Ngân hàng cần khẩn trương niêm yết trên sàn chứng khoán

Đầu tư - Ngày đăng : 10:05, 20/04/2017

(BKTO) - Việc niêm yết trên sàn chứng khoán giúp ngân hàng có nhiều cơ hội thu hút nguồn vốn từ các cổ đông và là điều kiện cần thiết để tăng tính công khai, minh bạch của thị trường tài chính. Tuy nhiên, mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nhiều lần hối thúc các ngân hàng lên sàn chứng khoán sau cổ phần hóa nhưng đến nay, chỉ có 10/35 ngân hàng chính thức niêm yết.



Sau cổ phần hóa, nhiều ngân hàng vẫn tìm cách trì hoãn việc gia nhập sàn chứng khoán. Ảnh: TK
Số lượng ngân hàng lên sàn còn khiêm tốn

10 ngân hàng đã niêm yết trên sàn chứng khoán gồm: Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín, Ngân hàng TMCP Á Châu, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội, Ngân hàng TMCP Quân đội, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) và Ngân hàng TMCP Quốc dân.

Trong đó, VIB là ngân hàng lên sàn gần đây nhất (ngày 09/01/2017). Ngoài ra, một số ngân hàng khác cũng đã được Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam chấp thuận lưu ký và cấp mã chứng khoán như: Ngân hàng TMCP Kiên Long, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Tiên Phong. Bên cạnh đó, Ngân hàng TMCP Hàng hải đã chốt danh sách cổ đông để chuẩn bị cho việc gia nhập UPCOM (thị trường giao dịch chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết).

Theo quy định tại Thông tư 180/2015/TT-BTC ngày 13/11/2015 của Bộ Tài chính, đến hết năm 2016, các công ty đại chúng phải đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch tập trung. Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh niêm yết trên, có thể thấy, hệ thống ngân hàng vẫn chưa hoàn thành yêu cầu, mục tiêu đặt ra từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Đến nay, không ít ngân hàng vẫn chưa có động thái gì đối với việc thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán.

Việc chậm trễ niêm yết trên sàn chứng khoán của các ngân hàng còn cho thấy kiến nghị kiểm toán của KTNN chưa được thực hiện nghiêm túc. Qua kiểm toán Chuyên đề việc thực hiện Đề án: “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015” theo Quyết định 254/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ, KTNN đã kiến nghị NHNN cần tiếp tục chỉ đạo 5 tổ chức tín dụng thực hiện niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán theo như phương án đã đề ra, gồm: Ngân hàng TMCP Sài Gòn, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM, Ngân hàng TMCP Bảo Việt, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và VIB. Nhưng, đến thời điểm này, chỉ có 2/5 ngân hàng thực hiện kiến nghị của KTNN cũng như chỉ đạo của NHNN; trong đó, VIB chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán, còn VPBank mới đang xin ý kiến cổ đông về đăng ký lưu ký và giao dịch tại UPCOM.


Khắc phục hạn chế để đẩy nhanh lộ trình niêm yết

Mặc dù NHNN đã nhiều lần thúc giục lên sàn chứng khoán nhưng các ngân hàng vẫn khá chậm trễ trong việc triển khai yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước. Điều này cho thấy hiệu lực thực thi các quy định pháp luật vẫn còn chưa cao, quá trình giám sát, đôn đốc thực hiện chưa nghiêm minh.

Mặt khác, việc niêm yết trên sàn chứng khoán đòi hỏi các ngân hàng phải minh bạch về thông tin, công khai Báo cáo tài chính. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng gặp khó khăn trong quản trị điều hành và chưa đảm bảo đáp ứng được yêu cầu này. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến các ngân hàng chậm trễ lên sàn chứng khoán.

Bên cạnh đó, niêm yết trên sàn chứng khoán sẽ làm lộ mặt trái của hoạt động ngân hàng, đặc biệt là tình trạng sở hữu chéo. Bởi vậy, nhiều ngân hàng chưa mặn mà gia nhập sàn chứng khoán.

Một nguyên nhân khác được ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Giám đốc Phân tích và Tư vấn Đầu tư khách hàng cá nhân của Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - chỉ ra, đó là quy định về xử phạt hành chính trong việc chậm niêm yết cũng chưa đủ sức răn đe, mức phạt cao nhất hiện tại là 400 triệu đồng nếu chậm niêm yết quá 1 năm. Đối với một ngân hàng vốn nghìn tỷ, đó là con số không đáng kể.

Để khắc phục những hạn chế trên, giúp các ngân hàng còn lại khẩn trương thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán, TS. Cấn Văn Lực - Cố vấn cấp cao HĐQT Ngân hàng BIDV - nêu quan điểm: Cần đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa DNNN nói chung và các ngân hàng thương mại nói riêng, đặc biệt là lộ trình thoái vốn của Nhà nước đối với các ngân hàng thương mại nhà nước khi có yếu tố đầu tư ngoài ngành. Đặc biệt, các ngân hàng cần phải thực hiện nghiêm minh quy định của luật pháp, tức là phải thực hiện yêu cầu lên sàn trong vòng 12 tháng sau khi đã cổ phần hóa.

Ngoài ra, các chuyên gia còn khuyến nghị, công khai các ngân hàng chậm niêm yết trên các phương tiện thông tin đại chúng như trường hợp những DN nợ thuế sẽ khiến cho các ngân hàng phải rốt ráo hơn trong việc tuân thủ nghiêm minh các quy định pháp luật để đẩy nhanh lộ trình niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.

NGỌC MAI