Tập trung xây dựng và thực hiện Kế hoạch kiểm toán năm 2021

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 11:10, 07/12/2020

(BKTO) - Trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của các cơ quan của Quốc hội, dự kiến Kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2021 của KTNN tính đến thời điểm hiện tại đã cơ bản được hoàn thiện. Trong khi chờ KHKT năm 2021 chính thức được công bố, Tổng Kiểm toán Nhà nước yêu cầu các đơn vị kiểm toán chủ động theo dõi, nắm bắt thông tin liên quan đến các đối tượng kiểm toán cũng như tự đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho kiểm toán viên, đảm bảo việc thực hiện KHKT năm 2021 được thuận lợi, hiệu quả.



Tính đến thời điểm hiện tại, dự kiến KHKT năm 2021 của KTNN đã cơ bản được hoàn thiện. Ảnh tư liệu

Kế hoạch kiểm toán bao quát được nhiều vấn đề “nóng”

Thời gian qua, công tác lập KHKT đã được Tổng Kiểm toán Nhà nước đặc biệt quan tâm và chỉ đạo các đơn vị chức năng trong toàn Ngành chú trọng thực hiện, từ KHKT tổng quát đến KHKT chi tiết. Trên cơ sở bám sát các định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, các vấn đề có rủi ro cao về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, KHKT hằng năm được KTNN chủ động xây dựng, với sự phối hợp, tham gia ý kiến của các cơ quan có liên quan, đảm bảo tuân thủ pháp luật, khoa học, chặt chẽ, minh bạch và công khai.

Đặc biệt, từ năm 2020, KTNN tiếp tục đổi mới phương pháp lập KHKT và thực hiện kiểm toán theo thông lệ quốc tế, phát triển phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và trọng yếu nhằm xác định mục tiêu, nội dung, phạm vi kiểm toán phù hợp, giảm thời gian và nhân lực kiểm toán tại đơn vị. Theo đó, KHKT năm 2021 đã được xây dựng trên cơ sở 4 định hướng chính, gồm: Ưu tiên lựa chọn kiểm toán tại các đơn vị quản lý tài chính tổng hợp ở T.Ư và địa phương để đánh giá việc thực hiện các cơ chế, chính sách quản lý tài chính, ngân sách và đầu tư trong cả giai đoạn 2015-2020; tăng cường số lượng các cuộc kiểm toán để xác nhận quyết toán NSNN hằng năm của các Bộ, ngành, địa phương; lựa chọn kiểm toán đối với một số chuyên đề kiểm toán có phạm vi rộng, được dư luận xã hội quan tâm để tổ chức thực hiện trong toàn Ngành nhằm đánh giá toàn diện việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước xuyên suốt từ T.Ư đến địa phương; chủ động bố trí nhân lực và thời gian để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của Luật KTNN.

Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kiểm toán năm 2021, KTNN cũng xác định 9 nhóm giải pháp chủ yếu, trong đó bám sát sự chỉ đạo của Quốc hội để triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021 của Ngành một cách khoa học, hiệu quả; chủ động phối hợp và cung cấp kịp thời các số liệu, thông tin cần thiết, các phát hiện kiểm toán nổi bật phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, chỉ đạo điều hành của Chính phủ.

Trước đó, thẩm tra dự kiến KHKT năm 2021 của KTNN, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã đánh giá cao công tác xây dựng dự kiến KHKT năm 2021, cũng như nội dung kiểm toán. Theo đó, dự kiến KHKT năm 2021 đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ quản lý tài chính công, tài sản công theo các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về kinh tế - xã hội năm 2020 nói riêng và giai đoạn 2016-2020 nói chung. Mục tiêu, nội dung kiểm toán chủ yếu đối với từng lĩnh vực khá phù hợp, đảm bảo từng bước thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Đặc biệt, KHKT năm 2021 đã hướng tới tăng cường kiểm toán hoạt động, dự kiến nhiều cuộc kiểm toán chuyên đề trên diện rộng để đánh giá toàn diện việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; thí điểm thực hiện kiểm toán một số nội dung mới; ưu tiên kiểm toán việc thực hiện chính sách tài chính để ứng phó với ảnh hưởng của dịch Covid-19…

Thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát huy hiệu quả hoạt động kiểm toán

Theo Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Trần Khánh Hòa, để thực hiện hiệu quả KHKT năm 2021 sau khi được thông qua, các đơn vị cần thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Tổng Kiểm toán Nhà nước về thực hiện nhiệm vụ kiểm toán; ngay từ lúc này cần tập trung khảo sát, thu thập và trao đổi thông tin chính xác nhằm tránh trùng lặp, chồng chéo về phạm vi, đối tượng kiểm toán giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra với KTNN và giữa các đơn vị trong Ngành, không để xảy ra tình trạng phải điều chỉnh đầu mối, đơn vị và dự án được kiểm toán trong quá trình thực hiện. “Các đơn vị kiểm toán tổ chức rà soát, cập nhật đầy đủ thông tin đầu mối, đơn vị kiểm toán thuộc phạm vi quản lý vào Phần mềm Cơ sở dữ liệu đầu mối đơn vị kiểm toán; triển khai áp dụng phương pháp tiếp cận rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán đối với một số lĩnh vực kiểm toán...” - ông Hòa lưu ý.

Đối với chủ đề kiểm toán, các đơn vị chủ động thu thập thông tin, xác định rõ phạm vi, nội dung kiểm toán chủ yếu, đặc biệt cần dự kiến cụ thể các đầu mối, đơn vị chi tiết được kiểm toán để kịp thời báo cáo lãnh đạo KTNN. Đặc biệt, trong KHKT năm 2021, số lượng cuộc kiểm toán hoạt động ngày càng được chú trọng, nâng lên. Để tăng cường chất lượng, hiệu quả của các cuộc kiểm toán này, các đơn vị cần chú trọng thực hiện từ khâu lập KHKT đến lập và phát hành báo cáo kiểm toán, trong đó cần bố trí nguồn nhân lực kiểm toán đáp ứng được kiến thức về lĩnh vực chuyên sâu, lựa chọn chủ đề bám sát vào nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước…

Lưu ý đối với việc xây dựng và triển khai thực hiện KHKT năm 2021, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc yêu cầu Vụ Tổng hợp hoàn thiện KHKT năm 2021 theo ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV; hoàn thiện danh mục chi tiết các đầu mối, đơn vị và dự án được kiểm toán năm 2021 báo cáo lãnh đạo KTNN. Đối với các đơn vị kiểm toán, cần hoàn thiện danh mục chi tiết các đầu mối, đơn vị và dự án được kiểm toán năm 2021.

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, KHKT năm 2021 chưa được công bố, song để tránh tình trạng trùng lặp, các đơn vị kiểm toán cần thông báo đến các đơn vị được kiểm toán về nội dung dự kiến kiểm toán, sẵn sàng các phương án thực hiện kiểm toán theo KHKT. Đặc biệt, để việc triển khai KHKT năm 2021 được thuận lợi, đạt hiệu quả cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước yêu cầu các đơn vị kiểm toán cần khẩn trương hoàn thành đúng tiến độ các cuộc kiểm toán đợt 3, kết thúc trước ngày 30/11/2020, phát hành kịp thời toàn bộ báo cáo kiểm toán trước ngày 31/12/2020 (trừ các cuộc kiểm toán phát sinh).
NGUYỄN LỘC