Cần sự đồng thuận trước khi lắp đặt trạm thu phí BOT
Đầu tư - Ngày đăng : 11:15, 27/04/2017
(BKTO) - Gần đây, người dân địa phương tại một số trạm thu phí BOT giao thông (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) đã có những phản ứng quyết liệt, gây ảnh hưởng không nhỏ đến an toàn giao thông, trật tự xã hội cũng như lợi ích và uy tín của DN. Các đơn vị quản lý nhà nước, DN và chính quyền địa phương đang tập trung giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, việc nhận diện và giải quyết sự việc còn lúng túng khiến người dân vẫn chưa hết băn khoăn, bức xúc.
Người dân bức xúc khi phải đóng phí cho các công trình giao thông mà họ không sử dụng Ảnh: TS
Người dân bức xúc,nhà đầu tư “kêu oan”
Nguyên nhân khiến nhiều người dân phản đối là bởi nhiều trạm thu phí BOT giao thông đặt nhầm chỗ. Có dự án BOT giao thông xây dựng chỗ này nhưng trạm thu phí lại được đặt ở chỗ khác dẫn đến tình trạng người dân không đi hoặc đi rất ít đường BOT nhưng lại phải đóng phí. Điển hình như việc đặt trạm thu phí Cầu Rác trên Quốc lộ 1A đoạn qua xã Cẩm Trung và Cẩm Minh (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) là để hoàn vốn cho tuyến đường tránh TP. Hà Tĩnh cách đó mấy chục cây số; trạm thu phí BOT Bến Thủy I và Bến Thủy II được lập ra để thu phí hoàn vốn cho Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1, đoạn từ phía Nam cầu Bến Thủy đến tuyến tránh TP. Hà Tĩnh và “thu hộ” cho 4 dự án BOT khác nằm trên địa bàn tỉnh Nghệ An hay trạm BOT trên Quốc lộ 32 thu phí cho Dự án đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn tỉnh Phú Thọ…
Trước thực trạng trên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Tasco Phạm Quang Dũng trần tình, về mặt pháp lý, lúc đăng ký dự án, nhà đầu tư báo cáo lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được Chính phủ, địa phương đồng ý. Vì thế, việc cơ quan nhà nước can thiệp vào hợp đồng của nhà đầu tư là chưa đúng. Nếu giải quyết tình trạng hiện nay không thấu tình đạt lý thì hậu quả rất lớn. “Việt Nam đang vay vốn để đầu tư BOT, nhưng không thu phí lấy tiền đâu trả nợ? Do đó, cần phải có chế tài và chính sách phù hợp, chẳng hạn như quy định bán kính cụ thể được miễn và giảm phí cho dân, mức giảm bao nhiêu và Nhà nước phải có chính sách bù đắp cho nhà đầu tư”- ông Dũng kiến nghị.
Chủ tịch Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) Nguyễn Tuấn Huỳnh cũng phân trần, với trạm thu phí BOT Bến Thủy 1 (Nghệ An), DN phải đầu tư lớn nên việc tăng giá là điều tất yếu. Nếu giảm giá vé, kéo dài thời gian thu phí thì DN thiệt hại và đối diện với nhiều rủi ro vì không kịp trả lãi ngân hàng, thời gian bảo trì tăng, tổng chi phí của dự án BOT tăng lên... Do đó, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách rõ ràng và những giải pháp để đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư và ngân hàng tài trợ vốn.
Quy trình lắp đặt trạm thu phí BOT chưa phù hợp
Mặc dù các nhà đầu tư đưa ra mọi lý do để biện minh cho việc tồn tại những trạm thu phí BOT bất hợp lý nhưng trên thực tế, ngay khi lập dự án cũng như ký kết hợp đồng, nhiều dự án đều không có bất cứ ý kiến nào của người dân địa phương.
Từ thực tế tham gia Đoàn giám sát của Quốc hội đối với các dự án BOT phía Nam, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho rằng, tình trạng người dân tập trung phản đối các trạm BOT thời gian qua cho thấy sự hạn chế, bất cập trong việc đặt trạm thu phí. Cơ quan quản lý nhà nước, nhà đầu tư đều khẳng định việc đầu tư dự án, thiết lập vị trí đặt trạm là đúng quy trình, nhưng rõ ràng quy trình đó có vấn đề. Theo ông Thanh, người dân sống quanh trạm BOT, hằng ngày đi qua nhiều lần, mỗi lần qua lại thu phí thì không thể chấp nhận được. Nếu nhà đầu tư giải thích rõ cho dân, lấy ý kiến đầy đủ, đa chiều và được đồng thuận trước khi lắp đặt trạm thu phí thì sẽ không có những phản ứng tiêu cực.
Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho rằng, lợi ích của BOT vô cùng to lớn nhưng việc đặt trạm thu phí gần các khu dân cư là không phù hợp. “Khi triển khai, nhà đầu tư không giải thích những lợi ích cho người dân dẫn đến bức xúc. Nếu cho bà con đề xuất ý kiến thì sự việc đã khác. Do đó, những bất cập ở trạm thu phí bắt nguồn từ chính DN. Không phải vì DN làm sai pháp luật mà vì DN làm chưa kín kẽ” - ông Nhưỡng đánh giá.
Còn theo Vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (Bộ GTVT) Nguyễn Danh Huy, việc di dời trạm thu phí hiện nay rất khó khăn, do chi phí tốn kém, hơn nữa vị trí đặt trạm đã được tính toán kỹ, di dời về hướng nào cũng vướng mắc. Về lâu dài, để giải quyết tình trạng bức xúc tại trạm thu phí hiện nay, Bộ GTVT sẽ cùng các Bộ, ngành liên quan, nhà đầu tư và ngân hàng xây dựng một chính sách chung cho các dự án BOT đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
LÊ HÒA