42 năm ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2017): Sống lại những ký ức hào hùng

Xã hội - Ngày đăng : 11:15, 27/04/2017

(BKTO) - Là một trong những chứng nhân lịch sử vào thời khắc đặc biệt của dân tộc - ngày miền Nam được giải phóng và phát đi những tiếng nói đầu tiên thông báo về sự đầu hàng của chính quyền Sài Gòn, trong không khí của những ngày tháng Tư lịch sử, Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái (nguyên Chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn năm 1963-1964) đã trải lòng với Báo Kiểm toán những cảm xúc không thể nào quên trong cuộc đời ông.



KTS Nguyễn Hữu Thái (mặc áo trắng, đứng thứ 2 bên phải, tay cầm tài liệu) chứng kiến Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng
Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trực tiếp có mặt tại Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975, ông có thể kể lại khoảnh khắc dẫn bộ đội tới chân cột cờ để cắm cờ giải phóng?

- Sáng ngày 30/4/1975, tôi cùng một nhóm học giả và trí thức là sinh viên các trường có mặt ở Dinh Độc Lập thực hiện nhiệm vụ vận động chính quyền Sài Gòn đi đến con đường hòa giải, hòa hợp dân tộc. Do công việc không thuận lợi nên cả nhóm đã dời đi, chỉ còn lại tôi và Giáo sư Huỳnh Văn Tòng (giảng dạy báo chí) nán lại để chờ thuyết phục chính quyền của Tổng thống Dương Văn Minh không tiếp tục gây hấn. Một lúc sau thì phía Đại lộ Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn) một cảnh tượng hùng tráng diễn ra. Đó là cảnh một đoàn xe tăng của quân giải phóng rầm rộ tiến vào húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập và tiến thẳng đến trước thềm Dinh. Một anh lính xe tăng từ trên xe nhảy xuống và giật chiếc cần ăng-ten gắn lá cờ giải phóng trên xe chạy thẳng lên thềm Dinh Độc Lập (người lính đó chính là Trung úy Bùi Quang Thận - Đại đội trưởng Đại đội 4 thuộc Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 203). Khi ấy tôi và Giáo sư Huỳnh Văn Tòng đang đứng trên tiền sảnh Dinh. Thấy anh Thận chạy vào, tôi đề nghị được dẫn đường. Cả 3 người chúng tôi cùng tiến về phía cột cờ. Từ đây nhìn xuống, chúng tôi thấy cả đoàn cơ giới và xe tăng của lực lượng giải phóng dàn hàng ngang, ai cũng nóng lòng chờ đợi. Khi cờ của Chính quyền Sài Gòn được hạ xuống và cờ giải phóng treo lên, những tiếng súng chỉ thiên đồng loạt vang lên để chào mừng. Lúc đó là khoảng 11h30 phút.

Vậy hoàn cảnh nào đưa đến sự xuất hiện của ông trong chương trình phát thanh trưa ngày 30/4/1975 ở Đài Phát thanh Sài Gòn?

- Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại Dinh Độc Lập, tôi may mắn được đi cùng với các cán bộ và chiến sĩ quân Giải phóng áp giải Tổng thống Dương Văn Minh và một số thành viên nội các của chính quyền Sài Gòn ra Đài Phát thanh Sài Gòn để đọc lời tuyên bố đầu hàng.

Lúc đó do tình hình rất gấp nên tôi được giao làm phát thanh viên phát đi lời thông báo về việc Tổng thống Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng. Ngay sau đó, vào khoảng 14h20 phút, hàng vạn người nín lặng lắng nghe bản tin đã vỡ òa trong niềm vui miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước được thống nhất. Trong những người tới Đài lúc đó có cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và chúng tôi cùng hát vang bài “Nối vòng tay lớn”. Ngay buổi chiều ngày 30/4/1975, người dân Sài Gòn kéo nhau ra đường, hân hoan mừng chiến thắng trong cảnh tượng ngợp trời cờ, hoa và tiếng cười nói râm ran.

Là thế hệ thanh niên từng trải qua những thời khắc đau thương, ông có nhắn nhủ gì với thế hệ thanh niên sinh ra và lớn lên trong hòa bình?

- Thời đó, cùng với lực lượng bộ đội làm nhiệm vụ giải phóng miền Nam, chúng tôi cũng tập hợp đông đảo các thành phần trí thức, chủ yếu là sinh viên làm nhiệm vụ đấu tranh hòa bình, chủ trương là vận động chính quyền Sài Gòn giải quyết xung đột bằng con đường hòa bình. Những việc làm của thế hệ thanh niên chúng tôi thời đó không mới, mà là sự kế thừa và tiếp tục làm những việc cần làm của thế hệ thanh niên đã đi trước mà thôi.

Điều trăn trở lớn nhất hiện nay của tôi, đó là ý thức và trách nhiệm của giới trẻ đối với xã hội, với đất nước. Tình trạng một bộ phận người trẻ sống xa rời thực tế, không chú tâm tới công việc, suy thoái về đạo đức đang trở thành vấn đề đáng báo động. Các bạn trẻ đang thiếu đi lý tưởng sống, lỗi một phần là ở các bạn, nhưng xã hội, nhà trường và phụ huynh cũng có trách nhiệm. Thế hệ chúng tôi đã cố gắng đấu tranh để giành độc lập cho dân tộc, để đất nước thống nhất. Giờ chúng tôi già rồi, chỉ tin tưởng và hy vọng lớp trẻ sẽ khởi nghiệp thành công, để đất nước Việt Nam có thể ngẩng cao đầu, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ mong muốn.

Xin trân trọng cảm ơn ông!
NGUYỄN LỘC (thực hiện)