Còn nhiều rào cản doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ do tác động của Covid-19

Kinh tế - Ngày đăng : 07:45, 09/12/2020

(BKTO) - Mặc dù các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn hậu Covid-19 được Chính phủ ban hành khá kịp thời, tuy nhiên hiệu quả chưa được như kỳ vọng của doanh nghiệp. Nguyên nhân là do việc thực thi còn bất cập, chính sách còn nhiều rào cản khiến doanh nghiệp gặp khó trong quá trình tiếp cận.


Thông tin này được đưa ra tại Diễn đàn: “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19: Thu hẹp khoảng cách từ chính sách đến thực thi” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức vào sáng 8/12, tại Hà Nội.
                
   

Ban điều hành Diễn đàn

   

TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI - cho biết, đại dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nếu dịch Covid-19 kéo dài đến hết năm 2020, khoảng 39,3% doanh nghiệp sẽ phá sản. Tính đến cuối tháng 10 năm nay, hơn 70.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và đóng cửa, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, làm ảnh hưởng tới hàng chục triệu người lao động.

Tại Diễn đàn, bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh: “Chính phủ có vai trò quan trọng trong việc ban hành các chính sách, tạo động lực khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển mạnh mẽ hơn và có sức chống chịu tốt hơn giữa cuộc khủng hoảng phức tạp và khủng hoảng chồng khủng hoảng của Covid-19, lũ lụt và hạn hán chưa từng có”.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ và các Bộ, ngành đã khẩn trương ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tập trung chủ yếu vào nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cụ thể, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế (VCCI) cho biết, đã có khoảng 95 văn bản, trong đó có 46 văn bản cấp trung ương, 49 văn bản cấp địa phương quy định về các chính sách hỗ trợ trong nhiều lĩnh vực như giá dịch vụ, tiền thuê đất, thuế - phí - lệ phí, vốn - tín dụng, lao động - bảo hiểm xã hội… Nhà nước cũng đã có các gói hỗ trợ, tiêu biểu như gói hỗ trợ tín dụng 250 tỷ đồng, gói hỗ trợ an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng hay gói hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động 16 nghìn tỷ đồng. Cùng với đó là các chính sách về miễn, giảm nhiều khoản phí, lệ phí trong rất nhiều lĩnh vực như kinh doanh hàng hóa dịch vụ, hàng không, du lịch, xây dựng, ngân hàng, chứng khoán, y tế… Tổng số phí, lệ phí cắt giảm mà doanh nghiệp và người dân được hưởng lợi là khoảng 500 tỷ đồng.

Ông Tuấn nhận định, các chính sách đã được ban hành kịp thời, nhiều chính sách đã có những tác dụng nhất định, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực về tài chính để vượt qua khó khăn, rất có ý nghĩa với doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, hiệu quả của việc thực thi một số chính sách chưa thực sự đạt được như kỳ vọng. Nguyên nhân chính là do doanh nghiệp chưa biết đến thông tin về chính sách hỗ trợ. Mặt khác, có thể do chính sách hỗ trợ ban hành với nhiều yêu cầu, thủ tục; trong đó, có không ít điều kiện, yêu cầu còn máy móc, cản trở việc tiếp cận của doanh nghiệp.

Trước những bất cập trong việc thực thi chính sách hỗ trợ thời gian qua, đại diện VCCI khuyến nghị, các cơ quan, ban, ngành và địa phương cần nắm bắt kịp thời các vướng mắc trong việc triển khai các gói hỗ trợ để điều chỉnh cho phù hợp. Cần tiếp tục thiết kế các hình thức hỗ trợ phù hợp với các doanh nghiệp ở từng ngành, lĩnh vực và trong từng giai đoạn. Đồng thời, các chính sách hỗ trợ cần rõ ràng, minh bạch, tránh hiện tượng trục lợi chính sách. Ngoài ra, nên kéo dài thời gian các gói hỗ trợ để DN có đủ thời gian hoàn các khoản được hoãn, giãn trong thời gian qua để phục hồi sản xuất kinh doanh…
         
Trên trang web http://hotro.vibonline.com.vn, VCCI sẽ cập nhật các gói hỗ trợ hiện hành của nhà nước dành cho các doanh nghiệp vượt qua Covid-19; Cập nhật các chính sách, thông tin hỗ trợ theo lĩnh vực ngành nghề của doanh nghiệp; Tổng hợp các văn bản chính sách hỗ trợ theo Bộ, ngành, địa phương ban hành văn bản; Tổ chức các diễn đàn trao đổi về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua Covid-19; Chia sẻ các kinh nghiệm tốt đã được áp dụng tại các tỉnh, thành phố trên cả nước trong hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua Covid-19…

Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam chia sẻ, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch với nhiều thiệt hại nặng nề. Chính sách hỗ trợ được Chính phủ đưa ra rất thiết thực, nhưng số lượng doanh nghiệp ngành du lịch tiếp cận được với chính sách rất hạn chế, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ người lao động. Ông thể hiện quan điểm doanh nghiệp không nên trông chờ vào sự “giải cứu” từ Chính phủ, mà phải “tự cứu mình” là chính, bởi từ khâu ban hành đến khâu thi hành chính sách còn quá nhiều rào cản. Không chỉ vậy, những quy định quá khắt khe, ngặt nghèo, cùng thủ tục đi kèm rất phức tạp, phiền hà cũng khiến doanh nghiệp “ngán ngẩm”.

Bế mạc Diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ rằng, đây là lúc Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và cả cộng đồng doanh nghiệp cần đưa ra tiếng nói chung nhằm thu hẹp khoảng cách từ chính sách hỗ trợ đến thực thi áp dụng. Làm sao để “chính sách thực tế hơn, thủ tục cần đơn giản hơn, phân loại đối tượng cần trúng hơn; điều chỉnh cơ chế nâng cao năng lực tiếp cận các chính sách này cho các doanh nghiệp trong thời gian tới… Làm sao để những chính sách tốt đẹp đã ban hành đi nhanh được vào thực tiễn nhất!”./.

Tin và ảnh: KHÁNH LINH