Tăng cường kiểm toán hoạt động để đánh giá hiệu quả của các dự án đầu tư

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 18:25, 15/12/2020

(BKTO) - Đây là một trong những yêu cầu của Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021 và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở năm 2020 của KTNN chuyên ngành V, tổ chức ngày 15/12. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc KTNN cùng toàn thể công chức, người lao động của đơn vị.


                
   

Bà Hoàng Thị Vinh Thúy - Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành V trình bày báo cáo tổng kết công tác năm 2020

   

Báo cáo tổng kết công tác năm 2020 và chương trình công tác năm 2021, bà Hoàng Thị Vinh Thúy - Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành V - cho biết: Tính đến ngày 30/11/2020, KTNN chuyên ngành V đã hoàn thành 18/18 cuộc kiểm toán và phát hành 13/18 báo cáo kiểm toán. Đồng thời, đơn vị đã cơ bản hoàn thành kế hoạch kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán năm với 7/8 cuộc kiểm tra trực tiếp và 3/3 cuộc kiểm tra lồng ghép với đoàn kiểm toán; phát hành 9/10 báo cáo kiểm tra theo quy định và ban hành nhiều công văn đôn đốc thực hiện của các năm trước.

Nhìn chung, các cuộc kiểm toán được thực hiện đảm bảo tuân thủ các quy trình, chuẩn mực và hệ thống mẫu biểu hồ sơ của KTNN; 100% các cuộc kiểm toán dự án đầu tư và kiểm toán báo cáo tài chính được triển khai theo hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu. Các kết quả kiểm toán được phản ánh đầy đủ, trung thực và đảm bảo thu thập đầy đủ các bằng chứng kiểm toán và lưu trữ theo quy định.                
   

Quang cảnh Hội nghị

   

Phát huy kết quả đạt được, năm 2021, KTNN chuyên ngành V sẽ triển khai thực hiện tốt 18 cuộc kiểm toán; tổ chức 10 đoàn kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán; phát hành công văn đôn đốc các đơn vị chưa thực hiện và thực hiện chưa đầy đủ các kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2020 và các năm trước.

Trong năm 2021, đơn vị cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng các phần mềm vào hoạt động kiểm toán cũng như các hoạt động khác của đơn vị; khai thác có hiệu quả các phần mềm hỗ trợ hiện hành như: Phần mềm Nhật ký kiểm toán, Tổng hợp kết quả kiểm toán, thực hiện kiến nghị kiểm toán; đảm bảo việc triển khai áp dụng công nghệ thông tin tại 100% các cuộc kiểm toán dự án đầu tư, kiểm toán chuyên đề...
                
   

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

   

Ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được trong năm 2020, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành nhấn mạnh: KTNN chuyên ngành V là đơn vị có đặc thù riêng, đối tượng kiểm toán đa dạng trên khắp vùng miền cả nước và liên tục thay đổi theo từng năm, từng cuộc kiểm toán. Vì vậy, đơn vị gặp không ít khó khăn từ phương pháp tiếp cận, lập kế hoạch, thực hiện kiểm toán đến nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cho mỗi cuộc kiểm toán. Bên cạnh đó, với đặc thù kiểm toán các công trình, dự án đầu tư nên đầu mối liên kết và phối hợp với các đơn vị được kiểm toán không mang tính liên tục, dễ gặp rủi ro. Tuy nhiên, thời gian qua, tập thể KTNN chuyên ngành V đã luôn đoàn kết, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Tổng Kiểm toán Nhà nước giao. Đặc biệt, đơn vị đã làm rất tốt việc kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của thủ trưởng đơn vị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và đóng góp ý kiến về công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo KTNN; công tác phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Ngành. Đây là hoạt động rất cần được phát huy trong thời gian tới.

Đối với chương trình công tác năm 2021, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước yêu cầu: Lãnh đạo KTNN chuyên ngành V cần quan tâm, tạo điều kiện và lên kế hoạch chi tiết về công tác đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ kiểm toán viên của đơn vị; phối hợp với các đơn vị trong Ngành trong việc phân công nhiệm vụ, lập kế hoạch và xác định đầu mối kiểm toán; tập trung rà soát và tổ chức thực hiện các cuộc kiểm tra việc thực hiện kiến nghị kiểm toán. Để nâng cao hơn nữa chất lượng kiểm toán, các đoàn kiểm toán cần tập trung đánh giá tính tuân thủ, quy trình tổ chức thực hiện dự án và đi sâu vào làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan; nâng cao chất lượng kiểm toán hoạt động, đánh giá tính hiệu quả của dự án với các bằng chứng cụ thể; áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán.../.

Tin và ảnh: THÙY LÊ