Vì sao thị trường chứng khoán Việt Nam “miễn nhiễm” với dịch COVID-19?

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 21:19, 04/12/2020

(BKTO) - Sở dĩ thông tin liên quan đến ca bệnh COVID-19 hiện ít tác động đến thị trường chứng khoán là do Việt Nam có lịch sử kiểm soát, khống chế dịch rất tốt, đã tạo niềm tin vững chắc trong giới đầu tư.



Ảnh minh họa - Nguồn: sưu tầm

Bất chấp thông tin tiêu cực về các ca nhiễm COVID-19 mới ngoài cộng đồng, thị trường chứng khoán vẫn duy trì đà “hưng phấn” trong nhiều phiên giao dịch. Hầu hết các mã chứng khoán đều có sự tăng mạnh về thị giá so với đầu năm, “bóng ma” COVID-19 như chưa hề xuất hiện trước đó.

Chốt phiên giao dịch ngày 3/12, chỉ số VN-Index đạt gần 1.020 điểm, tăng 0,54% so với phiên trước đó và tăng 59 điểm so với phiên giao dịch cuối cùng của năm 2019. Hầu hết các mã chứng khoán đều có tăng điểm so với trước khi dịch COVID-19 bùng phát hồi đầu năm.

Trên thực tế, đà tăng này của thị trường đã được duy trì liên tục trong nhiều tuần qua. Thanh khoản thường xuyên xác lập kỷ lục, có thời điểm tổng giá trị giao dịch toàn thị trường lên tới trên 14.300 tỷ đồng. Thậm chí, ngay cả khi ca nhiễm COVID-19 ngoài cộng đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh được công bố mới đây, sắc xanh vẫn phủ sóng toàn thị trường. Chứng khoán hầu như đã “miễn nhiễm” với dịch COVID-19.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Chứng khoán Maybank Kim Eng cho rằng, sở dĩ thông tin liên quan đến ca bệnh COVID-19 hiện ít tác động đến thị trường chứng khoán là do Việt Nam có lịch sử kiểm soát, khống chế dịch rất tốt, đã tạo niềm tin vững chắc trong giới đầu tư.

Hơn nữa, trong thời gian qua, có quá nhiều thông tin liên quan đến dịch bệnh khiến người dân đã quen tiếp nhận thông tin, dẫn đến phản ứng của thị trường chứng khoán cũng “chai sạn” đi. Trong khi triển vọng vắcxin ngừa COVID-19 được triển khai đại chúng được nhiều quốc gia đề cập đã củng cố thêm tâm lý chonhà đầu tư.

Mặt khác, giới chuyên gia cũng nhận định, ảnh hưởng củadịch COVID-19đang thấp hơn so với những kỳ vọng của giới đầu tư. Đây là một yếu tố quan trọng giúp thị trường chứng khoán duy trì tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Theo ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam, dịch COVID-19 không còn ảnh hưởng quá nhiều vào tâm lý nhà đầu tư. Ngoài yếu tố liên quan đến vắcxin ngừa COVID-19, hiện có nhiều vấn đề tích cực đang tác động đến tâm lý nhà đầu tư.

Theo đó, giới đầu tư đang kỳ vọng vào việc Tổng thống Mỹ mới kế nhiệm là ông Joe Biden sẽ có những chính sách kinh tế linh hoạt, mềm dẻo hơn so với vị Tổng thống tiền nhiệm; từ đó, góp phần thúc đẩy kinh tế toàn cầu phục hồi phát triển, trong đó có Việt Nam.

Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với các nước như FTA giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… được nhận định sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp Việt Nam.

Đồng thời, kỳ vọng nối lại sự tham gia của Mỹ vào Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) khi ông Joe Biden kế nhiệm đã tác động tích cực đến thị trường.

Đáng chú ý, ở trong nước, lãi suất huy động đang ở mức thấp và có xu hướng giảm tiếp. Do vậy, nhiều nhận định cho thấy dòng tiền nhàn rỗi, dòng tiền rẻ có thể rời khỏi kênh tiết kiệm để đổ vào chứng khoán, trong khi các kênh đầu tư khác như bất động sản, vàng… còn khá trầm lắng.

Điều này được minh chứng khi số lượng nhà đầu tư mới gia nhập thị trường liên tục gia tăng trong thời gian qua. Dòng tiền mới tham gia vào thị trường liên tục xác lập kỷ lục, mang tính liên tục và bền vững. Khối lượng giao dịch lên đến 8.000-10.000 tỷ đồng/phiên, tăng gấp đôi so với thời điểm trước khi dịch bùng phát.

Thêm vào đó, ông Phương cho rằng,thị trường chứng khoáncó thể “đứng vững” trước thông tin tiêu cực từ COVID-19 một phần nhờ các nhà đầu tư ngoại đã quay trở lại mua ròng thông qua các chứng chỉ quỹ. Từ đó, các quỹ đầu tư phải quay lại giải ngân khiếnVN-Indextăng mạnh là điều dễ hiểu.

Các phân tích cho thấy, thị trường vẫn duy trì đà tăng và chỉ số VN-Index có thể tiến mốc 1.050 điểm trong thời gian tới. Chiến lược phù hợp vẫn là nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục. Tuy vậy, nhà đầu tư cũng nên tập trung vào việc quản trị rủi ro, gia tăng kỷ luật trong giai đoạn này.

Mặt khác, giới chuyên gia cũng quan ngại, trong bối cảnh thị trường bùng nổ có thể kéo theo sự tăng giá của một số cổ phiếu “xấu” (cổ phiếu thuộc doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ kéo dài, âm vốn chủ sở hữu…), do có sự “làm giá” của một số nhà đầu tư lớn. Điều này có thể khiến nhà đầu tư nhỏ, mới tham gia và không am hiểu thị trường lao vào.

Thực tế, các trường hợp tăng ảo khi đã giảm giá sẽ mang tính liên tục, nếu không am hiểu và thiếu kinh nghiệm, nhà đầu tư có thể bị thua lỗ lớn. Do vậy, các chuyên gia khuyến cáo, mặc dù trong thời điểm thị trường bùng nổ, nhiều mã chứng khoán tăng mạnh, song nhà đầu tư vẫn nên xem xét yếu tố kết quả kinh doanh, tiềm năng tăng trưởng trong tương lai của doanh nghiệp.

Đặc biệt, đối với những cổ phiếu nhỏ có yếu tố tăng giá “nóng,” nhà đầu tư cần phải quan sát kỹ, tìm hiểu thông tin qua các báo cáo phân tích doanh nghiệp của các công ty chứng khoán, phương tiện truyền thông…

Theo Vietnamplus