Lan tỏa những gương sáng thầm lặng vì cộng đồng

Xã hội - Ngày đăng : 09:50, 07/12/2020

(BKTO) - 400 điển hình vừa được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với Ban Dân vận T.Ư tuyên dương “Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng” là những biểu tượng cho đức hy sinh, lòng bao dung, tình nhân ái; là mạch nguồn nuôi dưỡng, ngọn lửa thuần khiết sưởi ấm và giúp hiện thực hóa ước mơ hạnh phúc của những mảnh đời bất hạnh.



Ông Bùi Công Hiệp (Quận 9, TP.HCM) là 1 trong 50 cá nhân được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ​

Những câu chuyện cổ tíchgiữa đời thường

400 tấm gương tiêu biểu được tuyên dương là những người thầm lặng cống hiến, thậm chí hy sinh quyền lợi cá nhân để chăm lo cho cộng đồng, xã hội. Họ không quản ngại khó khăn, vất vả, luôn quan tâm, trợ giúp, chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội như người thân, thường xuyên có những hành động, việc làm thiết thực để hỗ trợ giảm nghèo; chung tay phòng, chống tệ nạn xã hội, chăm sóc y tế; nỗ lực hành động vì mục tiêu bình đẳng giới…

Tiêu biểu trong các tấm gương ấy là ông Nguyễn Trung Chắt - một người lính biên phòng về hưu, nhưng luôn ấp ủ mong ước được giúp đỡ những cháu nhỏ gặp hoàn cảnh khó khăn. Năm 2003, ông sáng lập ngôi nhà Mái ấm hy vọng tại Lạng Sơn và tiếp nhận 292 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn về chăm sóc. Ông coi tất cả như con của mình và nuôi dạy đến hết lớp 12. Tùy vào khả năng của các cháu, có cháu đi học nghề, có cháu học lên cao đẳng, đại học. “Mang dòng máu người lính, tôi luôn dạy các cháu về tính kỷ luật, sự tử tế với mong muốn sau này trưởng thành, các cháu có một cuộc sống tốt đẹp hơn” - ông Chắt chia sẻ.

Cũng giống như vậy, ông Bùi Công Hiệp (Quận 9, TP. HCM) cho biết, hơn 10 năm qua, ông và gia đình đã nhận nuôi, chăm sóc hơn 100 trẻ bị bỏ rơi. Gia đình ông đã xây căn nhà khang trang trên mảnh đất rộng 2.500m2 ở phường Phước Long, Quận 9 làm ngôi nhà chung cho các cháu với tên gọi “Mái ấm Thiên Thần”. Năm 2019, ông Hiệp đã trao tặng mảnh đất và căn nhà trị giá hơn 100 tỷ đồng cho trẻ mồ côi. Quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ luôn được ông Hiệp quan tâm từ bữa ăn, giấc ngủ, cho đến việc học kiến thức phổ thông, học tin học, ngoại ngữ, kỹ năng sống, luyện tập thể thao... “Tôi luôn mong ước các cháu sẽ có cuộc sống, tương lai tốt đẹp, trở thành những người tốt, công dân có ích. Vì vậy, tôi sẽ cố gắng mang lại những gì tốt đẹp nhất cho các cháu trong khả năng có thể” - ông Hiệp trải lòng.

Cần nhân rộng nhữngtấm gương sáng vì cộng đồng

Không chỉ có ông Nguyễn Trung Chắt, ông Bùi Công Hiệp mà còn hàng trăm tấm gương sáng vì cộng đồng trong cuộc sống đời thường. Trong đó có thể kể đến như bà Nguyễn Thị Hồng (tỉnh Đồng Nai). Trong 15 năm qua, bà đã dành toàn bộ tiền của để xây dựng cơ sở cưu mang, chăm sóc 76 cụ già không người thân, không nơi nương tựa, trong đó có 37 cụ nhiều năm nằm liệt giường. Hay như trường hợp ông Hồ Văn Thương (tỉnh Long An) đã tận tâm chăm lo 4.000 phần mộ các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Hưng và Tân Hưng. Suốt hơn 20 năm qua, ông không quản ngày đêm, vất vả, âm thầm chăm sóc nơi yên nghỉ của hàng nghìn liệt sĩ trên cả nước.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn lực còn hạn chế, sự chung tay đóng góp của cộng đồng xã hội để hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn là hết sức cần thiết và quan trọng. Với truyền thống yêu thương đùm bọc, đoàn kết gắn bó của cả dân tộc, các hoạt động từ thiện đã trở thành một phong trào sâu rộng trong xã hội, tinh thần “lá lành đùm lá rách” đã có sức hiệu triệu, thu hút nhiều tổ chức, cá nhân có tấm lòng thiện nguyện chung tay, góp sức về cả vật chất lẫn tinh thần nhằm hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế và người dân gặp hoàn cảnh khó khăn. 400 đại biểu được tuyên dương là đại diện cho những “bông hoa” trong “vườn hoa rực rỡ sắc màu”, những “bông hoa” vì cộng đồng, vì xã hội.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Hội đồng Thi đua - Khen thưởng T.Ư, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh ghi nhận và cảm ơn những tấm lòng vàng, những hoạt động thiện nguyện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã đồng hành cùng người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người nghèo, người khuyết tật trên con đường hướng tới một cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Phó Chủ tịch nước mong muốn, các cơ quan truyền thông và các ngành, các cấp cần đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng “những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng” lan tỏa trong toàn xã hội, như lời Bác Hồ dạy: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”.
         
Trong số 400 đại biểu về dự Lễ Tuyên dương “Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng”, có 197 đại biểu là nữ, 8 đại biểu từ 70 tuổi trở lên, 4 đại biểu là người dân tộc thiểu số, 50 đại biểu là người khuyết tật, 20 đại biểu là các cá nhân, DN đã có nhiều đóng góp cho cộng đồng, xã hội. Tại Lễ Tuyên dương, 50 cá nhân được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và 350 cá nhân nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH.
LÊ HÒA