Làn sóng COVID-19 thứ tư khiến kinh tế Hong Kong tiếp tục suy thoái
Đầu tư - Ngày đăng : 20:25, 11/12/2020
(BKTO) - Từ cuối tháng 11, số ca mắc COVID-19 ở Hong Kong đã bật tăng trở lại khiến nền kinh tế của thành phố vốn nổi tiếng là thiên đường mua sắm của châu Á tiếp tục rơi vào suy thoái.
Người đi đường đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại quận Wan Chai, Hong Kong, Trung Quốc ngày 27/11/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)
Ngay trước thềm Giáng sinh và Năm mới, Khu Hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) lại bất ngờ bùng phát làn sóng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 thứ tư, khiến nền kinh tế của thành phố vốn nổi tiếng là thiên đường mua sắm của châu Á tiếp tục rơi vào suy thoái.
Từ cuối tháng 11, số ca mắc COVID-19 ở Hong Kong đã bật tăng trở lại sau khi ghi nhận những ca lây nhiễm mới chủ yếu từ các nhóm khiêu vũ tập thể.
Chính quyền Hong Kong ngay lập tức công bố một loạt biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn nhằm kiểm soát tình hình dịch bệnh có xu hướng diễn biến ngày càng tồi tệ.
Nhiều địa điểm vui chơi giải trí, phòng hát karaoke, phòng chơi mạt chược, trung tâm thể dục thẩm mỹ, spa và bể bơi phải đóng cửa, các trường học cũng đóng cửa, tất cả viên chức làm việc tại nhà, xử phạt nặng hơn đối với các hành vi vi phạm quy định giãn cách xã hội và đưa ra một số các hạn chế khác.
Số lượng thực khách tại mỗi bàn của các nhà hàng ăn uống chỉ được tối đa hai người và chỉ được đón khách đến 18 giờ.
Lệnh hạn chế tụ tập nơi công cộng cũng bị siết chặt, không được phép tụ tập quá hai người.
Chính quyền Hong Kong cũng tăng mức phạt lên 5.000 HKD (khoảng 645 USD) đối với những người vi phạm các quy tắc giãn cách xã hội.
Kế hoạch triển khai “Bong bóng du lịch” giữa Singapore và Hong Kong cũng đã bị hoãn sang năm sau.
Đây là thỏa thuận thiết lập "bóng bóng du lịch hàng không" toàn diện đầu tiên trên thế giới nhằm tạo cú hích để hồi sinh ngành du lịch và hàng không của mỗi bên.
Tuy nhiên, kế hoạch này bị hoãn khiến ngành du lịch và bán lẻ của Hong Kong tiếp tục đối mặt thách thức lớn để tồn tại.
Chịu tác động kép của những biến động xã hội hồi năm ngoái và dịch COVID-19 năm nay, nền kinh tế Hong Kong đang phải vật lộn để vượt qua khó khăn.
Mặc dù không khí Giáng sinh năm nay đã tràn ngập trên các đường phố ở Hong Kong, các trung tâm mua sắm tung ra những đợt khuyến mại, giảm giá mạnh, nhưng không còn cảnh người mua bán tấp nập, xếp hàng chen chúc như mọi năm.
Vào những mùa cao điểm này trước đây, ngành dịch vụ ăn uống có thể thu về hàng chục tỷ USD.
Tuy nhiên, quy định hạn chế tụ tập từ hai người trở lên khiến cho việc kinh doanh trở nên khó khăn hơn, doanh thu giảm từ 60% đến 70%.
Không loại trừ khả năng sẽ có thêm nhiều nhà hàng đóng cửa, sa thải nhân viên hoặc yêu cầu nhân viên làm việc không lương.
Trước đó, ngành dịch vụ ăn uống và du lịch bán lẻ Hong Kong trông đợi vào mùa cao điểm Giáng sinh và Năm mới để thu hút khách, nhưng giờ đây cùng với các quy định giãn cách xã hội, khách du lịch nước ngoài và Trung Quốc đại lục vẫn chưa được nhập cảnh, khiến những ngành này càng khó khăn hơn và đang phải yêu cầu chính quyền tiếp tục hỗ trợ.
Trong quý 3/2020, tỷ lệ thất nghiệp của Hong Kong là 6,4%, mức cao nhất trong 16 năm trở lại đây.
Hãng hàng không Cathay Pacific đã tiến hành sa thải nhân viên, mở đầu cho làn sóng sa thải nhân viên ở các công ty lớn. Cùng với việc kết thúc chương trình “Đảm bảo việc làm" vào cuối tháng trước, các công ty đã thông báo cắt giảm nhân viên, không loại trừ khả năng sẽ có thêm nhiều người mất việc trước thềm Năm mới.
Trước tình hình dịch bệnh, Chính quyền Hong Kong đã tung ra nhiều đợt cứu trợ, tiêu tốn tổng cộng khoảng 300 tỷ HKD (tương đương 38,7 tỷ USD) tiền dự trữ, tuy nhiên, nhà chức trách cho rằng việc thực hiện trợ cấp quy mô lớn cho các doanh nghiệp cũng không phải kế lâu dài, các doanh nghiệp Hong Kong cần phải tìm hướng đi mới trong dịch bệnh.
Một phố mua sắm ở Hong Kong. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Trong khi đó, mấy ngày gần đây, tình hình dịch bệnh tại Hong Kong tiếp tục nghiêm trọng, số ca mắc COVID-19 liên tiếp ghi nhận ở mức 3 chữ số, các ca lây nhiễm trong cộng đồng không rõ nguồn gốc xuất hiện khắp nơi.Chính quyền Hong Kong đã quyết định hủy hoạt động bắn pháo hoa mừng Năm mới vào ngày 31/12 tại Cảng Victoria, cũng như lễ diễu hành được tổ chức vào Tết Nguyên đán.
Rút kinh nghiệm trong 3 lần chống dịch COVID-19 trước đó, Chính quyền Hong Kong đối diện với làn sóng dịch thứ tư một cách bình tĩnh và nhấn mạnh “chống dịch chính xác.”
Hong Kong sẽ không phong tỏa thành phố hoặc tiến hành xét nghiệm bắt buộc đối với toàn bộ người dân, chỉ xét nghiệm bắt buộc đối với nhóm người cụ thể có khả năng lây nhiễm cao.
Hong Kong cũng đã thành lập 5 trung tâm xét nghiệm COVID-19 trong cộng đồng, mở lại bệnh viện dã chiến được đặt tại Trung tâm triển lãm AsiaWorld-Expo, gần sân bay Hong Kong, nhằm chữa trị các ca bệnh nhẹ, giảm bớt sự quá tải cho các bệnh viện công lập.
Nhà chức trách quy định tất cả những người đến Hong Kong đều phải cách ly 14 ngày tại khách sạn thay vì cách ly tại nhà như trước đây, đồng thời phải sử dụng các phương tiện giao thông được chỉ định để đến các khách sạn để cách ly và yêu cầu mọi người phải xét nghiệm lại vào ngày thứ 19 kể từ ngày đến Hong Kong.
Các chuyên gia y tế nhận định đợt dịch này phức tạp hơn khi Hong Kong cũng đang vào thời điểm dịch cúm mùa.
Ngoài các ca mắc COVID-19 được ghi nhận thời gian gần đây lan rộng ở 18 quận liên quan đến các nhóm khiêu vũ, siêu thị, bệnh viện, cũng có nhiều ca mắc không rõ nguồn gốc. Các ca mắc COVID-19 nặng cũng ngày càng trẻ hóa.
Các chuyên gia khuyến cáo dịch bệnh vẫn là mối đe dọa trong mùa Giáng sinh năm nay, nên người dân cần phải ở trong nhà, hạn chế tụ tập đông người, duy trì các quy định giãn cách xã hội.
Thay vì các bữa tiệc rộn ràng hay khu chợ Giáng sinh hoành tráng và sôi động, người dân nên ở nhà tận hưởng không khí Giáng sinh một cách ấm áp và vui vẻ để đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch.
Chính quyền Hong Kong hy vọng việc người dân tuân thủ các quy định chống dịch sẽ giúp thành phố này sớm vượt qua làn sóng lây nhiễm thứ tư./.
Theovietnamplus.vn