủ và các Bộ, ngành phải điều hành linh hoạt, nhạy bén hơn trước những yếu tố gây bất lợi đối với nền kinh tế.
Theo VERP, mặc dù lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt trong quý I, hứa hẹn một môi trường vĩ mô ổn định hơn trong năm 2017 nhưng chênh lệch giữa lạm phát toàn phần và lạm phát lõi vẫn ở mức cao tiềm ẩn nguy cơ lạm phát tăng trở lại. Trong bối cảnh giá cả hàng hóa cơ bản trên thế giới tiếp tục phục hồi và giá cả dịch vụ công vẫn cần phải điều chỉnh, các nhà điều hành phải duy trì điều hành thận trọng để đạt lạm phát mục tiêu. Rõ ràng, lạm phát gắn liền với điều chỉnh giá dịch vụ. Nhưng trong điều chỉnh giá dịch vụ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) Võ Trí Thành cho rằng, thách thức lớn nhất đối với Việt Nam hiện nay là điều chỉnh giá điện.
Một thách thức nữa được VERP chỉ ra là luồng vốn FDI vào Việt Nam đã có dấu hiệu suy giảm, một phần do lợi thế thu hút đầu tư nhờ TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương) bị mất đi. Chưa kể, những bất lợi, hạn chế của Việt Nam trong hội nhập AEC (Cộng đồng kinh tế ASEAN) cũng dần bộc lộ rõ hơn. “Điều này cho thấy việc nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế là một nhu cầu cấp thiết thực sự không thể chỉ dừng lại ở chủ trương” - VERP khuyến nghị.
Cùng với đó, nhiều khó khăn, bất cập cũ của nền kinh tế vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để như vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, bội chi NSNN, gánh nặng nợ công...
Rõ ràng, thách thức mới và hạn chế cũ khiến bài toán đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ đặt ra vẫn vô cùng nan giải. Nhưng bài toán ấy vẫn cần phải có lời giải với một quyết tâm cao bởi theo nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, có tăng trưởng kinh tế mới giải quyết được một loạt các vấn đề liên quan như nợ công, cân đối ngân sách...
NGỌC MAI