Thu phí tự động không dừng vẫn còn vướng mắc
Kinh tế - Ngày đăng : 11:10, 15/12/2020
(BKTO) - Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các trạm thu phí BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) phải triển khai thu phí tự động không dừng (ETC) theo đúng kế hoạch, bảo đảm đến ngày 31/12/2020 đưa vào hoạt động đồng bộ trên cả nước. Tuy nhiên đến nay, vẫn còn một số trạm BOT được xác định không thể hoàn thành đúng tiến độ do các yếu tố đặc thù. Ngoài ra, việc dán thẻ để sử dụng dịch vụ ETC (thẻ E-tag) trên phương tiện ô tô vẫn còn thấp so với kỳ vọng ban đầu.
Việc dán thẻ E-tag trên phương tiện ô tô vẫn còn thấp so với kỳ vọng ban đầu. Ảnh minh họa
Nhiều trạm BOTkhông hoàn thành tiến độ
Dự án ETC tại các trạm thu phí BOT được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 có tổng số 44 trạm, giai đoạn 2 gồm 33 trạm. Đến nay, 40/44 trạm của giai đoạn 1 đã cơ bản vận hành thương mại ở hai làn mỗi chiều xe chạy, bước đầu tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia giao thông và tăng minh bạch trong thu phí. 4 trạm còn lại chưa triển khai thuộc các dự án cao tốc do Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang quản lý. Lý giải nguyên nhân, đại diện Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, do những vướng mắc về nguồn vốn triển khai. Trong đó, việc chuyển VEC về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN khiến việc lắp đặt hệ thống ETC bị chậm và không thể hoàn thành trong năm 2020. Tại Quyết định số 19/2020/QÐ-TTg ngày 17/6/2020 về đẩy mạnh thực hiện hệ thống ETC, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: “Các trạm do VEC quản lý, tiến độ hoàn thành do Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN xem xét, quyết định phù hợp điều kiện nguồn vốn của dự án”. Hiện nay, VEC đang xây dựng giải pháp và báo cáo cấp có thẩm quyền để có căn cứ thực hiện.
Đối với giai đoạn 2, Bộ GTVT đã kiến nghị không thực hiện hoặc lùi thời gian thực hiện lắp đặt hệ thống ETC tại 8/33 trạm, gồm: 2 trạm thu phí có doanh thu quá thấp; 3 trạm chưa được thu phí đang trình Chính phủ phương án bố trí vốn ngân sách hoàn trả cho nhà đầu tư; 3 trạm có thời gian thu phí còn lại dưới 3 năm. “Ngoài 3 trạm thời gian thu phí quá ngắn, 5 dự án còn lại có phương án tài chính rất xấu, ảnh hưởng lớn tới các nhà đầu tư và tổ chức tín dụng. Hơn nữa, các trạm này có lưu lượng giao thông không đáng kể, ít tác động đến kết quả chung của hệ thống ETC trên toàn quốc” - đại diện Bộ GTVT cho biết. Theo đánh giá của Bộ GTVT, đến thời điểm này, 25 trạm đủ điều kiện sẽ hoàn tất việc lắp đặt thiết bị để triển khai thu phí ETC trước ngày 31/12/2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng. Đến nay, cơ bản toàn bộ trạm thu phí trên toàn quốc đã và đang lắp đặt, vận hành hệ thống ETC.
Số phương tiện dán thẻđể sử dụng dịch vụ còn thấp
Ðể phát huy hiệu quả đầu tư hệ thống ETC, tạo thuận lợi cho người sử dụng, dự án giai đoạn 1 đã hoàn thành kết nối liên thông tài khoản giao thông với tài khoản cá nhân tại Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), hiện đang mở rộng dịch vụ sang các ngân hàng khác. Ðối với giai đoạn 2, Viettel đang thực hiện liên thông tài khoản ngân hàng thông qua việc sử dụng ví điện tử Viettelpay, dự kiến đưa dịch vụ vào khai thác trước ngày 31/12 tới. Về dán thẻ E-tag, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã có văn bản kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương quán triệt đơn vị, cá nhân thuộc tổ chức mình quản lý trong việc dán thẻ, tham gia dịch vụ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, việc dán thẻ E-tag trên phương tiện ô tô vẫn còn thấp so với kỳ vọng ban đầu.
Ông Hồ Trọng Vinh - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thu phí tự động VETC (nhà cung cấp dịch vụ giai đoạn 1 dự án) - cho biết, cả nước hiện có khoảng gần 1/3,8 triệu ô tô (chiếm khoảng 25% phương tiện) đã dán thẻ E-tag. Tuy nhiên, nhiều chủ xe dán thẻ nhưng không sử dụng, tỷ lệ nạp tiền sử dụng dịch vụ ETC mới chỉ đạt khoảng 40% trong tổng số gần 1 triệu xe ô tô đã dán thẻ. Nguyên nhân là do công tác truyền thông chưa hiệu quả, khách hàng chưa quan tâm, chưa thấy được lợi ích của dịch vụ ETC. “Hiện VETC đã cử người đi đến tận các Bộ, ngành để dán thẻ; đồng thời ký hợp đồng với các trung tâm đăng kiểm, thậm chí đến tận các tòa nhà chung cư để dán thẻ nhưng không hiệu quả” - ông Vinh cho biết.
Trước thực trạng đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cho biết, tới đây, những xe đã dán thẻ nhưng không đủ tiền trong tài khoản khi qua trạm, sẽ có cơ chế báo cho chủ phương tiện, cơ quan chức năng để truy thu khi đi đăng kiểm, đồng thời sẽ nghiên cứu chế tài xử phạt, đặc biệt là phạt lỗi đi sai làn đối với xe không dán thẻ khi đi vào làn ETC. “Trong tháng 12 này, Tổng cục sẽ phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông xử phạt xe không dán thẻ đi vào làn ETC theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP với mức phạt từ 1 - 2 triệu đồng, tước Giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng cho lỗi đi sai làn. Bên cạnh đó, sẽ tiến tới phạt “nguội”, thông báo cho chủ phương tiện và sẽ truy thu, xử phạt khi xe ô tô đi đăng kiểm. Ngoài ra, những xe không dán thẻ khi lưu thông qua trạm sẽ phải chờ, kể cả trạm ùn tắc cũng không xả trạm để khuyến khích chủ phương tiện nạp tiền, sử dụng dịch vụ, nâng cao hiệu quả dịch vụ ETC” - ông Huyện thông tin.
LÊ HÒA