Kinh tế tư nhân chưa trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế như kỳ vọng
Đối nội - Ngày đăng : 08:19, 11/12/2020
(BKTO) - Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: “Tài chính - Kế toán thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển nhanh và bền vững” do Trường Đại học Tài chính - Marketing và Học viện Tài chính phối hợp tổ chức sáng 10/12.
Quang cảnh Hội thảo tại điểm cầu Học viện Tài chính (Hà Nội) |
Kinh tế tư nhân (KTTN) đã được Đảng ta xác định là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; là một trong ba trụ cột để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ. Những năm qua, khu vực KTTN phát triển mạnh mẽ, đóng góp ngày càng lớn hơn vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với gần 45% GDP, chiếm 1/3 thu NSNN, trên 40% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội.
Nhấn mạnh thêm về vấn đề này, TS. Hoàng Đức Long - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing - cho biết: Khu vực KTTN có những đóng góp quan trọng trong sự phát triển năng động của nền kinh tế, góp phần tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập của người dân, đột phá và đi đầu trong nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mới. Cụ thể, KTTN liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động. Đóng góp của khu vực KTTN trong cơ cấu GDP luôn ở mức trên 43% anh (so với khu vực kinh tế nhà nước 28,9% và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là 18% GDP).
Tuy nhiên, KTTN chưa thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế như kỳ vọng. Môi trường pháp lý đối với khu vực KTTN chưa hoàn thiện; nhiều quy định chưa đầy đủ, chưa rõ ràng, thiếu nhất quán và chồng chéo; các DN còn bị đối xử chưa công bằng so với các loại hình DN khác. Một số chính sách quy định chỉ đề cập đến DNNN mà chưa đề cập đến DN tư nhân. Nhiều DN tư nhân phải trả các chi phí “không chính thức” để giải quyết công việc… Những bất cập này càng khiến cho khu vực KTTN đã nhỏ lại kém phát triển.
Ngoài ra, năng lực sản xuất công nghiệp của khu vực KTTN còn yếu, mới chỉ ở giai đoạn đầu của thời kỳ phát triển. Phần lớn sản xuất công nghiệp của các DN tư nhân là gia công lắp ráp, sử dụng máy móc, thiết bị và nguyên liệu nhập khẩu. Các công đoạn sản xuất đưa lại giá trị gia tăng cao như: thiết kế, tạo kiểu dáng, marketing... phần lớn được thực hiện bởi đối tác nước ngoài. Sự phân tầng trình độ công nghệ đang diễn ra trong từng ngành và trong nhiều DN; công nghệ lạc hậu, trung bình và tiên tiến cùng đan xen tồn tại; công nghệ tiên tiến, hiện đại chỉ tập trung ở một số ít DN, lĩnh vực.
Do trình độ công nghệ thấp, các DN tư nhân không có khả năng kết nối cũng như tham gia ngành công nghiệp hỗ trợ cho các DN lớn, nhất là không thể tận dụng được hiệu ứng lan tỏa từ các DN FDI đang tăng trưởng nhanh. Các DN tư nhân phần lớn vẫn hoạt động ở thị trường trong nước, rất ít DN vươn được ra thị trường nước ngoài, nhưng ngay cả ở thị trường này, dưới sức ép cạnh tranh gay gắt, các DN tư nhân lớn có xu hướng rút khỏi các ngành sản xuất công nghiệp, nhường lại sân chơi cho các DN nước ngoài. Sự rút lui này cũng diễn ra trong một số lĩnh vực dịch vụ như phân phối, bán lẻ được ưu tiên và có nhiều tiềm năng của nền kinh tế. Thiếu thị trường, thiếu mặt bằng sản xuất kinh doanh là trở ngại lớn nhất đối với các DN tư nhân.
Mặt khác, sự vận động của thế giới đương đại với hàng loạt những thay đổi về chính trị, kinh tế, xã hội và môi trường, điều kiện tự nhiên, thiên tai dịch bệnh… đã và đang tác động đến quá trình toàn cầu hóa. Trong đó, cán cân quyền lực toàn cầu chuyển từ đơn cực sang đa cực, những công nghệ đột phá như AI, IoT… và các thách thức sinh thái càng làm cho KTTN gặp nhiều thách thức.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã cùng nhau thảo luận về các chủ đề: tài chính - kế toán thúc đẩy KTTN phát triển nhanh và bền vững; quản lý vốn lưu động ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của DN; kế toán và kiểm toán trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0; đào tạo nguồn nhân lực tài chính, kế toán, kiểm toán; các yếu tố quyết định sự tăng trưởng của DN; tín dụng cho KTTN…
Tin và ảnh: THÙY LÊ