Việt Nam đối mặt với nguy cơ thiếu nước
Xã hội - Ngày đăng : 11:15, 27/04/2017
(BKTO) - Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang làm cho các thách thức về nguồn nước trở nên phức tạp và khó lường. Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ BĐKH, Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước trên diện rộng.
BĐKH là một trong những nguyên nhân khiến mực nước sụt giảm nghiêm trọng tại nhiều địa phương Ảnh: TS
Số liệu thống kê cho thấy, Việt Nam có trên 60% tổng lượng dòng chảy xuất phát từ Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Lào và Campuchia với 126/208 con sông có nguồn từ nước ngoài chảy vào nội địa. Quá trình công nghiệp hóa, khai thác năng lượng dòng chảy và mở rộng diện tích tưới tiêu nông nghiệp từ những nước thượng nguồn đang gây khó khăn cho việc đảm bảo an ninh nguồn nước của Việt Nam. Theo chỉ tiêu đánh giá của Hội Tài nguyên nước quốc tế (IWRA), quốc gia thiếu nước nếu chưa đạt mức 4.000m3/người/năm. Với dân số nước ta như hiện nay, bình quân đầu người chỉ nhận được khoảng 3.370m3/năm từ nguồn nước nội sinh.
Bên cạnh đó, nhu cầu nước cho sản xuất và tiêu dùng ở nước ta cũng tăng nhanh, năm 1990 là khoảng 50 tỷ m3/năm, năm 2010 khoảng 72 tỷ m3/năm; dự báo nhu cầu nước năm 2020 là 80 tỷ m3/năm. Với các thống kê như vậy, GS.TS Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam - cho rằng: Nguy cơ thiếu nước đối với Việt Nam không còn là dự báo mà đã hiện hữu ở rất nhiều vùng, miền khắp cả nước.
Đáng lo ngại hơn, dù nguy cơ thiếu nước xuất hiện nhưng dưới tác động của BĐKH khiến vấn đề này càng trở nên nghiêm trọng. Trong những năm gần đây, hiện tượng suy thoái đất đang diễn ra nhanh chóng, nước biển dâng, trong đó tình trạng sa mạc hóa ở các tỉnh Nam Trung Bộ và sụt lún làm ngập lụt vùng Đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Theo dự báo, thời gian tới, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có 828.000 hécta đất bị nhiễm mặn, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ có gần 2,3 triệu hécta bị suy thoái, có nguy cơ trượt lở. Vùng duyên hải Nam Trung Bộ có gần 56.000 hécta đất bị nhiễm mặn, 759.000 hécta bị hoang hoá, sa mạc hóa...
Nhận định về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh cho rằng: BĐKH đã, đang và sẽ làm cho các thách thức về nguồn nước trở nên phức tạp và khó lường. Nước sông, nước ngầm suy giảm đáng kể, mực nước biển có xu hướng dâng cao, triều cường và xâm nhập mặn ngày càng gia tăng. Trong khi đó, cùng với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa cũng như sự gia tăng dân số, nhu cầu về nước cho sản xuất, đời sống đang tăng nhanh. Bởi vậy, việc tìm cách tiếp cận mới và giải pháp ứng phó với thực trạng BĐKH để bảo đảm an ninh nguồn nước là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay.
Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển chỉ rõ những thách thức cơ bản đối với nguồn nước hiện nay như: sự phụ thuộc ngày càng mạnh mẽ vào nguồn nước, các con sông liên quốc gia; BĐKH đang làm cho các nguồn nước xuyên lãnh thổ biến đổi phức tạp và rất khó lường; khung pháp lý và cơ chế phối hợp thực hiện các thỏa thuận quốc tế liên quan đến nguồn nước xuyên quốc gia còn chưa đầy đủ...
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc quản lý tài nguyên nước của Việt Nam đang còn nhiều bất cập. Nhiều chuyên gia đã đưa ra dẫn chứng về tình trạng chồng chéo trong quản lý tài nguyên nước khi các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên - Môi trường, Công Thương đều có trách nhiệm quản lý. Hay tại các đô thị, hệ thống cấp thoát nước thuộc ngành xây dựng quản lý, còn vấn đề môi trường lại thuộc ngành môi trường.
Đề cập đến những giải pháp về an ninh nguồn nước, GS.TS Trần Đình Hòa nhận định: Phải có sự hợp tác chặt chẽ và thiện chí giữa các quốc gia để cùng bảo vệ, chia sẻ, khai thác công bằng, hiệu quả nguồn tài nguyên nước. Đồng thời, cần có hệ thống chính sách, pháp luật, chiến lược về tài nguyên nước hoàn chỉnh nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm tài nguyên nước và phòng, chống có hiệu quả các tác hại của nước do nhân tai gây ra.
NAM SƠN