Thái Lan công bố kế hoạch thực hiện lộ trình phát triển kinh tế số

Đối ngoại - Ngày đăng : 14:05, 01/12/2020

(BKTO) - Theo Cơ quan Xúc tiến kinh tế số của Thái Lan, kế hoạch chi tiết được xây dựng để đảm bảo thành công của Lộ trình phát triển nền kinh tế số kéo dài trong 20 năm của nước này, bắt đầu từ năm 2016.



Một tòa nhà ở Thái Lan. (Nguồn: Uuku.fi)

Cơ quan Xúc tiến kinh tế số của Thái Lan (DEPA) vừa công bố kế hoạch kỹ thuật số cho quốc gia Đông Nam Á này, coi đó như một động lực thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số nhằm đối phó với những thay đổi nhanh chóng trong công nghệ, hành vi của người tiêu dùng và môi trường kinh doanh.

Kế hoạch chi tiết nói trên được xây dựng để đảm bảo thành công của Lộ trình phát triển nền kinh tế số kéo dài trong 20 năm của Thái Lan, bắt đầu từ năm 2016.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành DEPA Nuttapon Nimmanphatcharin cho biết con đường phía trước của các doanh nghiệp là áp dụng công nghệ kỹ thuật số bằng cách phát triển các sản phẩm với những nền tảng mới.

Phát biểu tại một hội thảo trực tuyến về các nhà khai thác trong ngành công nghiệp kỹ thuật số và trạng thái bình thường mới hôm 30/11, ông Nuttapon nói rằng những ai chỉ vận hành các chức năng vật lý phải hướng tới các tính năng phi vật lý, trong khi các doanh nghiệp truyền thống cần phải số hóa. Công nghệ kỹ thuật số sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các lĩnh vực và khả năng cạnh tranh của đất nước.

Theo lộ trình 20 năm phát triển nền kinh tế số của Thái Lan, các nền tảng kỹ thuật số quan trọng sẽ được thiết lập vào năm 2017 và việc đưa vào ứng dụng kỹ thuật số phải được thực hiện vào năm 2021.

Chuyển đổi kỹ thuật số hoàn toàn được lên kế hoạch thực hiện vào năm 2026 và Thái Lan đặt mục tiêu nằm trong nhóm các nhà lãnh đạo kỹ thuật số toàn cầu vào năm 2036.

Kế hoạch kỹ thuật số của DEPA là một chương trình tổng thể về thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số trong 5 năm bắt đầu từ năm 2020, được chia thành 4 nhóm hạng mục và đóng vai trò là chất xúc tác cho nền kinh tế số.

Đầu tiên là xây dựng nhân lực cho kỷ nguyên kỹ thuật số, trong đó DEPA nhắm tới 500.000 công nhân kỹ thuật số và 30 triệu công dân kỹ thuật số.

Nhóm thứ hai liên quan đến những nỗ lực chuyển đổi nền kinh tế theo hướng phát triển kỹ thuật số, trong đó 25.000 doanh nghiệp số hóa dự kiến sẽ được tạo ra.

Nhóm thứ ba liên quan đến việc trao quyền cộng đồng cho tương lai kỹ thuật số với mục tiêu 24.700 cộng đồng số hóa. Nhóm cuối cùng liên quan đến việc tạo ra một hệ sinh thái đổi mới kỹ thuật số thông qua các thành phố thông minh, dữ liệu lớn và phát triển an ninh mạng.

Abhisak Chulya, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Công nghiệp Kỹ thuật số thuộc Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan, nhận xét các doanh nghiệp phải nhận thức được những xu hướng đột phá kỹ thuật số và các quy định mới, bao gồm cả Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Theo ông Abhisak, các công ty cần phải đối phó với tác động của chuyển đổi kỹ thuật số trên toàn cầu, trong khi Chính phủ nên hỗ trợ các doanh nghiệp để họ có thể vượt qua những thay đổi nhanh chóng trong lĩnh vực kỹ thuật số và đảm bảo khả năng cạnh tranh của họ.

Natwut Amornvivat, Chủ tịch True Digital Group, cho rằng các tập đoàn phải tìm ra cách bảo vệ doanh nghiệp của họ trước sự cạnh tranh không biên giới trong nền kinh tế mới, đồng thời cần học cách tận dụng công nghệ cho hoạt động của mình.

Trong khi đó, Tinnakorn Laoraovirot, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Phần mềm Thái Lan, cho biết thị trường phần mềm địa phương có trị giá 130 tỷ baht (gần 4,3 tỷ USD), với tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 10-20%. Kinh doanh phần mềm đã bị ảnh hưởng bởi cả cạnh tranh gay gắt và đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Sự cạnh tranh đến từ các nền tảng toàn cầu sử dụng cả công nghệ và những mô hình kinh doanh mạnh mẽ. Do đó, các doanh nghiệp phải nghiên cứu hành vi của người tiêu dùng càng nhiều càng tốt để tăng cường sự tham gia của họ./.

Theovietnamplus.vn