Phó Thủ tướng: 'Phấn đấu không còn huyện trắng xã nông thôn mới'

Đối nội - Ngày đăng : 09:05, 04/12/2020

(BKTO) - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh việc triển khai xây dựng nông thôn mới tại các xã đặc biệt khó khăn phải có cách làm sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với điều kiện của từng địa phương.



Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Ngày 3/12, tại Yên Bái, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị tổng kết xây dựng nông thôn mới vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020, định hướng giai đoạn 2021-2025.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Phó Trưởng ban Chỉ đạo đồng chủ trì hội nghị.

Đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế và 47 tỉnh, thành phố có xã, thôn, bản ấp đặc biệt khó khăn tham dự hội nghị.

Khởi sắc nông thôn mới ở vùng khó khăn

Báo cáo tổng kết việc xây dựng nông thôn mới vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020 do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam trình bày nêu rõ những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm của hệ thống chính trị và nỗ lực vươn lên của người dân, chương trình xây dựng nông thôn mới tại những địa phương vùng đặc biệt khó khăn bao gồm các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các huyện nghèo giai đoạn 2016-2020 đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Đến nay, có 8/64 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn và 14/30 huyện nghèo được hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn nhưng chưa có huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Có 315/2.430 xã đặc biệt khó khăn, xã ATK thuộc Chương trình 135, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 13%). Ngoài ra, có 15/108 xã (13,9%) thuộc 4 đề án xây dựng nông thôn mới đặc thù (Điện Biên, Lào Cai, Bắc Kạn, Nghệ An) đã đạt chuẩn nông thôn mới... Ước tính đến hết năm 2020, có khoảng 25% thôn, bản được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Tổng nguồn lực huy động đầu tư xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020 đạt 791.909 tỷ đồng (bằng 38,1% của cả nước), trong đó, cộng đồng và người dân tự nguyện đóng góp khoảng 4,4%.

Kết quả nổi bật trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở vùng đặc biệt khó khăn là hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn được quan tâm đầu tư, góp phần nâng cao điều kiện sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Đến nay, có khoảng 80% số xã có đường ôtô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bêtông hóa; trên 70% số thôn, bản có đường trục giao thông được cứng hóa; 100% số xã và 97,8% số thôn đã có điện lưới quốc gia; 100% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có trường trung học cơ sở, trường tiểu học, hầu hết các xã có trường mầm non...

Kinh tế nông thôn có chuyển biến tích cực. Một số địa phương đã chủ động phát huy tiềm năng, lợi thế vùng, miền, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang các cây, con có giá trị kinh tế cao, hình thành vùng sản xuất quy mô tập trung.

Đặc biệt 100% các địa phương đã ban hành Đề án triển khai Chương trình OCOP cấp tỉnh. Trên địa bàn các tỉnh thuộc vùng đặc biệt khó khăn đã chuẩn hóa khoảng 1.061 sản phẩm OCOP (chiếm 50,8% của cả nước).

Kết quả trên đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giai đoạn 2016-2020 là 1,55%/năm; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo giảm 5,65%/năm, các xã đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi giảm bình quân khoảng 4%/năm. Thu nhập bình quân hộ nghèo khu vực nông thôn đến cuối năm 2018 tăng khoảng 1,4 lần so với cuối năm 2015, dự kiến đến cuối năm 2020 tăng khoảng 1,6 lần.

Tại Hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, chuyên gia, nhà khoa học và lãnh đạo các địa phương đã tập trung thảo luận, chia sẻ những bài học kinh nghiệm, mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới, đồng thời đề xuất một số giải pháp cơ bản thúc đẩy xây dựng nông thôn mới hiệu quả, bền vững ở các vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025.

Tỉnh Yên Bái cũng như các địa phương vùng Tây Bắc mong muốn Quốc hội, Chính phủ sớm thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; điều chỉnh, bổ sung bộ tiêu chí xã nông thôn mới, huyện nông thôn mới đối với các địa bàn vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn.

Yên Bái cũng đề nghị điều chỉnh, bổ sung chính sách đặc thù hỗ trợ các địa phương trong phát triển, bảo vệ rừng đầu nguồn và phát triển kinh tế-xã hội, trong đó điều chỉnh mức khoán bảo vệ rừng từ 400 nghìn đồng lên 1 triệu đồng/ha/năm; hỗ trợ, tạo điều kiện xây dựng Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao của khu vực trung du và miền núi phía Bắc tại tỉnh.

Đặc biệt, ưu tiên nguồn lực đầu tư các công trình dự báo, cảnh báo và phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; tiếp tục bố trí nguồn lực sớm hoàn thành việc sắp xếp và bố trí lại dân cư, di dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng do lũ ống, lũ quét và sạt lở đất của khu vực Tây Bắc, một số địa bàn khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Còn nhiều khó khăn, thách thức

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh giai đoạn 2016-2020, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để tập trung ưu tiên, hỗ trợ các địa phương vùng đặc biệt khó khăn phát triển kinh tế xã hội, trong đó có xây dựng nông thôn mới.

Trong quá trình triển khai, với nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị và nhân dân, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên cả nước đã đạt được những kết quả to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử, từ đó tạo nên một phong trào có sức lan tỏa rộng và được cả hệ thống chính trị, mọi tầng lớp nhân dân nhiệt tình tham gia.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng các đại biểu tham quan một số gian trưng bày sản phẩm bên lề Hội nghị. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Bên cạnh thành tựu đã đạt được, Phó Thủ tướng cũng nêu ra những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức trong việc xây dựng nông thôn mới nói chung, nhất là xây dựng nông thôn mới tại vùng đặc biệt khó khăn. Trước hết là thách thức về chất lượng hạ tầng đối với vùng đặc biệt khó khăn.

"Hiện hạ tầng ở những vùng này còn rất thấp. Chúng ta phải gắn kết phát triển vùng đặc biệt khó khăn với toàn vùng, các vùng khác chứ không chỉ phát triển hạ tầng riêng biệt, độc lập," Phó Thủ tướng phân tích.

Tình trạng di dân tự do, thiếu đất ở, thiếu điện, nước sinh hoạt... cũng là thách thức rất lớn trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở khu vực này. Bên cạnh đó, việc thực hiện quy hoạch, phân bố lại dân cư không dễ dàng. Chất lượng nguồn nhân lực tại khu vực này cũng gây khó khăn cho phát triển kinh tế cũng như huy động nguồn lực để xây dựng nông thôn mới.

Chính vì vậy, hiện nay, chưa có địa phương trong danh sách huyện nghèo của cả nước được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Số xã đạt nông thôn mới ở những vùng đặc biệt khó khăn còn thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước, Phó Thủ tướng cho biết.

Phấn đấu không còn huyện trắng xã nông thôn mới

Về phương hướng trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh việc triển khai xây dựng nông thôn mới tại các xã đặc biệt khó khăn phải có cách làm sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với điều kiện của từng địa phương...; tiếp tục tuyên truyền, vận động, quán triệt sâu rộng tới các cấp chính quyền và người dân phương châm xây dựng nông thôn mới là của dân, do dân, người dân hưởng lợi, dân làm, nhà nước hỗ trợ, tránh tâm lý ỷ lại vào ngân sách Trung ương, đồng thời người dân cũng cần nâng cao sự tự chủ để cuộc sống khá giả hơn.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là vai trò lãnh đạo của người đứng đầu.

"Đặc biệt, cần tập trung phấn đấu không còn huyện trắng xã nông thôn mới. Mỗi tỉnh có ít nhất một đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí xây dựng nông thôn mới," Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng, việc xây dựng nông thôn mới tại khu vực đặc biệt khó khăn phải gắn với đẩy mạnh đầu tư phát triển vùng.

"Chúng ta hô hào phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới ở những vùng khó khăn nhưng nếu vùng đó lại bị cô lập với các vùng khác thì không tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, cho các doanh nghiệp đầu tư," Phó Thủ tướng phân tích, đồng thời đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần đưa những quan điểm mới này trong thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương tập trung rà soát lại các quy hoạch. Các quy hoạch này phải kết nối với các vùng đặc biệt khó khăn, nhất là quy hoạch giao thông, thủy lợi, công nghiệp...

Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương triển khai việc lập quy hoạch đánh giá các khu vực dễ sạt lở đất, khu vực nguy hiểm làm cơ sở để quy hoạch phân bố lại dân cư ở khu vực đặc biệt khó khăn, di dời người dân ra khỏi nơi nguy hiểm.

Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế của mỗi vùng và tại mỗi địa bàn huyện, xã. Cấu trúc kinh tế của thôn, xã không tách rời với của toàn tỉnh. Đặc biệt, tạo môi trường để thu hút các nhà đầu tư vào khu vực đặc biệt khó khăn, trong đó tập trung 3 yếu tố: tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp; hạ tầng và nhân lực.

Nhấn mạnh quan điểm "xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp lâu dài, có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc," Phó Thủ tướng khẳng định đây là chương trình thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống người dân, tạo tiền đề vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.

Theovietnamplus.vn