Dự án khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20 đoạn trên địa bàn 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng theo hình thức BT - Kỳ II : Hiệu quả nhưng còn bất cập

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 15:05, 16/03/2017

(BKTO )- Cùng với việc đánh giá hiệu quả kinh tế từ việc đầu tư Dự án khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20 (QL20) đoạn Km0+00 - Km 123+105,17 trên địa bàn 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (Dự án), xem xét quá trình huy động vốn đầu tư dự án, KTNN đã ghi nhận những hiệu quả, lợi ích trong việc huy động nguồn lực tài chính từ các tổ chức tín dụng nước ngoài cùng với nguồn lực của nhà đầu tư tham gia Dự án, nhưng cũng thẳng thắn chỉ ra những điểm còn bất cập


Lựa chọn phương án tài chính tối ưu

Như Báo Kiểm toán đã thông tin ở số báo trước, nguồn vốn huy động để thực hiện Dự án khôi phục, cải tạo QL20 đoạn trên địa bàn 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) bao gồm vốn chủ sở hữu và vốn vay qua các ngân hàng quốc tế, được Chính phủ bảo lãnh. Qua kiểm toán cho thấy, hợp đồng BT đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt. Bộ Tài chính đã thẩm định phương án tài chính và hồ sơ đề nghị cấp bảo lãnh khoản vay có bảo hiểm MIGA (Cơ quan Bảo lãnh đầu tư đa phương của Ngân hàng Thế giới) cho Dự án đảm bảo theo quy định.

KTNN đã chỉ ra một số hạn chế trong việc xây dựng phương án tài chính của Dự án. Ảnh: TS

KTNN cũng xác nhận, nguồn vốn vay với khoản vay được giải ngân một lần 250 triệu USD với lãi suất khoản vay và các phí MIGA, phí bảo lãnh Chính phủ, phí thu xếp khoản vay nước ngoài, phí ngân hàng phục vụ trong nước... là phù hợp với quy định của Chính phủ.

Trên cơ sở các phân tích về phương án huy động tài chính cho Dự án, KTNN đánh giá, việc quyết định lựa chọn khoản vay thương mại nước ngoài giải ngân một lần với lãi suất tại thời điểm vay, không những hiệu quả hơn vay vốn nước ngoài huy động giải ngân nhiều lần hoặc huy động vay vốn trong nước mà còn đem lại lợi ích về nhiều mặt. Theo đó, nếu so sánh việc huy động nguồn lực tài chính từ các tổ chức tín dụng nước ngoài với huy động vốn từ các khoản vay ODA (với lãi suất ưu đãi thường thấp hơn khoảng 1-2%, nhưng thường đi kèm với các yêu cầu của nhà tài trợ như: sử dụng nhà thầu nước ngoài; công nghệ nước ngoài; giá bỏ thầu thường cao hơn trong nước; vấn đề xếp hạng tín nhiệm…) thì việc huy động tín dụng thương mại từ nước ngoài không bị chi phối bởi các điều kiện ràng buộc trên nên đã góp phần tiết kiệm chi phí nguyên, vật liệu và chi phí nhân công.

Nhà đầu tư có thể chủ động trong việc mua nguyên, vật liệu với mức giá thấp hơn và sử dụng nhân công với chi phí tiết kiệm hơn; tận dụng được nguồn lực trong nước như: chủ động lựa chọn đối tác, nhà thầu trong nước có năng lực tham gia Dự án, vật liệu, thiết bị địa phương. Đặc biệt, thời gian đàm phán khoản vay được rút ngắn (khoảng 3 năm) giúp sớm đưa Dự án cấp bách phục vụ vận chuyển Alumium vào sử dụng và đạt hiệu quả kinh tế - xã hội.

Một số hạn chế đáng chú ý

Đánh giá cao hiệu quả trong việc lựa chọn phương án huy động tài chính, song KTNN cũng chỉ ra những hạn chế trong việc xây dựng phương án tài chính của Dự án.

Theo kết quả kiểm toán, thực tế một số chi phí thanh toán của khoản vay đang được thực hiện theo hợp đồng tín dụng, tuy nhiên nhiều khoản chi phí chưa được cập nhật trong hợp đồng BT nên chưa đủ điều kiện ghi nhận vào giá trị công trình BT. Trong đó, phí bảo lãnh MICA thực tế phải trả cao hơn dự kiến thỏa thuận của hợp đồng BT là hơn 19,2 tỷ đồng; phí đại lý ngân hàng cho vay chưa được cụ thể hóa trong hợp đồng BT trên 1 tỷ đồng cùng một số khoản mục phí liên quan đến công tác thu xếp khoản vay cũng chưa được nêu chi tiết trong hợp đồng BT với số tiền hơn 5,6 tỷ đồng.

KTNN cho rằng, việc ký hợp đồng tín dụng chưa lượng hóa hết được một số khoản chi phí phát sinh, một số khoản chi còn ở dạng dự kiến, có thể làm giảm bớt tính chính xác cũng như tính kinh tế trong quá trình xây dựng Hợp đồng BT và có thể làm giảm hiệu quả kinh tế trong sử dụng vốn. KTNN kiến nghị Công ty CP BT20 Cửu Long (đại diện chủ đầu tư) cần chấn chỉnh công tác quản lý Dự án, ký phụ lục hợp đồng BT bổ sung đối với một số khoản chi phí phát sinh, điều chỉnh; chi phí phát sinh liên quan đến công tác thu xếp khoản vay theo đúng quy định.

Mặt khác, KTNN chỉ ra rằng, trong công tác đàm phán vay ODA hoặc vay tín dụng thương mại quốc tế, nhà tài trợ thường căn cứ vào hệ số tín nhiệm của Việt Nam do các tổ chức tài chính quốc tế xếp hạng dựa trên các đặc điểm của nền kinh tế, khả năng hoàn trả vốn vay… Tại thời điểm vay (cuối năm 2012, đầu năm 2013) hệ số tín nhiệm của Việt Nam thấp, do vậy mức phí bảo hiểm MIGA cũng như mức lãi suất vay trong thương thảo hợp đồng chưa đạt như kỳ vọng (có thể giảm 1-2%). “Mặc dù đây là nguyên nhân khách quan nhưng cũng phần nào làm giảm hiệu quả kinh tế tối ưu của Dự án” - KTNN nhận định.

Liên quan đến lợi nhuận của nhà đầu tư, theo phương án tài chính đã xác định trong thỏa thuận hợp đồng BT, tỷ suất lợi nhuận của nhà đầu tư được xác định là 12% phần vốn chủ sở hữu, trên cơ sở tham khảo một số dự án theo hình thức BT, BOT đã ký (nguồn vốn chủ sở hữu do các nhà đầu tư đóng góp hơn 601 tỷ đồng). Tuy nhiên, cho tới thời điểm kiểm toán (tháng 10/2015) chưa có văn bản nào quy định chi tiết về tỷ suất lợi nhuận của nhà đầu tư. Do đó, KTNN kiến nghị Bộ Tài chính ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về tỷ suất lợi nhuận của nhà đầu tư, tránh tình trạng tham khảo mức lợi nhuận bình quân của các DN hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tương ứng, lợi nhuận của các dự án tương tự so với mặt bằng thị trường khu vực Dự án và lợi nhuận của các ngành, lĩnh vực khác để xem xét, tính toán mức lợi nhuận hợp lý.

(Kỳ sau đăng tiếp)
ĐĂNG KHOA