Các nguyên tắc, điều kiện để ứng dụng hiệu quả phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 08:20, 07/12/2020
(BKTO) - Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nói chung và các phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán nói riêng đã giúp KTNN nâng cao hiệu quả hoạt động của cuộc kiểm toán và chất lượng công tác quản lý chuyên môn kiểm toán. Để có thể ứng dụng hiệu quả hơn nữa các phần mềm này, KTNN cần đảm bảo một số điều kiện và nguyên tắc sau:
Việc ứng dụng CNTT nói chung và các phần mềm hỗ trợ đã giúp KTNN nâng cao hiệu quả hoạt động của cuộc kiểm toán. Ảnh: Minh Thúy
6 điều kiện cơ bản
Theo ThS. Võ Huy Cường - KTNN khu vực I, để đạt được hiệu quả cao hơn, việc ứng dụng CNTT vào hoạt động kiểm toán phải thỏa mãn các điều kiện cơ bản:
Trước hết, quy trình nghiệp vụ kiểm toán và quản lý, kiểm soát kiểm toán phải được xây dựng cụ thể, rõ ràng và thực hiện nghiêm túc. Từng hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, từng bước công việc được quy trình hóa và thống nhất thực hiện ngay từ giai đoạn định hướng, xây dựng chính sách, chế độ về chuyên môn nghiệp vụ. Có thể nói, đây là điều kiện tiên quyết để ứng dụng phần mềm tin học hỗ trợ hoạt động kiểm toán.
Thứ hai, nguồn nhân lực của KTNN đảm bảo yêu cầu xây dựng, phát triển và quản lý, duy trì vận hành hệ thống CNTT. Đây là điều kiện cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh ứng dụng công nghệ hiện đại đòi hỏi người sử dụng phải có trình độ hiểu biết nhất định nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư lâu dài.
Thứ ba, đảm bảo nguồn tài chính không chỉ ở giai đoạn phát triển ban đầu mà cả các giai đoạn duy trì, vận hành, nâng cấp, mở rộng và thay thế đối với hệ thống thiết bị phần cứng, phần mềm hệ thống và phần mềm ứng dụng CNTT. Đây là điều kiện mang tính quyết định. Bên cạnh đó, khi hệ thống CNTT đến thời điểm điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi ở mức hơn 30% so với ban đầu, cần xem xét thay thế, đầu tư mới để đảm bảo hiệu quả sử dụng lâu dài trong tương lai.
Thứ tư, sự đồng lòng và quyết liệt của các cấp lãnh đạo, sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trực thuộc KTNN trong quá trình nghiên cứu xây dựng, phát triển phần mềm ứng dụng là điều kiện quan trọng quyết định thành công của quá trình phát triển phần mềm nói chung và chất lượng sản phẩm phần mềm nói riêng.
Thứ năm, công tác đào tạo, tập huấn sử dụng phần mềm cần thực hiện bài bản, nghiêm túc với sự tham gia trách nhiệm của các bên.
Thứ sáu, thiết bị phần cứng và các phần mềm ứng dụng phải tương thích để hỗ trợ kiểm toán viên (KTV) sử dụng các phần mềm chuyên sâu khi thực hiện các thủ tục, kỹ thuật phức tạp. Nếu thiết bị phần cứng như máy tính cá nhân không đáp ứng yêu cầu về cấu hình của phần mềm hỗ trợ kiểm toán thì điều này sẽ không phát huy đầy đủ chức năng hoặc sẽ mất nhiều thời gian để xử lý các thuật toán, dẫn đến hiệu quả công việc bị giảm sút, gây tâm lý ngại sử dụng phần mềm.
Đảm bảo thực hiện tốt cácnguyên tắc chung
Bên cạnh các điều kiện nêu trên, ThS. Võ Huy Cường còn cho rằng, để có thể ứng dụng hiệu quả các phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán, KTNN cần thực hiện các nguyên tắc chung sau:
Các phần mềm ứng dụng đảm bảo phù hợp với Chiến lược phát triển và kiến trúc CNTT của KTNN và Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam (được cập nhật thường xuyên theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông), hướng tới xây dựng môi trường kiểm toán số một cách toàn diện. Đồng thời, kế thừa, phát huy tối ưu hệ thống CNTT vào tất cả hoạt động của KTNN một cách đồng bộ, hiện đại; kiến trúc ứng dụng nhất quán, tăng cường khả năng chia sẻ, kết nối, liên thông dữ liệu; đảm bảo khả năng thích ứng với các thay đổi công nghệ số trong tương lai.
Cơ sở dữ liệu xây dựng trên công nghệ tiên tiến, có tính mở, đảm bảo việc lưu trữ, quản lý và khai thác lâu dài khối lượng lớn dữ liệu; đảm bảo khả năng tích hợp, kết nối, liên thông giữa các hệ thống thông tin của KTNN với các hệ thống thông tin của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương; đồng thời hỗ trợ các đơn vị trong Ngành thu thập, khai thác và trao đổi dữ liệu thuận lợi.
Các phần mềm hỗ trợ kiểm toán phải phù hợp với quy trình nghiệp vụ, thúc đẩy tái cấu trúc nghiệp vụ, hướng đến đơn giản hóa, hiệu quả, thống nhất và tường minh quy trình nghiệp vụ; tăng cường tối đa tính kế thừa, chia sẻ, kết nối, sử dụng lại. Hạ tầng dùng chung, các nền tảng tích hợp cần cung cấp giao diện tường minh, mở để các cơ sở dữ liệu, ứng dụng có thể kết nối không phụ thuộc vào các công nghệ nền tảng; hệ thống thông tin tuân thủ các quy định về kết nối với các hạ tầng dùng chung và các nền tảng tích hợp, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống tích hợp chung của KTNN ngay cả trong trường hợp các hệ thống thành phần thay đổi do nhu cầu thực tế.
Hoạt động bảo mật và an toàn, an ninh thông tin phải được triển khai tại tất cả các thành phần của kiến trúc CNTT, đồng bộ với quy trình, chính sách, giải pháp và đào tạo; tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật về ứng dụng CNTT và an toàn thông tin quốc gia; ưu tiên sử dụng các sản phẩm an toàn thông tin mà Việt Nam làm chủ công nghệ.
Ngoài việc đảm bảo thực hiện tốt các nguyên tắc chung, KTNN cần tổ chức hướng dẫn cho các KTV hiểu rõ tác dụng của từng phần mềm để ứng dụng một cách hiệu quả vào hoạt động kiểm toán.
Để nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, thời gian qua, KTNN đã đưa vào áp dụng rộng rãi, hiệu quả nhiều phần mềm. Chẳng hạn, Phần mềm Tổng hợp kết quả kiểm toán, theo dõi tiến độ và việc thực hiện kiến nghị kiểm toán đã hỗ trợ tốt các đơn vị trong công tác quản lý tiến độ, cập nhật kết quả, theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán; trợ giúp công tác tổng hợp kết quả kiểm toán chính xác, kịp thời, phục vụ xây dựng báo cáo kiểm toán của Ngành hằng năm. Phần mềm Số hóa và quản lý hồ sơ kiểm toán điện tử đáp ứng các yêu cầu quản lý phức tạp của hồ sơ kiểm toán, thực hiện phân cấp, phân quyền hỗ trợ người dùng sử dụng hệ thống theo đúng vai trò và nhiệm vụ được giao. Phần mềm Nhật ký kiểm toán điện tử trợ giúp đắc lực KTV ghi chép nhật ký kiểm toán, đính kèm các bằng chứng kiểm toán theo quy định về mẫu biểu hồ sơ của KTNN… |
HỒNG NHUNG