Nhiều rào cản doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 08:45, 18/12/2020
(BKTO) - Phát triển khoa học công nghệ đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu của nông nghiệp thời đại mới. Tuy nhiên, trên thực tế, các doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao còn gặp nhiều khó khăn.
Đây là thông điệp được chuyển tải tại Diễn đàn: “Phát triển hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì và Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp tổ chức chiều 17/12, tại Hà Nội.
TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI phát biểu tại Diễn đàn |
TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI chia sẻ, Việt Nam là đất nước đang phát triển, nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế và chiếm tỷ trọng 13,96% GDP. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp đang gặp rất nhiều thách thức như quá trình hội nhập quốc tế đòi hỏi chất lượng nông sản cao; diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp do thiên tai, lũ lụt, xâm nhập mặn; ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến xuất khẩu bị bế tắc… Để giải bài toán cho các vấn đề này, theo TS. Vũ Tiến Lộc, ứng dụng và phát triển công nghệ cao là xu hướng tất yếu của nền nông nghiệp Việt.
Ông Hà Văn Thắng - Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, tuy có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nhưng ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn gặp nhiều rào cản.
Thứ nhất, chính sách liên quan đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn nhiều bất cập. Chẳng hạn, chính sách tín dụng hỗ trợ phát triển NN CNC có các quy định thủ tục rườm rà, phức tạp cùng với việc đánh giá, xếp loại các dự án nông nghiệp công nghệ cao dựa trên các tiêu chí theo định tính, thiếu định lượng... khiến doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn này. Cụ thể, “có tới 70% doanh nghiệp kêu khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn tín dụng”.
Thứ hai, rào cản về vốn khiến việc đầu tư hạ tầng, đầu tư sản xuất giống, công nghệ sản xuất, chế biến và đào tạo nhân lực bị thiếu hụt.
Thứ ba là rào cản về nhân lực. Hiện có 40% lực lượng lao động hoạt động trong ngành nông nghiệp, nhưng chỉ có 7,93% đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật.
Thứ tư là rào cản về đất đai. Do quy mô sản xuất nông nghiệp chủ yếu là nhỏ lẻ, quá trình tích tụ và tập trung đất đai còn chậm, chưa tạo động lực thu hút các nhà đầu tư.
Thứ năm là rào cản về thị trường tiêu thụ. Hiện, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao trong nước còn hạn hẹp, không ổn định dẫn đến hiệu quả sản xuất một số sản phẩm còn thấp, chưa tương xứng với mức độ đầu tư, liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ còn lỏng lẻo…
Thứ sáu là rào cản về nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Nhiều doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao muốn được cung cấp một phần các thiết bị, dây chuyền sản xuất nhằm giảm giá thành, song không được đáp ứng. Phần lớn các giải pháp kỹ thuật, các biện pháp canh tác nông nghiệp công nghệ cao, các doanh nghiệp vẫn phải nhận chuyển giao từ nước ngoài.
Quang cảnh Diễn đàn |
Để tháo gỡ những khó khăn này, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm chỉ đạo và ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ cho các doanh nghiệp và hộ nông dân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Đặc biệt, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn có nhiều điểm đột phá mới về cho vay đối với các dự án nông nghiệp công nghệ cao như: cho doanh nghiệp được vay không có tài sản đảm bảo tối đa bằng 70% - 80% giá trị dự án nông nghiệp công nghệ cao với hình thức cho vay linh hoạt; ưu đãi về tiền thuê đất, cắt giảm thủ tục hành chính…
Chủ trương của Chính phủ, cộng hưởng thực tế các chính sách của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai, đẩy mạnh nhiều giải pháp về thanh toán, tín dụng, đảm bảo ưu tiên vốn cho lĩnh vực nông nghiệp và khu vực có ứng dụng công nghệ cao đã mở ra cơ chế cho vay, thúc đẩy hoạt động đầu tư, khơi nguồn tín dụng xanh, mạnh hơn ở mảng nông nghiệp…
Bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng và Các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, NHNN đã ban hành, triển khai nhiều chính sách để hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, đã có trên 80 tổ chức tín dụng và 1.200 quỹ tín dụng nhân dân tham gia cho vay nông nghiệp nông thôn.
Theo bà Giang, trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, đẩy mạnh cho vay nông nghiệp, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng cho đối tượng khách hàng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao…
Tại Diễn đàn, các chuyên gia kinh tế, diễn giả trong và ngoài nước cùng các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đã trao đổi thẳng thắn, đa chiều về chính sách tín dụng; đồng thời gợi mở, đề xuất các giải pháp nhằm kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và đáp ứng nhu cầu vốn vay phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cùng “nối vòng tay lớn” để đưa công nghệ cao vào nền nông nghiệp truyền thống./.
Bài và ảnh: KHÁNH LINH