Nợ xấu lớn dần

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 07:00, 10/12/2020

(BKTO) - Kết quả kinh doanh của các ngân hàng thương mại trong 9 tháng qua tiềm ẩn nhiều rủi ro trong việc gia tăng tỷ lệ nợ xấu, dẫn đến dự phòng rủi ro cho vay (LLR) rất lớn.



Ảnh minh họa - Nguồn: sưu tầm

Bao phủ nợ xấu

Kết quả hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN vừa được Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến 9/11/2020, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 272.183 khách hàng với dư nợ 341.855 tỷ đồng. Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội dù không thuộc đối tượng của Thông tư 01, nhưng cũng đã thực hiện gia hạn nợ cho 166.709 khách hàng với dư nợ 4.163 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính các ngân hàng cho thấy, tác động của dịch bệnh đã phản ánh trong số dư nợ xấu tăng tại từng ngân hàng. Tuy nhiên, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu (LLC) không phải lúc nào cũng song hành với tỷ lệ nợ xấu. Một báo cáo lợi nhuận “đẹp” có vẻ như vẫn là mục tiêu được một số ngân hàng lựa chọn nhằm bù đắp sự bào mòn lợi nhuận do nợ xấu.

Tại TPBank, nợ xấu tăng 59% với 1.971 tỷ đồng, chiếm 1,79% tổng dư nợ cho vay. Trong đó, nợ nhóm 5 tăng 27% lên hơn 569,5 tỷ đồng, nợ nhóm 4 tăng 82% lên hơn 555 tỷ đồng, nợ nhóm 3 tăng 76% lên hơn 846 tỷ đồng tại thời điểm 31/9/2020. Trong khi đó, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu (số tiền dự phòng trên tổng nợ xấu) giảm về mức 92,6% trong quý III/2020 từ mức 113,3% của quý II.

Với Vietcombank, nợ xấu tính đến cuối quý III/2020 đã tăng 36% so với đầu năm, lên gần 7.885 tỷ đồng, trong đó nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng tới 4,2 lần lên 2.923 tỷ đồng và nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng gần 3 lần. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ 0,79% cuối năm 2019 lên 1,01% vào cuối quý III/2020. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu giảm xuống mức 215% từ mức 255% trong quý II, nhưng vẫn cao nhất hệ thống.

Tương tự là trường hợp của ACB khi tính đến cuối tháng 9/2020, nợ xấu đạt 2.480 tỷ đồng, tăng 71% so với đầu năm. Chi phí dự phòng không theo kịp tốc độ tăng nợ xấu khiến tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ACB giảm mạnh, từ mức 175% cuối năm 2019 xuống mức 117% vào cuối tháng 9 - là mức bao phủ cao trong nhóm dẫn đầu hệ thống ngân hàng hiện nay.

Nợ xấu của MB cũng tăng hơn 39% lên 4.036 tỷ đồng, khiến tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 1,16% lên 1,5% và không có khoản xóa nợ nào tại Ngân hàng mẹ trong kỳ. Nợ nhóm 2 về cơ bản không thay đổi, ở mức 1,47% vào cuối quý III/2020 so với mức 1,49% vào cuối quý II. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu duy trì ở mức cao 119%, cho dù chi phí tín dụng giảm 1,33% trong quý III/2020 so với mức 3,4% và 1,9% trong 2 quý đầu năm.

Do tác động của làn sóng Covid-19 thứ 2 đối với nợ xấu không nghiêm trọng như ước tính ban đầu nên nợ xấu tính đến ngày 30/9/2020 của BIDV gần như không đổi so với cuối tháng 6, ở mức 22.500 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu là 1,97%. Nguyên do bởi dư nợ cho vay tái cơ cấu ở mức 39.000 tỷ đồng, chiếm 3,4% tổng dư nợ và thấp hơn dự báo của Ngân hàng hồi tháng 8/2020 là 5% tổng dư nợ. Tuy nhiên, BIDV cũng tăng trích lập dự phòng để xóa nợ 4.600 tỷ đồng trong quý III/2020, tăng 84,7% so với quý II và tăng 42% so với cùng kỳ 2019. Qua đó, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu tăng lên 87,1% - mức cao nhất trong 2 năm qua.

Techcombank là trường hợp đặc biệt khi tính đến 30/9/2020, tỷ lệ nợ xấu được giữ ở mức 0,6%, thấp hơn mức 0,9% tại ngày 30/6/2020 và mức 1,8% tại ngày 30/9/2019. Nợ xấu thấp, nhưng tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Techcombank tại thời điểm 30/9/2020 là 148%, tăng so với mức 108,6% tại thời điểm 30/6/2020 và mức 77,1% tại thời điểm 30/9/2019.

“Việc giữ tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức rất cao cho thấy quan điểm thận trọng của các ngân hàng về sự an toàn trong hoạt động”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định.

Dự phòng rủi ro chủ yếu để xử lý nợ xấu

Trước nguy cơ nợ xấu tái phát, các ngân hàng quay trở lại với việc tăng trích lập dự phòng rủi ro.Chẳng hạn, trong quý 3, chi phí dự phòng của Vietcombank tăng khoảng 34,7% lên 2.025 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2019 và dự phòng rủi ro lũy kế 9 tháng của ngân hàng đạt khoảng 6.033 tỷ đồng, so với cùng kỳ. năm 2019 là 4.819 tỷ đồng.Trích lập dự phòng rủi ro tại các ngân hàng khác cũng tương tự, đều tăng, như VietinBank tăng 39%, VPBank 14,4%, ACB tăng gần 5 lần từ 145 tỷ lên 703 tỷ đồng, Nam A Bank tăng 7,8 lần, và Techcombank tăng từ 605 tỷ đồng lên 2.200 tỷ đồng.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, tỷ lệ bao phủ nợ xấu là số dư dự phòng cuối kỳ bao gồm dự phòng chung và dự phòng cụ thể cho các khoản dư nợ/nợ xấu. Mục đích của tỷ lệ này dùng để đánh giá khả năng phòng thủ của ngân hàng trước những rủi ro liên quan đến nợ xấu. Số dư dự phòng cần trích lập bằng tổng các khoản dự phòng cụ thể cộng dự phòng chung.

Trong đó, theo Thông tư số 02/2013/TT-NHNN, dự phòng chung được xác định bằng 0,75% tổng số dư các khoản nợ từ nhóm 1 đến nhóm 4, trừ tiền gửi và cho vay liên ngân hàng; dự phòng cụ thể được trích lập để dự phòng cho những tổn thất có thể xảy ra đối với từng khoản nợ cụ thể.

Cũng theo Thông tư 02, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro là việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hạch toán chuyển khoản nợ được xử lý rủi ro ra hạch toán ngoại bảng và tiếp tục theo dõi, có biện pháp để thu hồi nợ đầy đủ theo hợp đồng đã ký, cam kết đã thỏa thuận với khách hàng.

Ông phân tích, dự phòng rủi ro cho nợ xấu có thể được xem như một quỹ thành lập nên để trích lập một phần lợi nhuận chuyển vào quỹ và được sử dụng để xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, quỹ này không phải là một tài khoản mà ngân hàng thiết kế để nộp tiền vào và sử dụng khi cần đến, mà chỉ là cách hạch toán: Ngân hàng thiết lập một tài khoản nội bộ và hạch toán (chuyển) một phần lợi nhuận hàng năm vào tài khoản này.

Nhấn mạnh thêm, ông cho biết, động thái này dẫn đến lợi nhuận thuần sẽ giảm trên sổ sách của ngân hàng và dư nợ thuần cho khoản nợ được phân loại là nợ xấu bị giảm đi trên bảng cân đối kế toán với một lượng tiền tương ứng. Khi một món nợ được xử lý, ngân hàng sẽ (bằng bút toán) lấy tiền từ quỹ dự phòng này để cấn trừ số dư nợ trên sổ sách và phần còn lại của dư nợ trên sổ sách sẽ được triệt tiêu nếu ngân hàng xử lý tài sản bảo đảm và thu hồi về một số tiền đủ để triệt tiêu nợ.

“Nếu xử lý tài sản bảo đảm mà không thu hồi được đủ số tiền để cấn trừ nợ thì ngân hàng có thể xóa phần nợ còn lại. Nói tóm lại, quỹ dự phòng rủi ro nợ xấu chỉ được dùng để xử lý nợ xấu, mà không được dùng cho bất cứ mục đích nào khác”, ông nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, phần lớn các ngân hàng đã sẵn sàng giảm lợi nhuận để tăng “bộ đệm” dự phòng nợ xấu trong bối cảnh đại dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, gây suy yếu kinh tế thế giới và Việt Nam không là ngoại lệ. Theo đó, có ngân hàng thậm chí trích lập không chỉ là dự phòng của riêng nợ xấu nhóm 3, 4, 5, mà còn bao gồm dự phòng chung của các khoản nợ nhóm 1, 2 và dự phòng cụ thể của các khoản nợ nhóm 2.

NAM SƠN (Tổng hợp)