Giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán các dự án đầu tư theo hình thức BT
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 09:45, 15/12/2020
(BKTO) - Thời gian qua, KTNN đã đẩy mạnh kiểm toán các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) nói chung cũng như BT (xây dựng - chuyển giao) nói riêng, qua đó kiến nghị giảm chi phí đầu tư, giảm thời gian thu phí, điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách. Đóng góp vào kết quả chung này không thể không nói đến các cuộc kiểm toán dự án BT do KTNN khu vực I thực hiện. Từ thực tiễn đó, KTNN khu vực I đã đúc kết các giải pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng kiểm toán dự án BT.
KTNN đã đưa ra nhiều kiến nghị về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước đối với dự án BT. Ảnh tư liệu
Kết quả kiểm toán các dự án BT nhìn từ KTNN khu vực I
Những năm qua, KTNN khu vực I đã tăng cường kiểm toán việc đầu tư dự án theo hình thức hợp đồng BT trên địa bàn TP. Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam với những kết quả đáng ghi nhận: Quy mô, phạm vi kiểm toán ngày càng mở rộng, số lượng dự án BT được kiểm toán ngày càng tăng; phạm vi và nội dung kiểm toán ngày càng mở rộng. Giai đoạn 2014-2015, nội dung kiểm toán chủ yếu tập trung kiểm toán giá trị quyết toán, giá trị đầu tư thực hiện của dự án BT đơn lẻ. Đến giai đoạn 2018-2019, nội dung kiểm toán đã được mở rộng, kết hợp kiểm toán tổng hợp và kiểm toán chi tiết; chú trọng đi sâu đánh giá việc quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước và việc thực hiện các cam kết trong hợp đồng BT của nhà đầu tư, đặc biệt việc triển khai thực hiện các dự án khác (dự án đối ứng dự án BT).
Kết quả kiểm toán ngày càng tăng cả về giá trị xử lý tài chính và sự đa dạng của các phát hiện, kiến nghị. Nếu giai đoạn 2014-2016, KTNN khu vực I mới chỉ tập trung kiến nghị xử lý tài chính thì giai đoạn 2017-2020, ngoài kiến nghị xử lý tài chính với giá trị ngày càng lớn, KTNN khu vực I còn kiến nghị về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước đối với dự án BT. Đặc biệt, KTNN khu vực I đã phát hiện và kiến nghị về việc lợi dụng cơ chế thực hiện dự án BT để được giao đất dự án khác không qua đấu thầu quyền sử dụng đất, chưa có quy định trong Luật Đất đai 2013.
Công tác tổ chức kiểm toán, quy trình nghiệp vụ, kinh nghiệm kiểm toán ngày càng hoàn thiện: Quy trình kiểm toán có sự vận dụng hợp lý giữa quy trình kiểm toán dự án đầu tư thông thường với các nội dung có tính đặc thù của dự án BT, bên cạnh đó, còn có sự vận dụng hợp lý quy trình kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai đô thị đối với các dự án đối ứng - thanh toán dự án BT.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn kiểm toán các dự án BT của KTNN khu vực I cũng đặt ra một số vấn đề cần khắc phục. Số lượng các dự án BT đã kiểm toán còn hạn chế, chưa tương xứng với quy mô và số lượng các dự án BT triển khai trên địa bàn; hoạt động kiểm toán mới tập trung vào kiểm toán chi phí đầu tư. Các báo cáo kiểm toán đều giới hạn không kiểm định chất lượng công trình, chỉ đánh giá công tác quản lý chất lượng của chủ đầu tư trên cơ sở hồ sơ chủ đầu tư cung cấp kết hợp quan sát thực tế hiện trường (với các công trình đã hoàn thành); số lượng các công trình được kiểm tra hiện trường, quan sát chất lượng thực tế sử dụng còn thấp so với số lượng kiểm toán. Ngoài ra, các kiến nghị khác còn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số kiến nghị xử lý tài chính đối với dự án BT...
6 giải pháp nâng caochất lượng kiểm toán
Để nâng cao chất lượng kiểm toán các dự án đầu tư theo hình thức BT, KTNN cần chú trọng một số giải pháp:
Một là, tăng cường và đẩy mạnh kiểm toán các dự án BT theo hướng đưa các dự án này vào kế hoạch kiểm toán năm; kiểm toán 100% các dự án BT trên các địa bàn kiểm toán; kiểm toán toàn diện các dự án từ giai đoạn chuẩn bị đến khi kết thúc. Song song với việc thu thập các thông tin, tài liệu, đoàn khảo sát cần tiến hành phân tích, đánh giá các thông tin, tài liệu thu thập được một cách kỹ lưỡng và khoa học để xác định rủi ro, trọng yếu, từ đó đưa ra trọng tâm, nội dung, phạm vi và giới hạn của cuộc kiểm toán một cách đầy đủ và chính xác nhất.
Hai là, đổi mới, tổ chức kiểm toán tập trung theo chuyên đề, giảm thiểu kiểm toán lồng ghép; bố trí thời gian và địa điểm kiểm toán hợp lý, tăng cường thời gian kiểm toán tại các cơ quan quản lý nhà nước; tổ chức kiểm toán đảm bảo sự phối hợp giữa các tổ, giữa kiểm toán ở cơ quan tổng hợp và kiểm toán dự án chi tiết; thực hiện kiểm toán theo phương pháp tiếp cận trọng yếu, rủi ro; tăng cường công tác kiểm tra hiện trường, kiểm định chất lượng công trình và dự án BT.
Ba là, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, quy chế về kiểm soát chất lượng kiểm toán; ban hành hướng dẫn, cẩm nang theo lĩnh vực kiểm toán, kiểm soát chất lượng kiểm toán các dự án BT; tăng cường chỉ đạo của lãnh đạo KTNN, kiểm toán trưởng và các vụ chức năng; tăng cường giáo dục đạo đức nghề nghiệp, năng lực chuyên môn; áp dụng công nghệ thông tin.
Bốn là, KTNN đã ban hành Đề cương kiểm toán các dự án BT từ năm 2019. Tuy nhiên, một số nội dung quan trọng, có tính đặc thù của dự án BT cần được cụ thể, chi tiết và rõ ràng hơn. Do vậy, KTNN cần phát triển Đề cương thành Quy trình và Sổ tay hướng dẫn kiểm toán và phổ biến để áp dụng rộng rãi trong toàn Ngành.
Năm là, đẩy mạnh tuyên truyền để tăng cường nhận thức về vai trò của KTNN trong kiểm toán các dự án BT.
Sáu là, lựa chọn các kiểm toán viên có chuyên môn và thường xuyên kiểm toán về lĩnh vực đầu tư để đào tạo. Chương trình đào tạo cần xây dựng kỹ lưỡng, chuyên sâu, mang tính cầm tay chỉ việc. Việc đào tạo, tập huấn nên thực hiện hằng năm, trước mỗi cuộc kiểm toán; sau mỗi cuộc kiểm toán cần tổng kết rút kinh nghiệm...
HỒNG ANH (thực hiện)
(Bài lược ghi từ tài liệu của Kiểm toán viên HÀ XUÂN TRỌNG và ĐỖ DUY TÂN - KTNN khu vực I)