Biến thương hiệu doanh nghiệp thành tài sản hữu hình
Đầu tư - Ngày đăng : 11:15, 27/04/2017
(BKTO) - Làm sao có thể biến tài sản vô hình - thương hiệu của DN - thành tài sản hữu hình có giá trị chính là nội dung trọng tâm của Tọa đàm “Sở hữu trí tuệ - Nâng cao vị thế và giá trị doanh nghiệp” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam (VIPA) tổ chức tại Hà Nội, ngày 25/4.
Vinamilk được nhiều chuyên gia đánh giá là một thương hiệu mạnh, đủ khả năng cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài Ảnh: TK
DN cần khẳng địnhquyền sở hữu trí tuệ
Câu hỏi trên đã được bà Phạm Thị Thu Hằng - Tổng Thư ký VCCI - đặt ra với đại diện cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia cũng như đông đảo DN có mặt tại Tọa đàm. Theo bà Hằng, trong nền kinh tế tri thức, giá trị của DN phụ thuộc rất nhiều vào tài sản trí tuệ, việc xây dựng thương hiệu và khẳng định quyền sở hữu trí tuệ với thương hiệu đó chính là những bước khởi đầu để đưa DN lên vị thế mới.
Ông Mai Hà - Chủ tịch VIPA - nêu quan điểm, tài sản vô hình có giá trị kinh doanh lớn hơn nhiều so với tài sản hữu hình nếu DN phát triển kinh doanh thành công, nên mỗi DN cần phải quan tâm thích đáng đến việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cho thương hiệu của DN mình. Ông Nguyễn Linh - Giám đốc Chiến lược thương hiệu Soyon - cho biết: Hiện nay, giá trị thương hiệu của Apple hay Google đều được định giá tới 150 tỷ USD, thương hiệu Nike được định giá 15 tỷ USD… Tại Việt Nam, Vinamilk cũng được đánh giá là một thương hiệu lớn, có thể cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài.
Từ góc nhìn của cơ quan quản lý nhà nước, ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ - nhấn mạnh rằng, việc bảo hộ và cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ cho thương hiệu của DN chính là bảo vệ năng lực cạnh tranh cho DN. Để giúp các DN nhận thức rõ hơn về vấn đề này, năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ thực hiện tôn vinh những DN tiêu biểu trong đổi mới sáng tạo, qua đó vừa góp phần bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho DN, vừa tuyên truyền cho DN về cách thức sử dụng hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ.
Bên cạnh tài sản riêng là thương hiệu của DN, thời gian qua, các cơ quan chức năng cũng đã chú trọng đến việc duy trì và phát triển những tài sản sở hữu trí tuệ chung cho những “đặc sản” của các vùng, miền trên cả nước thông qua bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đã có rất nhiều sản phẩm danh tiếng, chất lượng, mang đặc tính riêng do điều kiện tự nhiên của khu vực, địa phương mang lại như: thanh long Bình Thuận, vải thiều Thanh Hà, xoài cát Hòa Lộc, cam Cao Phong, chè Tân Cương… được bảo hộ chỉ dẫn địa lý; các DN tham gia sản xuất, kinh doanh sản phẩm đều được xác nhận về nguồn gốc sản phẩm, được pháp luật bảo vệ, giúp tăng doanh số và lợi nhuận cũng như tăng khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, đại diện của Cục Sở hữu trí tuệ khuyến nghị, DN muốn thành công hơn thì cần phải tạo lập và duy trì tên gọi, hình ảnh hoặc danh tiếng thương hiệu thực sự khác biệt với những nhà sản xuất khác.
Tầm nhìn chiến lượclà nền tảng quan trọng
Phân tích về cấu trúc giá trị DN năm 2016 tại một số quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, ông Phan Phương Linh - Phó Giám đốc Công ty TNHH PricewaterhouseCoopers (PwC) Việt Nam - nhận định: Việt Nam hiện vẫn chưa đánh giá cao tầm quan trọng của tài sản vô hình nói chung và thương hiệu nói riêng. Trong khi tỷ trọng trung bình của giá trị tài sản vô hình trong tổng giá trị DN trên thế giới năm 2016 là 53% thì tỷ trọng trung bình của giá trị tài sản vô hình trong tổng giá trị DN tại Việt Nam chỉ là 26%.
Đồng thời, những lời cảnh báo với DN mang ý nghĩa “không để mất bò mới lo làm chuồng” cũng được các chuyên gia nhấn mạnh tại Tọa đàm. Theo đó, DN cần rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc từ những thương hiệu của Việt Nam do không đăng ký sở hữu trí tuệ trên thị trường thế giới hoặc một số khu vực thị trường nên đã bị “mất” thương hiệu hoặc phải kiện ra tòa mới đòi lại được thương hiệu…
Đúc rút từ thực tiễn, ông Nguyễn Linh nhấn mạnh, hệ thống nhận diện của những thương hiệu xuất chúng trên thế giới luôn được thiết kế một cách khoa học, đầy đủ và hài hòa các yếu tố: logo, tên thương hiệu, câu định vị thương hiệu (slogan), phông chữ, màu sắc, hoa văn, ngôn từ và cảm nhận của các giác quan. Trong khi đó, rất nhiều DN Việt Nam vẫn chưa chú trọng đến toàn bộ các yếu tố này. Một lời khuyên hữu ích được ông Nguyễn Linh đưa ra là mỗi DN cần phải có một tầm nhìn chiến lược để 10 năm sau không phải đổi tên. Slogan được lựa chọn phải được xuất phát từ khách hàng, làm sao để khách hàng thấy rõ họ được gì từ DN. Quan trọng hơn nữa là DN nói được và phải làm được, biến slogan thành hành động vì lợi ích của khách hàng.
Quan điểm này cũng được đại diện của PwC nêu rõ: Thương hiệu là lời hứa mà DN thực hiện với khách hàng về sự khác biệt của DN, là những kỳ vọng mà khách hàng có thể trông đợi ở DN và là lời nhắc nhở về những giá trị mà DN tạo ra cho khách hàng và cộng đồng.
Do đó, các chuyên gia cho rằng, quan trọng hơn cả là DN phải xây dựng được một tầm nhìn chiến lược với các mục tiêu được hoạch định rõ ràng, cụ thể và có sự khác biệt; khi triển khai cần bám sát chiến lược và luôn hướng đến khách hàng.
HỒNG THOAN