Đánh giá sự hài lòng đối với hệ thống bảo hiểm y tế

Xã hội - Ngày đăng : 08:55, 05/12/2020

(BKTO) - Tại Hội thảo "Đánh giá sự hài lòng đối với hệ thống bảo hiểm y tế tại Việt Nam" diễn ra mới đây, nhiều chuyên gia nhấn mạnh, tầm quan trọng của việc thực hiện đo lường sự hài lòng của người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) tại Việt Nam, nhằm xác định các “khoảng trống” trong xây dựng và thực hiện chính sách, hướng tới hệ thống BHYT lấy khách hàng làm trung tâm.


                
   

Việc đánh giá sự hài lòng của người dân với hệ thống BHYT sẽ là cơ sở quan trọng để hoàn thiện chính sách

   

Theo ông Lê Văn Khảm – Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), hiện Việt Nam đã bao phủ BHYT trên 90% dân số, quyền lợi của người tham gia BHYT cũng được đảm bảo và ngày càng mở rộng. Tuy nhiên, BHYT vẫn luôn là vấn đề lớn của an sinh xã hội, luôn đứng trước những thách thức giữa cân bằng lợi ích và hài hòa các mối quan hệ giữa các bên tham gia. Một số góc độ khác về BHYT cũng cần được quan tâm như: niềm tin xã hội với chính sách, sự hài lòng của người thụ hưởng chính sách, tính chuyên nghiệp và sự hài lòng của người thực hiện chính sách và cung cấp dịch vụ liên quan đến BHYT, trách nhiệm giải trình trong BHYT...“Đánh giá sự hài lòng đối với BHYT và hệ thống được xem như công cụ quan trọng, thước đo về sự hiệu quả, giá trị thiết thực và mục đích tốt đẹp của chính sách BHYT” – ông Khảm nêu rõ.

Kết quả khảo sát ban đầu về tổng quan và rà soát các công cụ đo lường về sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ BHYT được đại diện Ngân hàng Thế giới chia sẻ tại Hội thảo cho thấy, Việt Nam đã có một số khảo sát được thực hiện thường xuyên để đo lường sự hài lòng của người dân với dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT. Các cuộc khảo sát này được thiết kế trong khuôn khổ một số nhóm chính sách của Bộ Y tế về cải thiện chất lượng bệnh viện, chất lượng dịch vụ hành chính công trong ngành y tế. Năm 2019, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thực hiện khảo sát về sự hài lòng của người dân với các dịch vụ hành chính công của ngành BHXH.

Theo kết quả khảo sát, quy định của Việt Nam về đo lường sự hài lòng của người dân đối với các dịch vụ BHYT bắt nguồn từ quyết định của Bộ Nội vụ, trong đó yêu cầu các cơ quan hành chính nhà nước tiến hành đo lường sự hài lòng của người dân định kỳ hàng năm trên phạm vi toàn quốc. Mục đích của hoạt động này là sử dụng kết quả chỉ số hài lòng để đề xuất chính sách, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế; cải thiện chất lượng dịch vụ và từng bước nâng cao sự hài lòng của khách hàng. Các quy tắc và tiêu chuẩn đã được Bộ Nội vụ quy định cho tất cả các lĩnh vực, trong đó chú trọng vào tính khả thi.

Ông Dương Mạnh Hùng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng (BHXH Việt Nam) cho biết, đơn vị này được thành lập tháng 10/2020 trên cơ sở nhiệm vụ Chính phủ giao cho BHXH Việt Nam trong Nghị định số 89/2020/NĐ-CP. Bên cạnh hoạt động hỗ trợ, giải đáp, tư vấn chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm còn được BHXH Việt Nam giao nhiệm vụ đánh giá sự hài lòng của khách hàng về các chế độ, chính sách trên. Hiện, BHXH Việt Nam đang trong quá trình xây dựng khung đánh giá, mô hình thực hiện đánh giá... Vì vậy, ông Hùng hy vọng, các chuyên gia sẽ hợp tác cùng BHXH Việt Nam xây dựng các “khung” đánh giá ban đầu, làm cơ sở để BHXH Việt Nam thực hiện hoạt động này theo định kỳ trong thời gian tới...

Khẳng định Việt Nam đã có cơ sở pháp lý cho hoạt động đánh giá sự hài lòng về BHYT được quy định trong nhiều văn bản luật khác nhau, ông Lê Văn Khảm đề nghị, các nhóm nghiên cứu phối hợp đề xuất kế hoạch lập trình hoạt động này. Đồng thời, Bộ Y tế sẽ cân nhắc để có thể đề xuất một quy định rõ ràng hơn trong dự thảo sửa đổi Luật BHYT...Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, hoạt động đánh giá sự hài lòng không chỉ tập trung vào nhóm thụ hưởng chính sách (người tham gia BHYT), mà còn cả sự hài lòng của người thực hiện chính sách BHYT, cung cấp dịch vụ y tế và cơ quan xây dựng chính sách./.

Bài và ảnh: N. AN