Kiến nghị cơ chế đặc thù khởi công Dự án cao tốc Bắc - Nam

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 15:30, 16/03/2017

(BKTO) - Sau khi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) trình Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam với tổng số vốn ngân sách lên đến hơn 300.000 tỷ đồng, dư luận xã hội và một số chuyên gia cho rằng, hiện Việt Nam có 4 trục đường đang khai thác chạy từ Bắc vào Nam. Vì thế, ngân sách chi thêm hàng trăm nghìn tỷ đồng cho Dự án này là chưa cần thiết


Nhiều ý kiến trái chiều

Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam mà Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, tuyến đường này kéo dài từ Lạng Sơn đến Cà Mau, trong đó các đoạn Lạng Sơn - Hà Nội và TP.HCM - Cà Mau đã cơ bản hoàn thành, còn hơn 1.300 km đoạn Nam Định - Đồng Nai cần nghiên cứu đầu tư. Theo tính toán của Bộ GTVT, tổng mức đầu tư toàn Dự án là hơn 300.000 tỷ đồng, giai đoạn phân kỳ dự kiến đầu tư khoảng 245.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn nhà nước khoảng 96.600 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư gần 150.000 tỷ đồng, giai đoạn hoàn thiện gần 70.000 tỷ đồng.


Bộ GTVT khẳng định việc đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đã trở nên cấp bách.Ảnh: TK

Việc có cần thiết phải xây đường cao tốc Bắc - Nam hay không đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Có ý kiến cho rằng, dự án này là cần thiết cho tầm nhìn dài hạn. Khi chưa có đường sắt cao tốc thì nên xây đường bộ cao tốc vì với lượng phương tiện giao thông tăng nhanh như hiện nay chỉ vài năm nữa Quốc lộ 1A sẽ quá tải. Trong khi, các tuyến vận tải khác như đường sắt hiện nay rất yếu kém, đường biển đi mất nhiều thời gian. Do đó, cần phải nhìn nhận vấn đề ở hiệu quả kinh tế, khi có đường cao tốc việc vận chuyển hàng hóa từ Nam ra Bắc và ngược lại sẽ rút ngắn được rất nhiều thời gian. Trước mắt nên ưu tiên làm một số đoạn cao tốc quan trọng để giảm tải cho các quốc lộ đang có lưu lượng xe quá lớn và tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra.

Tuy nhiên, trao đổi với báo giới, chuyên gia về lĩnh vực giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho biết, hiện nay dọc theo Bắc - Nam có 4 trục đường đang khai thác, đó là Quốc lộ 1; trục đường sắt; tuyến đường Hồ Chí Minh và đường biển nối từ Cà Mau đến Quảng Ninh. Nhưng chỉ có công suất khai thác tuyến Quốc lộ 1 đạt 70%-80%; còn công suất khai thác đường sắt quá thấp; công suất khai thác tuyến đường Hồ Chí Minh chỉ khoảng 5%-10%; công suất khai thác tuyến đường biển cũng chỉ đạt 5%-10%. Nếu tiếp tục xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam trong bối cảnh hiện nay thì đó là sự lãng phí rất lớn. Ngoài ra, sau khi đưa vào sử dụng, nếu cả tuyến cao tốc Bắc - Nam mà tiến hành thu phí thì có lẽ lên tới hàng chục triệu đồng, với mức phí cao như vậy, liệu người dân có đủ sức chi trả?

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến khác cho rằng, hiện nay chúng ta đã và đang đầu tư xây dựng quá nhiều vào đường bộ. Trong khi các hình thức vận tải khác như đường sắt đang quá trì trệ, lạc hậu; đường biển, đường sông đang còn nhiều điểm tắc. Hàng không hiện khai thác rất tốt, nhưng các sân bay quốc tế lại đang quá tải nghiêm trọng, Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã thông qua với mức đầu tư xây dựng lớn. Vì vậy, cần tính toán kỹ lưỡng để xem xét nên ưu tiên vào phương thức vận tải nào, không nên đầu tư tràn lan. Đặc biệt, phải cân đối để làm sao vừa đảm bảo an toàn nợ công quốc gia, vừa phải có đầu tư lâu dài cho phát triển đất nước.

Xin cơ chế đặc thù

Tuy nhiên, Bộ GTVT vẫn khẳng định việc đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đã trở nên cấp bách, không thể trì hoãn. Để sớm khởi công dự án này, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số cơ chế đặc thù nhằm đẩy nhanh quá trình đầu tư dự án. Theo Bộ GTVT, vấn đề khó khăn hiện nay, theo quy định của Luật Đầu tư công và pháp luật hiện hành, từ thời điểm hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đến thời điểm trình Quốc hội mất khoảng 9 tháng. Sau đó, từ thời điểm Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư đến thời điểm có thể khởi công dự án tối thiểu là 35 tháng. Nếu làm theo đúng các bước thì có thể trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2017 và khởi công dự án sớm nhất vào năm 2020. Vì vậy, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng, Quốc hội cho phép trong bước nghiên cứu tiền khả thi chỉ đánh giá sơ bộ tác động môi trường; công tác lập, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường được thực hiện trong bước nghiên cứu khả thi.

Bộ GTVT cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo thành lập một hội đồng thẩm định nhà nước, thẩm định cả nghiên cứu tiền khả thi và nghiên cứu khả thi tất cả các dự án để rút ngắn thời gian thẩm định mỗi dự án. Đồng thời kiến nghị Thủ tướng cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu tư vấn thiết kế và tư vấn thẩm tra thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng đối với các dự án đầu tư trong giai đoạn 1, trong đó chỉ định Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) thẩm tra tổng mức đầu tư và thẩm tra dự toán xây dựng.

Để thu hút các nhà đầu tư tham gia dự án, Bộ GTVT kiến nghị cho phép nhà đầu tư được kinh doanh các dịch vụ giá trị gia tăng dọc hai bên tuyến đường trong phạm vi giải phóng mặt bằng (GPMB) của dự án. Toàn bộ chi phí liên quan đến GPMB và đầu tư xây dựng do nhà đầu tư tự cân đối và được kinh doanh khai thác tương ứng với thời gian hoàn vốn dự án.

Đối với phần GPMB, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho tách hợp phần GPMB, tái định cư tương ứng theo phạm vi từng tỉnh, thành phố để hình thành dự án riêng và giao cho địa phương thực hiện. Đồng thời, tiến hành GPMB ngay sau khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi.

LÊ HÒA