Ban hành văn bản QPPL quy định chi tiết nhằm triển khai Luật KTNN thuận lợi, hiệu quả

Kiểm toán - Kế toán - Ngày đăng : 11:15, 27/04/2017

(BKTO) - Ngày 25/4, dưới sự chủ trì của Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Cao Tấn Khổng, KTNN đã tổ chức Tọa đàm về Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) quy định chi tiết một số điều của Luật KTNN năm 2015 (Dự thảo Nghị quyết) và Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN (Dự thảo Nghị định), nhằm lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý trong và ngoài ngành, làm cơ sở thực hiện Luật KTNN năm 2015 một cách có hiệu lực và hiệu quả.



Quang cảnh buổi Tọa đàm Ảnh: LÊ HÒA

Tham dự Tọa đàm có GS.TS. Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam; đại diện Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, một số ủy ban của Quốc hội; đại diện một số Bộ, ngành, địa phương; các học viện, trường đại học… Về phía KTNN có đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc KTNN, các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập 2 dự thảo văn bản trên.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Cao Tấn Khổng cho biết, Luật KTNN năm 2015 được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016 là bước tiến quan trọng trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế, tài chính theo hướng thể chế hóa các quy định của Hiến pháp về KTNN. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật KTNN năm 2015 cho thấy một số quy định của Luật cần phải được hướng dẫn chi tiết, cụ thể. Bên cạnh đó, trên thực tế hoạt động các lĩnh vực, hệ thống pháp luật luôn điều chỉnh các mối quan hệ phát sinh nhất thiết phải bao gồm các quy định về chế tài để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đối với lĩnh vực này. Trong khi đó, chưa có chế tài cụ thể nào của Nhà nước quy định đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN của đơn vị được kiểm toán, các tổ chức, cá nhân có liên quan. Do đó, việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kiểm toán chưa nghiêm, phần nào đã ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu lực và hiệu quả kiểm toán.

Để tạo điều kiện triển khai Luật KTNN năm 2015 đảm bảo thuận lợi, hiệu quả, cần phải hoàn thiện cơ chế quy định các biện pháp hạn chế hành vi đối phó, bao che, cản trở hoạt động kiểm toán từ phía đơn vị được kiểm toán và các tổ chức, cá nhân có liên quan. “Chính vì vậy, việc ban hành Nghị quyết của UBTVQH quy định chi tiết một số điều của Luật KTNN năm 2015 và Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN là hết sức cần thiết” - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh.

Tại buổi Tọa đàm, đại diện Tổ biên tập đã giới thiệu khái quát những nội dung cơ bản của Dự thảo Nghị quyết gồm các nội dung: về trình ý kiến của KTNN để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán NSNN, quyết định phân bổ ngân sách trung ương, quyết định chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia; nghĩa vụ của đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của KTNN, Kiểm toán viên nhà nước; giải quyết tố cáo trong hoạt động kiểm toán; xử lý vi phạm pháp luật về KTNN.

Với 5 chương, 17 điều, Dự thảo Nghị định quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN.

Trao đổi, thảo luận tại Tọa đàm, các đại biểu đều thống nhất và khẳng định sự cần thiết của việc xây dựng và ban hành 2 văn bản trên; đồng thời tập trung trao đổi, thảo luận, làm rõ thêm một số quy định trong Dự thảo.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trình ý kiến của KTNN để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán NSNN, quyết định phân bổ ngân sách trung ương, quyết định chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng của quốc gia, GS.TS. Đặng Văn Thanh cho rằng, quy định này đảm bảo cho Quốc hội có thêm căn cứ mang tính chuyên môn khi thực hiện chức năng và thẩm quyền của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Vì vậy, theo ông Thanh, ý kiến của KTNN phải thực sự có giá trị, bao gồm cả giá trị pháp lý, giá trị vật chất về những thông tin về ngân sách, về chương trình mục tiêu quốc gia trình trước Quốc hội; phải rành mạch, rõ ràng về chính kiến, về sự xác nhận hoặc yêu cầu điều chỉnh, giải trình. Đặc biệt, ý kiến của KTNN phải là căn cứ đủ sức thuyết phục để hình thành ý kiến cũng như chính kiến mang tính quyết định của đại biểu Quốc hội.

Góp ý vào Dự thảo Nghị định, bà Phạm Thúy Hạnh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) - đề nghị, KTNN cần cân nhắc, rà soát lại các quy định về biện pháp khắc phục hậu quả; phân biệt mức tiền phạt đối với cá nhân và tổ chức cho phù hợp với một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; làm rõ phạm vi thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Tổng Kiểm toán Nhà nước, Kiểm toán trưởng, thủ trưởng đơn vị trực thuộc KTNN tương đương với thẩm quyền xử phạt của Thanh tra, cho phù hợp với thực tiễn hoạt động của KTNN...

Cũng có ý kiến cho rằng, nên bổ sung một Điều về quản lý tiền phạt vi phạm hành chính, trong đó, quy định rõ tiền phạt vi phạm hành chính được nộp vào NSNN kịp thời, đầy đủ theo đúng quy định của Luật NSNN, Luật Xử lý vi phạm hành chính, để đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng trong quản lý tiền phạt, tránh hiểu lầm từ phía đơn vị bị xử phạt... Về nguồn tiền xử phạt, các đại biểu cũng đề nghị cân nhắc quy định này bởi đa số hoạt động kiểm toán của KTNN liên quan đến cơ quan nhà nước. “Vấn đề đặt ra là đơn vị có nộp phạt hay không, kinh phí nào để nộp phạt hay lấy NSNN để nộp phạt rồi lại nộp vào NSNN. Vấn đề này cần được làm rõ trong Nghị định” - TS. Lê Đình Thăng - Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán - đề nghị.

Kết luận Tọa đàm, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Cao Tấn Khổng đánh giá cao các ý kiến tham gia góp ý. Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, KTNN sẽ nghiên cứu, tiếp thu những ý kiến góp ý của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết và Dự thảo Nghị định, trình UBTVQH và Chính phủ.

Ông Nguyễn Văn Hoan(Ủy ban Tài chính - Ngân sáchcủa Quốc hội):
...Việc xây dựng và ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động KTNN là rất cần thiết. Như đã biết, những khoản KTNN phát hiện, kiến nghị xử lý mà các đơn vị được kiểm toán còn nợ đến nay cũng không nhỏ. Vì vậy, chúng ta phải hết sức khẩn trương, trước hết là phải ban hành ngay Nghị quyết của UBTVQH giao cho Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động KTNN.
Theo tôi thấy, các sai phạm mà KTNN phát hiện và kiến nghị xử lý đều rất nặng so với các quy định về xử phạt vi phạm hành chính hiện nay. Vì vậy, khi xây dựng Nghị định này cần phải thể hiện sự cứng rắn trong vấn đề mức phạt và tôi nghĩ UBTVQH cũng sẽ đồng tình; không thể để tình trạng tiền ngân sách phân bổ bị sử dụng sai, đến khi KTNN phát hiện lại không chịu nộp. Có như vậy mới thực sự nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán của KTNN.
N. HỒNG (Ghi)
TS. Lê Đình Thăng - Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán:
Nghị định xử phạt vi phạm hành chính được ban hành sẽ góp phần nâng cao hiệu lực hoạt động của KTNN, qua đó góp phần nâng cao hiệu lực quản trị tài chính, tài sản quốc gia, tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với công tác quản lý tài chính công, tài sản công. Nghị định không chỉ dừng lại ở việc xử phạt mà quan trọng hơn là phải có quy định về các biện pháp khắc phục những hậu quả liên quan đến vi phạm của các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động KTNN. Nghị định xử phạt vi phạm hành chính được ban hành cũng làm căn cứ để KTNN xử lý các vi phạm cụ thể đối với từng hành vi vi phạm nhưng chưa cấu thành hành vi phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Từ đó, tăng cường quản lý hoạt động của Kiểm toán viên nhà nước.
Đ. NGỌC (Ghi)

ĐĂNG KHOA