Chứng khoán thế giới hầu hết đi xuống trong phiên 7/12

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 10:59, 08/12/2020

(BKTO) - Phiên này, các thị trường chứng khoán lớn ở châu Âu đầu giảm điểm, trừ London. Điều này là do đồng bảng Anh suy yếu đã giúp tăng giá cổ phiếu của các công ty đa quốc gia thuộc nhóm FTSE 100. Trái ngược lại, thị trường trong nước lại tiếp tục tăng điểm sang phiên thứ 4 liên tiếp và giúp chỉ số VN-Index áp sát mốc 1.030 điểm.



Ảnh minh họa - Nguồn: sưu tầm

Chứng khoán thế giới đồng loạt giảm điểm

Chứng khoánthế giới dịch chuyển ngược chiều trong phiên 7/12, khi nhà đầu tư vừa chú ý tới các diễn biến về đàm phán Brexit, vừa dõi theo tình hình dịchCOVID-19trên toàn cầu.

Phiên này, các thị trường chứng khoán lớn ở châu Âu đầu giảm điểm, trừ London. Điều này là do đồng bảng Anh suy yếu đã giúp tăng giá cổ phiếu của các công ty đa quốc gia thuộc nhóm FTSE 100.

Khép lại phiên này, tại thị trường London, chỉ số FTSE 100 tăng 0,1% lên 6.555,39 điểm. Trong khi đó, trên sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt (Đức), chỉ số DAX 30 giảm 0,2% xuống 13.271 điểm. Ở thị trường Paris (Pháp), chỉ số CAC 40 giảm 0,2% xuống 5.573,08 điểm. Chỉ số EURO STOXX 50 cũng để mất 0,3% xuống 3.573,08 điểm.

Kết thúc phiên 7/12, đồng bảng Anh đã rời khỏi mức thấp kỷ lục nhưng vẫn giảm so với đồng USD và euro. Sự lao dốc của đồng bảng diễn ra sau khi London thông báo rằng Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ đến Brussels trong những ngày tới để gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.

Mặc dù Anh đã tỏ ra nhượng bộ vào ngày 7/12, nước này vẫn loại trừ việc kéo dài các cuộc đàm phán đến năm 2021. Hiện thị trường không có nhiều hy vọng rằng sẽ có một bước đột phá trước thời hạn phải đạt được thỏa thuận vào ngày 31/12.

Còn trên thị trường Phố Wall, chỉ số công nghiệpDow Jonesgiảm 0,5% xuống 30.069,79 điểm. Chỉ sốS&P500 lùi 0,2% xuống 3.691,96 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite lại tăng 0,5% và khép phiên ở mức cao kỷ lục mới là 12.519,95 điểm.

Số ca mắc COVID-19 mới tại Mỹ đã lên các mức cao kỷ lục mới trong những ngày gần đây, cùng với tỷ lệ tử vong và nhập viện tăng. Nhưng thị trường chứng khoán nước này vẫn chạm các đỉnh cao mới, do giới đầu tư đặt cược dựa vào kỳ vọng rằng việc triển khai rộng rãi vắcxinngừa COVID-19 sẽ thúc đẩy đà phục hồi kinh tế.

Thị trường cũng đã được tiếp sức bởi những bình luận rằng triển vọng về một gói chi tiêu kích thích bổ sung cho kinh tế Mỹ trước khi kết thúc năm 2020 đang tăng lên.

VN-Index áp sát mốc 1.030 điểm

Còn ở thị trường trong nước, phiên 7/12 ghi nhận điểm sáng của nhịp tăng là dòng tiền "quá khỏe" giúp hấp thụ tốt lượng bán hàng T+ về tài khoản, bên cạnh đó khối ngoại trở lại mua ròng cũng tạo hiệu ứng tích cực cho nhà đầu tư.

Đóng cửa, chỉ số VN-Index tăng 8,48 điểm lên 1.029,98 điểm, trong đó chỉ số VN30 tăng 7,67 điểm lên 992,01 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên mua, toàn thị trường có 275 mã tăng/149 mã giảm, ở rổ VN30 có 18 mã tăng, 7 mã giảm và 5 mã giữ tham chiếu.

Các nhà quan sát cho rằng, thị trường vẫn thu hút dòng tiền khá tốt với tổng giá trị khớp lệnh đạt hơn 8.930 tỷ đồng. Giao dịch khối ngoại diễn ra tích cực khi họ trở lại mua ròng với tổng giá trị gần 250 tỷ đồng.

“Thị trường đang xuất hiện nhiều cổ phiếu trụ cột dẫn dắt, đây là biểu hiện bền vững của một xu hướng tăng giá, do đó, sức đề kháng của thị trường sẽ rất tốt trong những nhịp rung lắc. Điểm sáng của nhịp tăng lần này là dòng tiền "quá khỏe" và độ rộng của thị trường được cải thiện đáng kể khi dòng tiền phân bổ ở nhiều nhóm cổ phiếu. Bên cạnh đó, động thái mua ròng của khối ngoại trong những phiên gần đây có thể được xem là động lực mới dành cho thị trường. Với quán tính tăng như hiện nay, mốc cản gần 1.030 - 1.036 điểm hoàn toàn có thể được chinh phục, tuy vậy những nhịp rung lắc để kiểm tra các ngưỡng hỗ trợ sẽ xảy ra”, một chuyên gia phân tích chứng khoán cho hay.

Giao dịch tích cực ở các cổ phiếu bluechips như VCB, HPG, SAB, VNM, GAS, VRE… đóng vai trò dẫn dắt thị trường trong phiên. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngành vật liệu xây dựng như HPG, HSG, NKG, HT1, BCC… cùng cổ phiếu ngành chứng khoán như SSI, HCM, VND… bứt phá tích cực, dẫn đầu đà tăng trong các nhóm ngành. Ngoài ra, nhiều nhóm cổ phiếu có tính thị trường cao như ngân hàng, dầu khí, vận tải, bảo hiểm, thực phẩm, bán lẻ… đã giúp đà tăng được nới rộng.

Ở chiều ngược lại, VHM, VGC, VIB, BCM, VJC, POW… điều chỉnh cùng sự phân hóa trong các nhóm cổ phiếu ngành bất động sản và xây dựng không tạo ra nhiều áp lực với thị trường. Thanh khoản dù có sụt giảm so với các phiên trước nhưng vẫn đang giữ ở mức rất cao với hơn 11.300 tỷ đồng tổng giá trị toàn thị trường.

Nhận định thị trường cơ sở, các nhà phân tích cho biết, chứng khoán châu Á trái chiều dù triển vọng tích cực từ các gói kích thích kinh tế của Mỹ cùng tiến độ phát triển vắc-xin. Thị trường Việt Nam vẫn đang duy trì đà tăng tích cực khi nhận được sự ủng hộ của dòng tiền. Bên cạnh đó, sự quay lại của nhà đầu tư nước ngoài sau giai đoạn bán ròng mạnh cũng hỗ trợ cho các chỉ số.

Liên quan đến thị trường phái sinh, hợp đồng phái sinh F2012 sau những nhịp rung lắc cuối phiên sáng đã bứt phá tích cực và kết thúc phiên tăng gần 8 điểm lên 994.5 điểm. Điểm basic đảo chiều lên mức dương 2,49 điểm, cho thấy kỳ vọng tích cực của nhà đầu tư với thị trường cơ sở, dù các chỉ số đều đang đi vào các vùng kháng cự quan trọng. Chỉ số VN30 đang áp sát mốc kháng cự tâm lý 1.000 điểm, do vậy thị trương phái sinh có khả năng sẽ có những nhịp rung lắc trong các phiên tiếp theo.

Tuy nhiên, nhiều khả năng chỉ số sẽ thử thách ngưỡng này trong một vài phiên tới. Vì vậy, nhà đầu tư có thể thực hiện trading trong vùng 990 - 1.000 điểm trong các phiên tới, tuy nhiên biên lợi nhuận nhiều khả năng sẽ khá hẹp và rủi ro ở mức tương đối cao.

NAM SƠN (Tổng hợp)