Kiểm toán Chuyên đề việc thực hiện Đề án tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011-2015 - Kỳ III: Nhiều nguyên nhân làm giảm tốc quá trình tái cơ cấu

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 07:30, 05/01/2017

(BKTO) - Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) nhấn mạnh, một trong những nguyên nhân quan trọng làm giảm tốc quá trình tái cơ cấu DNNN thời gian qua chính là một số Bộ, địa phương, tập đoàn (TĐ) kinh tế, tổng công ty (TCT) nhà nước chưa chỉ đạo quyết liệt và tích cực tổ chức triển khai phương án sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn đã được phê duyệt.



Vinafood 2 là DNNN chậm cổ phần hóa trong năm 2015. Ảnh: TTXVN
Theo đánh giá của KTNN, các Bộ, địa phương, TĐ kinh tế, TCT nhà nước còn có tư tưởng, tâm lý e ngại, lo lắng về vị trí và vai trò lãnh đạo sau cổ phần hóa, thoái vốn, dẫn đến không muốn cổ phần hóa, thoái vốn hoặc nếu cổ phần hóa, thoái vốn thì Nhà nước vẫn nắm giữ cổ phần lớn, chi phối.

Bên cạnh đó, KTNN cũng như nhiều chuyên gia kinh tế đã nhận xét việc phân công, phân cấp, thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước tại DN chưa triệt để, thiếu chuyên trách, chưa tách bạch chức năng chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước dẫn đến hiệu lực, hiệu quả thực hiện Đề án tái cơ cấu chưa cao.

Thực trạng và những nguyên nhân này cũng đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ ra trong năm vừa qua khi đánh giá về kết quả của quá trình tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011-2015.

Cổ phần hóa chậmvà chưa hiệu quả

Trước đó, việc trình phê duyệt Đề án tái cơ cấu của các TĐ, TCT nhà nước cũng được đánh giá là chậm, chủ yếu đến năm 2013 các Đề án mới được phê duyệt, nên thực tế DN chỉ có khoảng 2 năm để thực hiện. Qua kiểm toán cho thấy, việc phân loại, sắp xếp DN trong một số Đề án tái cơ cấu chưa phù hợp với quy định; xác định ngành nghề kinh doanh chưa phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao; chưa có phương án chấm dứt tình trạng công ty mẹ và các công ty con cùng đầu tư vào một DN.

Một số Đề án tái cơ cấu được xây dựng chưa sát với tình hình thực tế của DN, do trong công tác xây dựng chưa lường hết được các khó khăn, vướng mắc…nên khi thực hiện phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần, làm chậm tiến độ thực hiện. Hầu hết các Đề án được xây dựng đầy đủ về nội dung nhưng thiếu căn cứ, không thực hiện đánh giá phân tích mặt mạnh, yếu để đưa ra giải pháp và lộ trình, thời hạn tái cơ cấu cụ thể; một số nội dung còn chung chung gây khó khăn khi triển khai thực hiện.

Về kết quả thực hiện các Đề án tái cơ cấu, KTNN đánh giá, trong việc thực hiện cổ phần hóa đã đạt được những kết quả nhất định. Riêng trong năm 2015, số lượng DN cổ phần hóa đạt 239 DN, bằng 48% tổng số DN cổ phần hóa trong cả giai đoạn.

Tuy nhiên, công tác cổ phần hóa vẫn chưa đạt kế hoạch đã được phê duyệt. Trong đó, Bộ Công Thương còn 14 DN chưa cổ phần hóa (trong đó có 10 DN thuộc kế hoạch 2012-2013); Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chậm cổ phần hóa Vinafood 2; Bộ Xây dựng chậm cổ phần hóa IDICO, HUD, Sông Đà, Vicem…

Đáng chú ý là những DN chưa cổ phần hóa được theo kế hoạch, mặc dù chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng đều là những DN có khó khăn, vướng mắc, thua lỗ, kinh doanh kém hiệu quả, không có lợi thế về đất… nên rất khó cổ phần hóa thành công, nhiều trường hợp không thể cổ phần hóa được nếu không có biện pháp tháo gỡ.

Nhiều DN cổ phần hóa không bán được hết cổ phần theo phương án được phê duyệt, có nhiều TCT nhà nước đạt tỷ lệ bán ra ngoài rất nhỏ, chỉ khoảng 1%-2% vốn điều lệ. Năm 2015, có 128 DN bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng nhưng bình quân chỉ bán được khoảng 36% tổng số lượng cổ phần chào bán.

Do đó Nhà nước tiếp tục phải nắm giữ số cổ phần không bán hết, dẫn đến chưa đạt mục tiêu cổ phần hóa là đổi mới quản trị và thu hút vốn từ bên ngoài, đặc biệt khó thu hút được cổ đông chiến lược. Sau khi bán cổ phần lần đầu, số DNNN nắm giữ trên 50% vốn điều lệ là 196 DN, đặc biệt có tới 55 DN có trên 90% vốn điều lệ do Nhà nước nắm giữ.

Thoái vốn chưa quyết liệtvà triệt để

Cũng như tình trạng cổ phần hóa, tình hình thoái vốn nhà nước tại DN cũng chưa đạt theo yêu cầu về tiến độ - Báo cáo kiểm toán của KTNN nêu rõ: Những DN thoái vốn thành công trong giai đoạn vừa qua chủ yếu là những DN sản xuất kinh doanh tốt, còn lại chủ yếu là những DN khó bán hoặc không thể bán được nên sẽ rất khó khăn để thoái vốn nhà nước trong giai đoạn 2016-2020.

Các DNNN mới thoái vốn chỉ đạt khoảng 40% số vốn phải thoái ra khỏi 5 lĩnh vực: Ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, chứng khoán, quỹ đầu tư. Số vốn cần phải thoái tiếp tại 5 lĩnh vực này là 15.155 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực chứng khoán là 118 tỷ đồng, tài chính - ngân hàng là 8.348 tỷ đồng, bảo hiểm là 435 tỷ đồng, bất động sản là 6.041 tỷ đồng, quỹ đầu tư là 212 tỷ đồng.

Còn nhiều trường hợp thực hiện tái cơ cấu, thoái vốn chưa theo nguyên tắc thị trường mà thể hiện dưới các hình thức cấn trừ công nợ, chuyển nợ thành vốn góp, bàn giao nguyên trạng… Đây chỉ là biện pháp tình thế làm cân đối Báo cáo tài chính nhưng thực chất không bổ sung, thu hút được dòng tiền bên ngoài để sử dụng cho sản xuất kinh doanh. Một số trường hợp DN thua lỗ, thậm chí mất hết vốn nhưng vẫn được bàn giao nguyên trạng hoặc chuyển nhượng cổ phiếu với giá ghi sổ sách theo mệnh giá dẫn đến tiềm ẩn rủi ro cho đơn vị nhận cổ phiếu, nhận DN thua lỗ.

Nhiều DN thoái vốn không triệt để, lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ nhưng tỷ lệ thoái vốn thấp, tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ vẫn ở mức cao, chưa đa dạng hóa sở hữu. Đối với các DN có tỷ lệ vốn nhà nước/vốn điều lệ thấp dưới 35%, việc quản lý vốn đầu tư của TĐ, TCT nhà nước tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó kiểm soát và khó định hướng hoạt động của DN, đặc biệt tại các DN kinh doanh thua lỗ, thuộc diện giám sát tài chính đặc biệt, có cổ đông lớn sở hữu cổ phần chi phối, thiếu hợp tác.

Một số DN kinh doanh có hiệu quả rất cao nhưng DN phân phối lợi nhuận, chia cổ tức… ở mức thấp, không theo ý kiến biểu quyết của người đại diện phần vốn. Qua kiểm toán, KTNN cũng chỉ ra rằng, nhiều trường hợp DNNN không tổ chức bán đấu giá công khai rộng rãi mà thực hiện bán thỏa thuận cho nhà đầu tư chiến lược hoặc đối tác khác.

Xem xét trên bình diện tổng thể của một số Đề án tái cơ cấu, KTNN nhận định rằng việc thực hiện tái cơ cấu DNNN nhìn chung chưa toàn diện mà chỉ quan tâm đến tái cơ cấu về tài chính, công tác cổ phần hóa, thoái vốn.
(Kỳ sau đăng tiếp)
PHÚC KHANG