Tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới vùng đặc biệt khó khăn
Xã hội - Ngày đăng : 11:05, 15/12/2020
(BKTO) - Giai đoạn 2016-2020, với sự quan tâm chỉ đạo và ưu tiên nguồn lực hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, đời sống sinh hoạt và sản xuất của vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK) đã có nhiều khởi sắc. Song, để bộ mặt nông thôn đổi thay rõ nét hơn, có thêm nhiều hộ dân thoát đói nghèo, công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) ở vùng ĐBKK vẫn còn nhiều “nút thắt” cần tháo gỡ.
Công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) ở vùng ĐBKK vẫn còn nhiều “nút thắt” cần tháo gỡ. Ảnh minh họa
Gần 800.000 tỷ đồng xây dựngnông thôn mới vùng đặc biệtkhó khăn
Trong giai đoạn 2016-2020, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để tập trung ưu tiên, hỗ trợ các địa phương vùng ĐBKK phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có xây dựng NTM. Từ những cơ chế, chính sách đặc thù, tổng nguồn lực huy động đầu tư xây dựng NTM trên địa bàn ĐBKK giai đoạn 2016-2020 hơn 791.909 tỷ đồng (bằng 38,1% của cả nước). Nhờ vậy, đến nay, cả nước có 8/64 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng ĐBKK; dự kiến đến cuối năm 2020, khoảng 32 huyện (50%) thoát khỏi huyện nghèo. Cùng với đó, sau 2 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trên địa bàn các tỉnh thuộc vùng ĐBKK đã chuẩn hoá khoảng 1.061 sản phẩm OCOP (chiếm 50,8% của cả nước). Những kết quả nêu trên đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giai đoạn 2016-2020 bình quân 1,55%/năm; các xã ĐBKK vùng dân tộc thiểu số và miền núi giảm bình quân khoảng 4%/năm…
Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu đã đạt được, xây dựng NTM tại vùng ĐBKK vẫn còn nhiều khó khăn. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, kết quả và tiến độ các tiêu chí đạt chuẩn NTM ở các địa phương vùng ĐBKK chênh lệch khá lớn so với vùng miền khác của cả nước. Còn diễn ra tình trạng di dân tự do, thiếu đất ở, thiếu điện, nước sinh hoạt. Bên cạnh đó, việc phát triển hợp tác xã (HTX) làm cầu nối, kết nối cung - cầu còn hạn chế, chương trình OCOP còn chưa được phổ biến tại một số địa bàn vùng sâu, vùng xa. Theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo, phát triển kinh tế tập thể, HTX tại vùng ĐBKK có những đặc thù, như: địa bàn rộng, cơ sở hạ tầng, giao thông khó khăn... Hơn nữa, trình độ, năng lực quản trị HTX còn yếu, chưa huy động tối đa nguồn lực tài chính từ địa phương, công tác tuyên truyền chưa hiệu quả nên việc phát triển HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị còn gặp nhiều rào cản.
Ưu tiên phân bổ vốn ngân sáchtrung ương
Nhằm giải quyết những khó khăn và tạo sinh kế bền vững cho các HTX khu vực ĐBKK, Liên minh HTX Việt Nam đề xuất, Nhà nước cần ban hành chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế hợp tác, HTX dành riêng cho vùng ĐBKK giai đoạn 2021-2025; ban hành các chính sách hỗ trợ đặc thù cho các HTX, Liên hiệp HTX vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (chính sách thành lập mới, đầu tư, tín dụng...). Đồng thời, cơ quan này sẽ phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ áp dụng công nghệ cao, thu hút DN đầu tư chế biến, tiêu thụ sản phẩm của địa phương; xúc tiến thương mại, liên kết tiêu thụ sản phẩm cho các tỉnh vùng ĐBKK; hỗ trợ đầu tư xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử để các HTX, DN, hộ gia đình có điều kiện tốt nhất tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế.
Trong khi đó, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa cho biết, hiện Bắc Kạn có hơn 200 HTX, đã xây dựng được 130 sản phẩm OCOP và có nhiều sản phẩm đã vào thị trường quốc tế là Cộng hòa Séc, Nhật… Bắc Kạn xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó có 2 sản phẩm là gỗ và dược liệu, tuy nhiên, cây dược liệu đã có quy định về phát triển nhưng chưa rõ ràng. Vì vậy, Bộ Y tế cần có quy định cụ thể để các tỉnh có rừng phát triển nguồn dược liệu tốt hơn, người dân phát triển kinh tế và nâng cao đời sống từ trồng dược liệu…
Để tiếp tục thúc đẩy xây dựng NTM ở vùng ĐBKK trong giai đoạn 2021-2015, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy đề nghị, Chính phủ cũng như các Bộ, ngành cần nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung bộ tiêu chí xã NTM, huyện NTM đối với các địa bàn vùng cao, vùng ĐBKK cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương. Đối với các tỉnh khu vực Tây Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, nơi tập trung diện tích rừng đầu nguồn và các con sông, suối lớn, là điều kiện tiên quyết trong việc giữ gìn, bảo vệ và phát triển môi trường sinh thái đầu nguồn nên cần có chính sách đặc thù cho những vùng ĐBKK trong việc bảo vệ rừng. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương và chỉ đạo các Bộ, ngành hỗ trợ, tạo điều kiện xây dựng Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế lâm nghiệp của các địa phương trong vùng.
Định hướng thực hiện xây dựng NTM đối với vùng ĐBKK, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là vai trò lãnh đạo đứng đầu. Tạo môi trường để thu hút các nhà đầu tư vào khu vực ĐBKK, trong đó tiếp tục tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách để hỗ trợ DN, hạ tầng và nhân lực. Đồng thời, các địa phương cần nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp ở những vùng ĐBKK, đây là vấn đề hết sức cần thiết để phát triển ngành nghề và các sản phẩm OCOP. Đặc biệt, cần xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể, hoàn thành các mục tiêu phấn đấu xây dựng NTM trên địa bàn; ưu tiên, tập trung tối đa nguồn vốn ngân sách T.Ư được giao và các nguồn vốn huy động ngoài ngân sách đầu tư cho các xã, thôn ĐBKK để hoàn thành xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.
LÊ HÒA