Nợ công chưa vượt trần nhưng vẫn tiềm ẩn những nỗi lo

Đối nội - Ngày đăng : 08:10, 07/12/2020

(BKTO) - Một trong những kết quả nổi bật của công tác quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020 là các chỉ tiêu an toàn nợ được kiểm soát chặt chẽ, trong giới hạn được Quốc hội cho phép và giảm dần qua các năm, góp phần tăng dư địa chính sách tài khóa. Tuy vậy, công tác này vẫn cần được cải cách để ứng phó với những rủi ro trong bối cảnh mới.



Công tác quản lý nợ công cần được cải cách để ứng phó với những rủi ro trong bối cảnh mới. Ảnh: V.Hoàng

Nhiều chỉ tiêu về nợ côngvẫn trong ngưỡng an toàn

Bộ Tài chính cho biết, giai đoạn 2016-2020, cơ cấu nợ đã có chuyển biến tích cực, dư nợ công giảm từ mức đỉnh 63,7% GDP năm 2016 xuống còn khoảng 55% GDP cuối năm 2019; tốc độ tăng nợ công giảm từ trung bình 18,1%/năm giai đoạn 2011-2015 xuống còn khoảng 6,8%/năm giai đoạn 2016-2019; tỷ trọng nợ trong nước tăng từ 38,9% năm 2011 lên 60,1% năm 2016 và 61,9% tổng dư nợ của Chính phủ cuối năm 2019; lãi suất giảm dần, kỳ hạn trả nợ tăng dần, cơ sở nhà đầu tư được mở rộng, góp phần giảm rủi ro danh mục nợ Chính phủ. Việc thanh toán trả nợ cũng được thực hiện đầy đủ, đúng hạn, đảm bảo nghĩa vụ đã cam kết với các chủ nợ…

Năm 2019, các chỉ tiêu nợ công đều đảm bảo trong giới hạn được Quốc hội quyết định: Nợ công so với tổng sản phẩm quốc nội tới năm 2019 là 55% GDP, nợ Chính phủ/GDP dưới 48%, nợ nước ngoài quốc gia dưới 47,1%, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ/thu ngân sách dưới 17,4%. Dự kiến, đến cuối năm 2020, nợ công khoảng 56,8% GDP; nợ Chính phủ khoảng 50,8% GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN ước khoảng 24,1%; nợ nước ngoài quốc gia khoảng 47,9% GDP; trả nợ nước ngoài của quốc gia so với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ khoảng 34,6%. Như vậy, về cơ bản, dự kiến các chỉ tiêu nợ so với GDP duy trì trong các ngưỡng an toàn được Quốc hội cho phép.

Đánh giá về công tác quản lý nợ công, ông Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ - cho rằng, những kết quả đạt được nêu trên là nhờ sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Kết quả đó đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, thể hiện qua việc nhiều mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế đã vượt xa so với kế hoạch. Tuy vậy, năm 2020, thế giới đều thâm hụt chi tiêu, nợ công tăng mạnh, đặc biệt, nợ công tăng mạnh nhất ở những nền kinh tế lớn như Liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ. Còn tại Việt Nam, giai đoạn 2016-2019, kinh tế tăng trưởng rất tốt nhưng chỉ sau 1 năm có dịch Covid-19, tất cả chỉ tiêu đều xuống, 2 mục tiêu về nợ xấu và bội chi dự kiến không đạt. Số hụt thu ngân sách gần 190.000 tỷ đồng năm 2020 phản ánh khó khăn của đất nước. Trong khi đó, chi vẫn muốn đảm bảo kế hoạch, đảm bảo mức đầu tư công và an sinh xã hội thì phải chấp nhận bội chi. Khoản bội chi này cần được tách ra như khoản bổ sung để ổn định vĩ mô của năm 2020 vì đây là tình huống đặc thù nên phải có giải pháp đặc thù. Việc lo lắng về an toàn nợ công là cần thiết, nhưng tình huống cụ thể này cho thấy nước ta đang kiểm soát nợ công rất tốt.

Tăng cường quản lý rủi roviệc cho vay lại và bảo lãnhChính phủ

Theo ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính, mặc dù việc quản lý nợ công đã đạt những kết quả tích cực nhưng công tác này vẫn cần được cải cách để đáp ứng yêu cầu đặt ra trong điều kiện Việt Nam có những thay đổi căn bản và tiến dần đến thông lệ tốt của quốc tế. Bởi lẽ, giai đoạn tới, Việt Nam phải đối mặt với rủi ro vĩ mô gia tăng như: tăng trưởng kinh tế có thể chững lại, mặt bằng lãi suất gia tăng, rủi ro nghĩa vụ nợ dự phòng cũng như chi phí gia tăng do dân số bị già hóa. Trong khi đó, các nhà tài trợ nước ngoài đã điều chỉnh chính sách hợp tác với Việt Nam theo hướng chuyển dần từ cung cấp ODA sang các khoản vay cùng điều kiện kém ưu đãi hơn, chi phí huy động vốn một số khoản vay tăng gấp đôi so với trước đây làm gia tăng nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ.

Cùng với đó, 5 năm tới, các khoản vay ODA sẽ giảm dần, tiến đến kết thúc dẫn đến thiếu hụt nguồn vốn vay dài hạn, ưu đãi cho đầu tư. Thay vào đó, Chính phủ phải huy động các khoản vay mới với điều kiện kém ưu đãi hơn nhiều, sát với thị trường để bù đắp thiếu hụt cho cân đối ngân sách, đầu tư công trung hạn cũng như cho vay lại đối với các địa phương, DN, đơn vị sự nghiệp công lập.

Đối với vốn vay được Chính phủ bảo lãnh, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương hạn chế cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới mặc dù các khoản bảo lãnh Chính phủ có vai trò rất quan trọng giúp các tập đoàn, DN thực hiện những dự án thiết yếu, trọng điểm quốc gia có khả năng tiếp cận nguồn vốn thương mại lớn với quy mô lớn và chi phí vay ưu đãi hơn. Do đó, theo ông Long, yêu cầu đặt ra là cần có cơ cấu nợ hợp lý, cân đối giữa chi phí và rủi ro, giữa nghĩa vụ nợ trực tiếp và nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ, phù hợp với yêu cầu phát triển cũng như năng lực quản lý của Việt Nam.

Ông Francois Painchaud - Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam - khuyến nghị, việc bảo lãnh và cho vay lại có những rủi ro tương tự, nhưng hình thức khác nhau nên cần được quản lý một cách phù hợp. Bộ Tài chính có thể thu nhận nhiều lợi ích từ việc đánh giá các đề xuất bảo lãnh/cho vay lại; đánh giá và lượng hóa các rủi ro đi kèm tại thời điểm bảo lãnh và cập nhật trong suốt thời hạn bảo lãnh, giám sát thực hiện bảo lãnh/cho vay lại. Đồng thời, cải thiện việc theo dõi hồ sơ và công khai thông tin sẽ giúp tăng cường tính minh bạch và tạo thuận lợi hơn cho việc quản lý.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, nợ công của Việt Nam chưa vượt trần là tín hiệu rất vui, nhưng tỷ lệ dưới trần không còn nhiều. Trong khi đó, hằng năm, nước ta vẫn phải trả nợ, năm sau lại vay nên áp lực trả nợ công của Chính phủ vẫn lớn. Vấn đề đáng lo ngại nhất là năm 2020 khi dịch Covid-19 xuất hiện, thu ngân sách không bảo đảm, hụt thu cao mà vẫn phải bảo đảm trần nợ công. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì nợ công và việc trả nợ sẽ trở thành khó khăn đối với Chính phủ.

THÙY ANH