Hoạt động kiểm toán nhà nước góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 15:05, 11/12/2020

(BKTO) - Tại Phiên thảo luận đặc biệt với chủ đề: “Vai trò của cơ quan kiểm toán tối cao trong đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững” trong khuôn khổ Hội nghị Khu vực công toàn cầu của Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA) mới đây, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Vũ Văn Họa đã có bài tham luận nhấn mạnh vai trò của KTNN Việt Nam trong việc góp thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Ban Biên tập Chuyên trang thông tin điện tử “KTNN Việt Nam - Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021” trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.



Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa và đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc tham dự Phiên thảo luận đặc biệt trong khuôn khổ Hội nghị khu vực công toàn cầu của ACCA

Theo Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, “Phát triển bền vững là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống con người trong hiện tại, nhưng không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai”. Chương trình này đã trở thành định hướng, chiến lược phát triển của toàn thế giới, đòi hỏi mỗi quốc gia cần có công cụ kiểm soát, đánh giá nhằm đảm bảo việc thực hiện, đáp ứng các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) kịp thời và hiệu quả. Xuất phát từ yêu cầu trên, Liên Hợp Quốc cùng nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) đã nhấn mạnh và đề cao vai trò của các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) với tư cách là cơ quan độc lập, khách quan trong việc giám sát thực hiện các SDG.

Cộng đồng quốc tế đánh giá cao kết quả thực hiện SDGs của Việt Nam

Đối với Chính phủ Việt Nam, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước. Nguyên tắc này kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia; lấy con người làm trung tâm, tạo điều kiện cho mọi người và cộng đồng trong xã hội có cơ hội bình đẳng để phát triển theo định hướng: “Không ai bị bỏ lại phía sau”.

Nhận thức được tầm quan trọng của Chương trình Nghị sự 21 của Liên Hợp Quốc đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ trong thực hiện các SDG thông qua việc ban hành Định hướng chiến lược phát triển bền vững Việt Nam năm 2004, Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững năm 2017; trong đó, quốc gia hóa Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc thành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 với 17 SDG và 115 mục tiêu cụ thể phù hợp với điều kiện, ưu tiên phát triển của Việt Nam. Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo lồng ghép SDGs vào tất cả các chủ trương, chính sách, kế hoạch hành động, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội… của các Bộ, ngành, địa phương và các bên liên quan, tập trung mọi nguồn lực cần thiết và giao nhiệm vụ cho từng Bộ, ngành liên quan trong việc phối hợp thực hiện đồng bộ để đảm bảo sự thành công của Chương trình.

Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các SDG và đạt được nhiều kết quả, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng cao, các cân đối của nền kinh tế được giữ vững, thâm hụt ngân sách và nợ quốc gia được kiểm soát trong giới hạn an toàn, từng bước giải quyết thành công các vấn đề xóa đói, giảm nghèo, phát triển giáo dục, chăm sóc sức khỏe, phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với bảo vệ môi trường hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Một kết quả đáng ghi nhận nữa là Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2020 đã luật định vai trò của KTNN Việt Nam trong việc thực hiện kiểm toán công tác quản lý và bảo vệ môi trường đối với các cơ quan nhà nước và các đơn vị khác có liên quan theo Luật KTNN. Việc bổ sung quy định trên đã nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của KTNN trong kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và khẳng định KTNN là một công cụ kiểm soát môi trường quan trọng của Quốc hội, Chính phủ. Thêm vào đó, việc luật định cũng chứng minh rằng, Nhà nước Việt Nam hiện nay đang rất quan tâm đến vai trò của công tác kiểm toán đối với lĩnh vực môi trường và các hoạt động có liên quan.

         
Với vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021 và là thành viên tích cực của INTOSAI, KTNN Việt Nam đã thực hiện các cuộc kiểm toán gắn với các SDG và khuyến nghị Chính phủ các vấn đề cần xem xét để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia, trọng tâm vào bảo vệ môi trường và những vấn đề bất ổn do môi trường gây ra theo định hướng của Thủ tướng Chính phủ là “Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”.
KTNN đóng góp tích cực vào việc đẩy mạnh thực hiện các SDG

Là cơ quan hiến định độc lập với chức năng kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, KTNN có trách nhiệm kiểm toán, giúp Quốc hội, Chính phủ kiểm tra, kiểm soát và giám sát công tác quản lý, bảo vệ môi trường, việc thực hiện các SDG của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Qua đó, KTNN phát hiện những bất cập, hạn chế và đưa ra kiến nghị nhằm chấn chỉnh, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương, minh bạch hóa, góp phần nâng cao tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững.

Kể từ khi Việt Nam ban hành “Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững” vào năm 2017, KTNN đã tiến hành các cuộc kiểm toán hoạt động và kiểm toán môi trường có chủ đề liên quan đến một hoặc nhiều SDG. Đó là các cuộc kiểm toán: Việc thực hiện giải pháp giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy của TP. HCM theo Đề án của Chính phủ năm 2018; Hoạt động quản lý nhập khẩu phế liệu giai đoạn 2016-2018 tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Hoạt động quản lý và xử lý chất thải y tế tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2019…

         
   
Cuộc kiểm toán hoạt động việc thực hiện giải pháp giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy của TP. HCM theo Đề án của Chính phủ đã chỉ ra những hạn chế trong công tác lập kế hoạch, tổ chức thông tin tuyên truyền, đôn đốc thực hiện giải pháp khuyến khích sản xuất túi ni lông sinh học có khả năng tự phân hủy…
   
Kết quả kiểm toán hoạt động quản lý nhập khẩu phế liệu giai đoạn 2016-2018 tại các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Tài chính đã chỉ rõ việc chưa có kế hoạch phòng ngừa, kiểm soát từ xa đối với các vấn đề, rủi ro có thể xảy ra, dẫn đến bị động, chậm trễ trong kiểm soát và ứng phó; chưa dự báo, đánh giá khả năng đáp ứng nguồn nguyên liệu trong nước và nhu cầu nhập khẩu phế liệu phục vụ sản xuất thực tế…
   Theo kết quả kiểm toán hoạt động quản lý và xử lý chất thải y tế tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội, 82% bệnh viện vận hành hệ thống xử lý nước thải y tế không đảm bảo quy trình; 86% bệnh viện chưa đảm bảo đầy đủ các hồ sơ, thủ tục môi trường theo quy định; 59% bệnh viện chưa thực hiện chế độ báo cáo kết quả quản lý chất thải y tế, báo cáo quan trắc môi trường định kỳ đầy đủ và kịp thời…
   
Nhìn chung, kết quả kiểm toán đã nêu bật những bất cập, hạn chế của hệ thống quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ trong một số lĩnh vực chuyên môn sâu, đặc biệt là lĩnh vực môi trường và các SDG; đánh giá tương đối toàn diện về ưu điểm, hạn chế, phân tích nguyên nhân, tác động của những hạn chế, kiến nghị khả thi đối với một số vấn đề nổi cộm được dư luận xã hội quan tâm. Kết quả này góp phần không nhỏ vào việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nhà nước, tăng cường trách nhiệm giải trình và tính minh bạch của các cơ quan quản lý nhà nước, gia tăng lợi ích xã hội; đồng thời góp phần nâng cao uy tín của KTNN, đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của Quốc hội và công chúng.

Gắn Kế hoạch hành động với kiểm toán việc thực hiện các SDG

Theo Kế hoạch hành động 2020-2022 của Nhóm công tác về Kiểm toán môi trường của INTOSAI, 3 năm tới, các SAI sẽ tập trung vào 3 vấn đề trọng điểm về môi trường có liên hệ mật thiết với các SDG trong Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc gồm: nguồn tài chính cho biến đổi khí hậu, quản lý chất thải nhựa và giao thông bền vững nhằm thực hiện các mục tiêu số 11, 12 và 13 trong Chương trình nghị sự 2030.

Năm 2020, với cương vị Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021, KTNN Việt Nam chủ trì và đề xuất thực hiện cuộc kiểm toán hợp tác “Việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Kông, gắn với việc thực hiện các SDG” vào Kế hoạch chiến lược của ASOSAI giai đoạn 2020-2021 và thành lập Ủy ban đặc biệt nghiên cứu việc thực hiện các SDG của ASOSAI. Cuộc kiểm toán hợp tác được thực hiện theo hình thức kiểm toán song song, do KTNN Việt Nam chủ trì và SAI Thái Lan và Myanmar là thành viên tham gia. Dự kiến, cuộc kiểm toán được thực hiện trong năm 2021 để đánh giá trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quản lý, khai thác và sử dụng nguồn nước lưu vực sông Mê Kông. Kết quả kiểm toán sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Kông, cải thiện môi trường sống và sự phát triển hài hòa của các quốc gia thuộc lưu vực sông Mê Kông, trong đó có Việt Nam.

Thời gian tới, KTNN sẽ xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển KTNN giai đoạn đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030), trong đó chú trọng đẩy mạnh kiểm toán hoạt động, kiểm toán môi trường và kiểm toán chuyên đề về các chủ đề liên quan đến bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và các SDG; lồng ghép nội dung kiểm toán các SDG trong các cuộc kiểm toán của toàn Ngành theo hướng đánh giá tính thống nhất, kết nối của các cơ chế, chính sách và mức độ đóng góp của các hoạt động do đơn vị thực hiện vào việc hoàn thành các SDG của quốc gia. Đồng thời, KTNN định hướng xây dựng các hướng dẫn và văn bản pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm toán các nội dung này; tăng cường đào tạo, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế để đạt được kết quả tốt nhất./.

TS. Vũ Văn Họa
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước