Chủ động thiết kế mô hình tăng trưởng mới để phát triển bền vững hơn
Đầu tư - Ngày đăng : 08:40, 07/12/2020
(BKTO) - Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế trên toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng GDP dương vào năm 2020 nhờ các yếu tố thuận lợi. Tuy vậy, theo PwC, đại dịch Covid-19 đã làm gia tăng các thách thức và đòi hỏi Chính phủ phải hành động nhanh chóng với tầm nhìn mới để đảm bảo cho tăng trưởng bền vững trong tương lai.
Tình hình phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã tác động mạnh đến thương mại Việt Nam. Ảnh: TS
Tăng trưởng kinh tế -thuận lợi và thách thức
Theo Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và ổn định từ 5 - 8%/năm trong 20 năm qua, nâng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) từ 40 tỷ USD vào năm 2000 lên 330 tỷ USD vào năm 2019. Những cải cách của Chính phủ và nỗ lực xây dựng quan hệ thương mại với các thị trường toàn cầu đã đóng vai trò quan trọng trong việc mở cửa thị trường, đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Đặc biệt, việc chủ động, tích cực ứng phó với Covid-19 đã tạo điều kiện cho Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng GDP dương vào năm 2020…
Bà Đinh Thị Quỳnh Vân - Tổng Giám Đốc PwC Việt Nam - nhận định: Việc ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới - một lần nữa mở ra cơ hội tiếp cận các thị trường lớn hơn và tạo môi trường thương mại thuận lợi cho các DN Việt Nam. “Số hóa sẽ là nhu cầu quan trọng đối với các DN để thúc đẩy năng lực cạnh tranh công nghiệp, nâng cao nguồn nhân lực cũng như đáp ứng các chuẩn mực khu vực và quốc tế” - bà Vân nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Báo cáo: “Thời khắc của châu Á Thái Bình Dương” do PwC công bố mới đây cho thấy Việt Nam vẫn cần phải vượt qua những thách thức để phục hồi kinh tế và thiết kế quỹ đạo tương lai mạnh mẽ hơn.
Trước tiên là căng thẳng thương mại với những rủi ro tăng trưởng mới cho các nền kinh tế dẫn đầu về xuất khẩu, trong đó có Việt Nam. Việc áp đặt 102 biện pháp hạn chế thương mại mới trong giai đoạn 10/2018 - 10/2019 và tình hình phức tạp của Covid-19 cũng đã tác động mạnh đến hàng hóa thương mại; đồng thời, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng có thể làm hạn chế hơn nữa tăng trưởng thương mại trong tương lai.
Thứ hai, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có nguy cơ biến đổi khí hậu đáng kể, các vùng trũng đang bị đe dọa bởi thời tiết khắc nghiệt và mực nước biển dâng cao. Hiện nay, nông nghiệp vẫn đang giữ vai trò quan trọng trong nỗ lực xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam, nhưng đây cũng là ngành bị tổn thương nhiều nhất từ biến đổi khí hậu với sự sụt giảm năng suất và khan hiếm tài nguyên, đe dọa an ninh lương thực.
Mặt khác, khi Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành điểm đến hấp dẫn trên toàn cầu, Chính phủ sẽ đứng trước thách thức cần tập trung và tăng cường hơn nữa môi trường thể chế để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với sự thịnh vượng xã hội. Một vấn đề nữa là lợi thế về nhân khẩu học của nước ta đang mờ dần với tỷ lệ dân số trên 65 tuổi tăng 2,5 lần vào năm 2050. Điều này đặt ra yêu cầu cho Việt Nam phải tăng năng suất lao động để duy trì tăng trưởng kinh tế và đạt mục tiêu phát triển.
Năm trụ cột cho tương lai bền vững
Theo PwC, giải quyết những thách thức nêu trên đang trở thành cấp thiết để Việt Nam sửa chữa, thiết kế và xây dựng lại nền kinh tế sau Covid-19. Điều này yêu cầu tất cả các bên liên quan gồm: Chính phủ, DN và xã hội cùng phối hợp để chuyển từ mô hình tăng trưởng cũ, thông thường sang mô hình tăng trưởng mới với 5 trụ cột cho tương lai.
Trụ cột thứ nhất - Thúc đẩy nền kinh tế số: Giải pháp kỹ thuật số có thể giúp Việt Nam thúc đẩy năng suất để thu hút hơn nữa đầu tư sản xuất, cải thiện phạm vi tiếp cận của các dịch vụ thiết yếu như: y tế và giáo dục. Các DN cần xác định lĩnh vực số hóa và ưu tiên triển khai giải pháp công nghệ trong chuỗi giá trị nhưng phải lưu ý đảm bảo an ninh mạng.
Trụ cột thứ hai - Thúc đẩy tăng trưởng DN lên tầm khu vực: DN Việt Nam cần phải bản địa hóa và nhanh nhẹn hơn trong thị trường khu vực, khám phá các liên minh để giảm rào cản và rủi ro. Sự hỗ trợ của Chính phủ cũng sẽ giúp DN quốc tế hóa. Các DN nên xây dựng chiến lược phát triển ở cấp độ khu vực, dựa trên năng lực ở 3 lĩnh vực nền tảng: hiệu suất hoạt động, đổi mới sản phẩm - quy trình và khả năng tiếp cận thị trường. Bên cạnh đó là ứng dụng kỹ thuật số và mở rộng thị trường, nhất là với các ngành dịch vụ.
Trụ cột thứ ba - Tái cân bằng chuỗi cung ứng và khuyến khích đổi mới: DN Việt Nam cần chuẩn bị tốt để được hưởng lợi từ sự tái cân bằng chuỗi cung ứng toàn cầu. Được hỗ trợ bởi công nghệ, các chuỗi cung ứng sẽ giúp DN quản lý mạng lưới thu mua, sản xuất và phân phối hiệu quả hơn, từ đó đạt được tính minh bạch, khả năng chống chịu cao hơn. Ngoài ra, DN phải đi đầu trong việc thúc đẩy hợp tác với Chính phủ để xây dựng một hệ sinh thái chuyên biệt phù hợp với yêu cầu thay đổi nhanh chóng của Việt Nam.
Trụ cột thứ tư - Mở rộng và đảm bảo lực lượng lao động sẵn sàng cho tương lai: Các chương trình tái đào tạo gắn liền với nhu cầu cụ thể của công ty và nhân viên có thể tái thiết năng lực đội ngũ lao động để đóng góp vào thành công của DN. Trong khi đó, sự hợp tác giữa Chính phủ và ngành công nghiệp có thể mang lại hiệu quả cao hơn trong công cuộc tái đào tạo. Chính phủ nên đi đầu trong việc cân đối lại hệ thống giáo dục hướng đến các ưu tiên tăng trưởng tương lai và cụ thể hóa vai trò, trách nhiệm mới đặt ra cho DN.
Trụ cột thứ năm - Xây dựng một nền kinh tế hướng tới cân bằng phát thải carbon (net-zero): Việt Nam cần ưu tiên cho khu vực nông nghiệp trong việc sử dụng công nghệ để nâng cao tiếp cận thông tin, cải thiện năng suất và tăng cường an ninh lương thực. Kế hoạch xây dựng nền kinh tế tuần hoàn cần được thiết kế tốt hơn với tác động rõ ràng hơn, tạo động lực để thúc đẩy hợp tác giữa các bên liên quan.
Hơn lúc nào hết, Chính phủ cần chủ động hơn trong việc cho phép thay đổi, DN cần đi đầu trong việc thúc đẩy các giải pháp mới và xã hội cần trở thành một cộng tác viên tích cực để duy trì các tác động dài hạn, hướng tới một tương lai bền vững hơn.
THÙY LÊ