Tháo gỡ rào cản, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Kinh tế - Ngày đăng : 10:15, 15/12/2020

(BKTO) - Giai đoạn 2016-2020, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) về cơ bản đã có những bước tiến cả về chất và lượng, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các chủ thể tham gia và cả nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện quốc gia. Tuy vậy, hoạt động này vẫn đang đứng trước nhiều thách thức…



Hoạt động TTKDTM cần phải có chế tài rõ ràng. Ảnh minh họa

Hành lang pháp lý, cơ sở hạ tầng thanh toán… vẫn còn những khoảng trống

TTKDTM giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển Chính phủ điện tử và nền kinh tế số. Chính vì vậy, Quyết định số 2545/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án Phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 đặt mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 10%. Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến tháng 8/2020, tỷ lệ này vẫn ở mức khá cao là 11,35%. “Con số đó cũng đồng nghĩa với việc có khoảng 1,2 triệu tỷ đồng tiền mặt đang được lưu hành trong nền kinh tế, gây tốn kém và lãng phí về chi phí in ấn, bảo quản, vận chuyển và mất đi nguồn vốn giá rẻ trong hệ thống ngân hàng...” - nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, NHNN Phạm Xuân Hòe nhận định.

Mặt khác, thống kê của Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG) năm 2019 cho biết, gần 40% số dân Việt Nam có tài khoản ngân hàng nhưng vẫn còn 80% chi tiêu hằng ngày sử dụng tiền mặt, 98% sử dụng tiền mặt khi thanh toán các mặt hàng dưới 100.000 đồng và gần 85% giao dịch tại ATM là giao dịch rút tiền. Con số này phản ánh thói quen, tâm lý thích sử dụng tiền mặt của người dân vẫn còn khá phổ biến.

Một thách thức lớn được ông Hoàng Văn Cao - NHNN chi nhánh tỉnh Cao Bằng - chỉ ra là các quy định về TTKDTM còn chưa theo kịp sự phát triển của thị trường, đặc biệt là đối với những công nghệ mới như: tiền điện tử, QR code, sinh trắc học… Điều này có thể dẫn tới những rủi ro, mâu thuẫn đối với cả trung gian thanh toán và khách hàng trong sử dụng các phương thức TTKDTM. Đồng quan điểm, ông Phạm Xuân Hòe dẫn chứng, khoảng trống pháp lý về lĩnh vực này chính là việc nhiều khoản thanh toán lớn trong nền kinh tế như: mua nhà, đất, ô tô, xe máy… vẫn chưa bắt buộc phải thanh toán chuyển khoản. Cũng từ góc nhìn pháp lý, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong Nguyễn Hưng nêu thực tế: Hiện tại, nhiều đề án, dịch vụ hiện đại của các DN, đơn cử như dịch vụ cho vay ngang hàng (P2P lending) đang phải chờ đợi khung pháp lý thử nghiệm để tránh hoạt động “ngoài vòng pháp luật”.

Bên cạnh đó, ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN - nhận định: Việc phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán cũng còn một số hạn chế, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Các giao dịch thanh toán xuyên biên giới, hợp tác thanh toán giữa các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán Việt Nam với các tổ chức trung gian thanh toán tại nước ngoài đòi hỏi phải có sự phối hợp quản lý của nhiều Bộ, ngành. Đặc biệt, tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao, thanh toán điện tử gần đây có những diễn biến phức tạp với những hành vi, thủ đoạn mới, tinh vi hơn, ảnh hưởng đến việc đảm bảo an toàn giao dịch điện tử…

Nhiều rào cản cần tháo gỡ

Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đã đặt mục tiêu phấn đấu tới năm 2025, số lượng giao dịch TTKDTM đạt tốc độ tăng 20 - 25%/năm. Để giải quyết các thách thức trên và hoàn thành mục tiêu này, theo các chuyên gia, trước hết, NHNN cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều khoản liên quan đến hoạt động thanh toán tại Luật NHNN, Luật Các tổ chức tín dụng hoặc xây dựng luật riêng về thanh toán, đáp ứng yêu cầu quản lý đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, khuyến khích TTKDTM.

Theo ông Phạm Xuân Hòe, hoạt động TTKDTM phải có chế tài rõ ràng. Ví dụ, trong vai trò quản lý các sàn giao dịch điện tử, Bộ Công Thương cần quy định bất kể sàn thương mại điện tử nào cũng phải gắn kết được một hoặc nhiều tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Tỷ lệ doanh thu từ thanh toán chuyển khoản đạt tối thiểu 80% sau 3 năm, nếu không, sàn giao dịch đó sẽ bị thu hồi giấy phép hoạt động. Các siêu thị, nhà hàng, cửa hàng bán lẻ… phải ứng dụng các biện pháp TTKDTM qua QR code hoặc POS. Bên cạnh những biện pháp bắt buộc, Nhà nước phải có các chính sách ưu đãi về thuế, phí nhằm khuyến khích người bán hàng và người tiêu dùng sử dụng TTKDTM.

Cùng với đó, ông Phạm Xuân Hòe và nhiều chuyên gia khác cho rằng, bảo mật thông tin của khách hàng trong mọi giao dịch thanh toán là trách nhiệm của hệ thống ngân hàng và hệ thống thanh toán trong nền kinh tế. Vì vậy, các ngân hàng và công ty Fintech cần diễn tập thường xuyên kịch bản phòng, chống hacker và không ngừng nâng cấp hệ thống phần mềm về an ninh bảo mật.

Để thúc đẩy TTKDTM trong thời gian tới, ông Phạm Tiến Dũng đề xuất cơ quan quản lý cần chỉ đạo tập trung phát triển các hệ thống thanh toán của NHNN, hệ thống bù trừ điện tử tự động cho các giao dịch thanh toán bán lẻ (ACH), hệ thống chuyển mạch; tăng cường tích hợp, kết nối hạ tầng, ứng dụng của ngành ngân hàng với các ngành, lĩnh vực, dịch vụ khác để mở rộng hệ sinh thái số. Đồng thời, tiếp tục ứng dụng thành tựu Cách mạng công nghiệp 4.0 trong hoạt động thanh toán, triển khai mở rộng các dịch vụ, hình thức thanh toán mới, hiện đại.

Nhìn nhận thói quen người tiêu dùng vẫn là rào cản lớn trong việc phát triển TTKDTM ở Việt Nam, ông Nguyễn Hưng kiến nghị: Chính phủ cùng các Bộ, ngành và DN cần đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức của toàn dân về thay đổi hành vi, cách thức thanh toán tiêu dùng, qua đó, tăng cường khả năng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho người dân, khuyến khích sử dụng các phương thức TTKDTM.
         
Theo NHNN, đến nay, Việt Nam đã có 78 tổ chức triển khai thanh toán qua internet, 49 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua di động và 34 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. 9 tháng của năm 2020, giá trị và số lượng TTKDTM đều tăng trưởng tương ứng 75,2% và 30,4% so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt, số lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng mạnh, tương ứng 125% và 135% so với cùng kỳ năm trước.

THÀNH ĐỨC