Dự án hồ Tả Trạch, tỉnh Thừa Thiên - Huế (giai đoạn 2) - Kỳ I: Dự án cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra…

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 07:05, 20/04/2017

(BKTO) - Dự án hồ Tả Trạch, tỉnh Thừa Thiên - Huế (Dự án) là công trình trọng điểm quốc gia. Trong quá trình triển khai, Dự án luôn được KTNN, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra liên ngành… chú trọng thực hiện thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Sau cuộc kiểm toán tình hình quản lý và sử dụng vốn đầu tư Dự án hồ Tả Trạch năm 2008, từ tháng 7-8/2015, KTNN tiếp tục kiểm toán Dự án hồ Tả Trạch giai đoạn 2. Đến thời điểm kiểm toán, các hạng mục của Dự án đã cơ bản hoàn thành và bắt đầu phát huy hiệu quả; các mục tiêu của Dự án cơ bản đạt được theo yêu cầu đề ra.



Dự án hồ Tả Trạch, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ảnh: TK
Tiết kiệm hơn 187 tỷ đồng qua đấu thầu

Theo Quyết định số 790/QĐ-TTg ngày 28/6/2001 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án hồ Tả Trạch, tỉnh Thừa Thiên - Huế, Dự án được đầu tư nhằm chống lũ tiểu mãn, lũ sớm, giảm lũ chính vụ cho hệ thống sông Hương; tạo nguồn nước tưới ổn định cho 34.782 ha đất canh tác, bổ sung nguồn nước ngọt cho hạ lưu sông Hương để đẩy mặn, cải thiện môi trường đầm phá Tam Giang - Cầu Hai; phục vụ nuôi trồng thủy sản, cấp nước sinh hoạt và công nghiệp, phát điện khi cần thiết.

Nguồn vốn đầu tư cho Dự án là vốn trái phiếu chính phủ, với tổng mức đầu tư phê duyệt lần đầu là hơn 1.081 tỷ đồng. Dự án thuộc công trình nhóm A, cấp II, với tần suất lũ thiết kế (Ptk=0,5%), tần suất lũ kiểm tra (Pkt=0,1%). Hồ chứa nước với dung tích toàn bộ (Vtb=646x106m3), dung tích chết (Vc=73,4x106m3); gồm 1 đập chính và 4 đập phụ (đập không tràn), tràn xả lũ, tuy nen dẫn dòng thi công kết hợp thoát lũ, nhà máy nhiệt điện và các hạng mục phụ trợ khác.

Hợp phần thủy điện được tách thành một dự án riêng do Công ty Cổ phần Thủy điện Bitexco - Tả Trạch làm chủ đầu tư theo hình thức BOO (xây dựng - kinh doanh - sở hữu) từ nguồn vốn huy động của DN. Văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về chủ trương đầu tư xây dựng hợp phần thủy điện của Dự án hồ chứa nước Tả Trạch nêu rõ: Chủ đầu tư BOO hợp phần thủy điện phải có nghĩa vụ đóng góp chi phí xây dựng cụm công trình đầu mối, góp cùng phần vốn NSNN cho Dự án hồ Tả Trạch.

Theo đánh giá của KTNN, việc xây dựng, quản lý đơn giá của Dự án phù hợp định mức, đơn giá theo quy định hiện hành, thông báo của địa phương. Trong quá trình thực hiện đã xây dựng các phương án so sánh giá vật liệu đến hiện trường (3 phương án) để lựa chọn đơn giá thấp nhất; công tác bù giá vật liệu và bù nhân công, máy móc theo quy định của Nhà nước và theo các khối lượng đã thực hiện trên hiện trường tại từng thời điểm, qua đó tiết kiệm được chi phí đầu tư.

Trong công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, chủ đầu tư (Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng thủy lợi 5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã lập hồ sơ mời thầu, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, tổ chức đấu thầu, thương thảo ký kết hợp đồng tuân thủ quy định. Hồ sơ dự thầu được đánh giá đạt yêu cầu về mặt kỹ thuật và có giá thấp hơn giá gói thầu được phê duyệt. Qua công tác đấu thầu đã tiết kiệm được hơn 187 tỷ đồng.

Cơ bản hoàn thànhcác mục tiêu

Theo kết quả kiểm toán, trong quá trình thi công Dự án, công tác quản lý chất lượng của các gói thầu, quản lý chất lượng công trình luôn được chú trọng. Ban Quản lý Dự án đã bố trí cán bộ có năng lực, kinh nghiệm cùng các đơn vị tư vấn thường xuyên bám sát công trình để chỉ đạo thi công theo thiết kế và các mục tiêu đã được phê duyệt; giám sát chất lượng vật liệu, thiết bị thi công; bố trí các phòng thí nghiệm để kiểm tra chất lượng cho từng hạng mục công trình; thực hiện nghiệm thu chuyển giai đoạn thi công theo quy định; chỉ đạo sửa chữa kịp thời các sai sót và báo cáo giám sát đầu tư định kỳ theo quy định.

Bên cạnh đó, do đây là công trình trọng điểm quốc gia nên quá trình triển khai Dự án thường xuyên nhận được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Quản lý xây dựng công trình; Hội đồng Nghiệm thu nhà nước và các chuyên gia đầu ngành. Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 5 đã thường xuyên tổ chức kiểm tra hiện trường, kịp thời chỉ đạo các nhà thầu lập phương án thi công phù hợp với điều kiện thi công và thời tiết, khí hậu.

Nhờ đó, mặc dù các gói thầu có quy mô lớn, điều kiện địa hình, địa chất phức tạp, diễn biến khó lường, thời tiết không thuận lợi nhưng nhìn chung chủ đầu tư và nhà thầu đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai các gói thầu. Tính đến thời điểm kiểm toán, theo đánh giá của KTNN, Dự án cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra. Theo đó, các hạng mục gồm 1 đập chính dài 1.187m với độ cao mức nước tối đa (Hmax= 60m), 4 đập phụ, tràn xả lũ 5 cửa xả mặt (9x10)m, xả đáy 5 cửa (4x3,2)m, cống lấy nước, tuy nen lấy nước kết hợp dẫn dòng thi công dài 342,76m, đường kính 7m, 2 tổ máy phát điện công suất 21MW và một số hạng mục phụ trợ phục vụ vận hành công trình, cơ bản hoàn thành quy mô đã được phê duyệt.

Năm 2013, mặc dù chưa hoàn thành nhưng hồ Tả Trạch đã đưa vào vận hành và bắt đầu tham gia cắt lũ chính vụ, giảm ngập đáng kể cho TP. Huế và Đồng bằng hạ du sông Hương (lũ cao nhất không vượt quá báo động III). Cùng với đó, 2 tổ máy thủy điện Bitexco - Tả Trạch cũng đã bắt đầu phát điện hòa chung vào lưới điện quốc gia từ cuối năm 2014; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
(Kỳ sau đăng tiếp)

NGUYỄN HỒNG