Tạo đột phá trong giáo dục nghề nghiệp
Xã hội - Ngày đăng : 08:05, 20/04/2017
(BKTO) - Trực tiếp trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung đã phần nào giải đáp những băn khoăn, bức xúc của đại biểu Quốc hội và cử tri với những giải pháp nhằm khắc phục bất cập, tồn tại trong công tác giáo dục nghề nghiệp (GDNN), giải quyết việc làm cho thanh niên…
Việc đầu tư mua sắm trang thiết bị của các cơ sở dạy nghề còn dàn trải, thiếu đồng bộ. Ảnh: TS
Là cơ quan được giao quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận được nhiều câu hỏi của các đại biểu Quốc hội tập trung vào vấn đề tìm giải pháp tháo gỡ thực trạng công tác GDNN hiện nay như: Chất lượng nguồn lao động còn thấp; cơ cấu nhân lực mất cân đối trầm trọng do tuyển sinh GDNN đạt tỷ lệ thấp; đào tạo nghề lao động nông thôn chưa đạt mục tiêu và kế hoạch đề ra…
Giải đáp những vấn đề này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, một trong những mục tiêu đặt ra hiện nay, đó là đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN để hệ thống GDNN bảo đảm cả về số lượng, chất lượng; cơ cấu trình độ, cơ cấu ngành, nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ thuật trực tiếp của thị trường lao động trong nước và hội nhập quốc tế.
Để thực hiện mục tiêu này, Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất 10 nhóm giải pháp cơ bản, được thể hiện qua việc xây dựng Đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2016-2020”. Trong đó, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cần tập trung vào 3 giải pháp đột phá là: Tăng cường tự chủ đối với cơ sở GDNN; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động GDNN và tăng cường sự tham gia của DN; xây dựng các chuẩn quốc gia trong hệ thống GDNN.
Bộ trưởng nhấn mạnh, tăng cường tự chủ không phải là khoán trắng, không có sự hỗ trợ của Nhà nước mà thực chất là khuyến khích và bắt buộc các trường hạch toán như DNNN; hướng đến phát triển việc làm bền vững, giao quyền tự chủ chọn loại hình, ngành nghề đào tạo phù hợp; tự chủ từng bước chuyển từ việc giao dự toán ngân sách cho các cơ sở GDNN công lập như hiện nay sang thực hiện phương thức đặt hàng, đấu thầu, giao nhiệm vụ theo đầu ra không phân biệt cơ sở công lập, ngoài công lập. Từ nay đến năm 2020 chỉ cấp ngân sách bằng năm 2017, tức là mỗi năm đã giảm 7% để ngân sách các trường tự chủ.
Chia sẻ ý kiến của các đại biểu về tình trạng mất cân đối trong đào tạo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, công tác dạy nghề còn khó khăn về số lượng tuyển sinh. Bên cạnh một số trường có chất lượng tốt tuyển sinh đạt và vượt chỉ tiêu còn nhiều trường nghề mới tuyển được khoảng 50-60% học sinh vào học nghề. Do vậy cùng với việc nâng cao chất lượng dạy nghề để hút người học, phải đảm bảo học nghề ra có việc làm, có thu nhập, người học nghề có đủ điều kiện, đủ tiêu chuẩn nếu có nhu cầu thì tiếp tục được học lên cao hơn.
Tăng cường phối hợpthanh tra, kiểm toán
Cùng với giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, việc quản lý, phát huy hiệu quả đầu tư của các cơ sở GDNN, tránh thất thoát, lãng phí cũng được đại biểu Quốc hội quan tâm.
Nhìn nhận những bất cập trong đầu tư các cơ sở GDNN, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thẳng thắn thừa nhận, hiện nay cả nước có gần 2.000 cơ sở GDNN, song hoạt động chưa hiệu quả, có nơi còn để xảy ra thất thoát, lãng phí. Qua thanh, kiểm tra cho thấy, vẫn còn tình trạng đầu tư không đồng bộ, xây dựng cơ sở đào tạo không gắn với thị trường dẫn tới một số nơi cơ sở đào tạo “đắp chiếu” lãng phí, cơ sở vật chất cho thuê làm việc khác; thiết bị mua nhưng không sử dụng hoặc hiệu quả sử dụng thấp; nhiều nghề được đầu tư không tuyển được học sinh…
Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng cho biết, từ nay đến quý 3/2017, Bộ sẽ trình Chính phủ kế hoạch rà soát, đánh giá tổng thể mạng lưới cơ sở GDNN. Chủ trương của Chính phủ là không lập mới các cơ sở công lập không cam kết tự chủ (trừ những nơi trọng điểm); khuyến khích các cơ sở đào tạo tư thục; rà soát tình hình quản lý, sử dụng kinh phí, tài sản trang thiết bị và thực hiện điều chuyển thiết bị đã được đầu tư nhưng không khai thác, sử dụng hiệu quả sang các cơ sở GDNN có nhu cầu; sắp xếp lại các trung tâm ở cấp huyện (dạy nghề, giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp tổng hợp) để tận dụng tối đa công suất phù hợp với địa phương; xử lý các cơ sở đào tạo yếu kém; đào tạo nghề cho khu vực nông thôn phù hợp với thực tế địa bàn, đảm bảo hiệu quả...
Đặc biệt, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình quản lý tài chính, kinh phí, cơ sở vật chất, thiết bị tại các đơn vị; đồng thời phát hiện những hạn chế, tồn tại, sai phạm để có giải pháp kịp thời. “Năm nay, chúng tôi chủ trương sẽ phối hợp với Thanh tra Chính phủ và KTNN tập trung quyết liệt cho công việc này” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
NGUYỄN HỒNG