Không bỏ lỡ cơ hội xuất khẩu từ xúc tiến thương mại trực tuyến
Đầu tư - Ngày đăng : 15:45, 18/12/2020
(BKTO) - Các hoạt động kết nối giao thương trực tuyến đã góp phần hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam duy trì được mức tăng trưởng dương. Ước tính, tăng trưởng xuất khẩu cả năm 2020 của Việt Nam đạt 2%.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại diễn đàn xúc tiến xuất khẩu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Năm 2020 là năm đặc biệt khi hầu hết hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp, hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế đều bị hủy, dời lịch do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong khi đó, kết nối giao thương, duy trì tăng trưởng xuất khẩu đảm bảo tăng trưởng kinh tế vẫn là nhiệm vụ quan trọng của ngành công thương.
Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với bà Bùi Thị Thanh An - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương về hoạt động xúc tiến thương mại và định hướng những năm tiếp theo.
- Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát và lây lan trên phạm vi toàn cầu, Cục Xúc tiến thương mại đã làm thế nào để duy trì các hoạt động kết nối thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, thưa bà?
Bà Bùi Thị Thanh An: Dịch COVID-19 bùng phát từ cuối năm 2019 và lan rộng ra phạm vi toàn cầu từ tháng 3/2020 đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, làm gián đoạn thị trường xuất khẩu cũng như thị trường nguồn cung phục vụ cho sản xuất.
Hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống trong nước và quốc tế đều phải hủy hoặc hoãn lại.
Trong bối cảnh đó, Cục Xúc tiến thương mại đã đã nhanh chóng và chủ động đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại theo hướng triển khai các hình thức mới trên môi trường số để thay thế hình thức xúc tiến thương mại truyền thống.
Cụ thể, chúng tôi đã sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội (facebook, viber, zalo...) để tạo kết nối thường xuyên, nhanh chóng giữa hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, tổ chức xúc tiến thương mại hiệp hội ngành hàng trong và ngoài nước nhằm cập nhật thông tin, diễn biến thị trường đến doanh nghiệp một cách nhanh nhất.
Thông qua mạng lưới kết nối này, hàng trăm nghìn doanh nghiệp trên khắp cả nước được hỗ trợ tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm xuất khẩu.
[Xúc tiến thương mại: Bệ đỡ nâng giá trị hàng xuất khẩu của Việt Nam]
Năm 2020, Cục xúc tiến thương mại và các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trên cả nước, cơ quan xúc tiến thương mại nước ngoài tổ chức hơn 500 hội nghị quốc tế trực tuyến với trên 1 triệu phiên giao thương trực tuyến.
Bên cạnh hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến, Cục cũng đẩy mạnh hoạt động hợp tác với các sàn thương mại điện tử quốc tế lớn như Amazon, Alibaba đào tạo, huấn luyện doanh nghiệp vừa và nhỏ xuất khẩu hàng hóa qua những nền tảng này; qua đó, quảng bá được thương hiệu và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
- Bà có thể giới thiệu một vài chương trình xúc tiến thương mại trực tuyến trọng điểm mà Cục Xúc tiến thương mại và các đơn vị của Bộ Công Thương đã thực hiện trong năm 2020?
Bà Bùi Thị Thanh An: Trong bối cảnh không thể thực hiện được hoạt động kết nối giao thương trực tiếp với nước ngoài, các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến đã hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tiếp cận, kết nối với đối tác tiềm năng của trên 50 thị trường quốc tế, gồm cả thị trường xuất khẩu lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Ấn Độ, Singapore... và nhiều thị trường xuất khẩu ở xa như châu Phi, Australia, Mecosur...
Trong số các thị trường nước ngoài đã thực hiện giao thương trực tuyến, Trung Quốc là thị trường có tần suất giao thương nhiều nhất với 10 cuộc hội nghị được thực hiện với Quảng Tây, Vân Nam, Chiết Giang, Trùng Khánh, Sơn Đông, Thượng Hải.
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến xúc tiến đầu tư thương mại Nhật Bản vào Đà Nẵng (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Hội nghị, giao thương trực tuyến với Hoa Kỳ vào ngày 15/7/2020 thu hút sự tham gia của gần 120 doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ cùng với đại diện Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Washintong DC, Trung tâm Vietrade New York, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, nhiều cơ quan chính phủ và tổ chức xúc tiến thương mại của Hoa Kỳ.Đặc biệt, tháng 12/2020, lần đầu tiên Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương tổ chức hội chợ Công nghiệp thực phẩm (Vietnam Food Exp) bằng hình thức trực tuyến và tổ chức cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia hàng chục hội chợ quốc tế trực tuyến khác.
- Bà đánh giá thế nào về hiệu quả của hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến đối với cộng đồng doanh nghiệp trong năm qua?
Bà Bùi Thị Thanh An: Đặc thù của xúc tiến thương mại nói chung khó đánh giá hiệu quả ngay sau sự kiện bởi hoạt động này chỉ đóng vai trò cầu nối ban đầu giữa doanh nghiệp xuất khẩu với nhà nhập khẩu. Để đi đến ký kết hợp đồng thương mại hai bên phải trải qua quá trình tìm hiểu, trao đổi thông tin và thương thảo nhu cầu, giá cả, điều kiện…
Tuy nhiên, nếu không có sự kết nối ban đầu của cơ quan xúc tiến thương mại thì rất khó để doanh nghiệp và nhà nhập khẩu tìm được nhau. Năm 2020, xúc tiến thương mại trực tuyến đã làm rất tốt vai trò cầu nối đó trong bối cảnh hạn chế đi lại, hạn chế tổ chức sự kiện tập trung đông người.
Việc kết nối trực tuyến hỗ trợ doanh nghiệp duy trì các mối liên hệ không gián đoạn với thị trường xuất khẩu mục tiêu; giúp doanh nghiệp tìm hiểu về xu hướng, diễn biến, nhu cầu thị trường, nghiên cứu thị trường và nắm bắt thông tin về đối thủ cạnh tranh mà không tốn nhiều thời gian, chi phí.
Thông qua các chương trình kết nối trực tuyến, nhiều doanh nghiệp bước đầu đã gặp gỡ được các đối tác triển vọng, có thỏa thuận về số lượng, quy cách sản phẩm, giá cả, điều kiện giao hàng và có thể tiến tới ký hợp đồng trong thời gian tới.
Các hoạt động kết nối giao thương trực tuyến đã góp phần hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam duy trì được mức tăng trưởng dương. Ước tính, tăng trưởng xuất khẩu cả năm 2020 của Việt Nam đạt 2%. Đây là con số rất đáng khích lệ trong bối cảnh các nền kinh tế lớn đều tăng trưởng âm.
Một lợi ích khác của xúc tiến tương mại trực tuyến là mỗi chương trình có thể hỗ trợ được số lượng doanh nghiệp lớn hơn, tạo cơ hội để mọi doanh nghiệp có nhu cầu tiếp cận với thị trường xuất khẩu, kể cả những doanh nghiệp không có điều kiện kinh phí tham gia hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống.
Chỉ cần có thiết bị kết nối, doanh nghiệp có thể ngồi tại văn phòng và trao đổi trực tiếp với các doanh nghiệp, nhà mua hàng khắp nơi trên thế giới với chi phí gần như bằng không.
- Xúc tiến thương mại trực tuyến chỉ mới phổ biến trong năm 2020, quá trình thực hiện các chương trình kết nối trực tuyến thời gian qua có gặp phải khó khăn gì không, thưa bà?
Bà Bùi Thị Thanh An: Khái niệm chuyển đổi số, ứng dụng số hóa đã xuất hiện một vài năm trở lại đây, tuy nhiên nói một cách khách quan thì trước năm 2020 nhiều cơ quan, đơn vị kể cả Cục xúc tiến thương mại vẫn khá thờ ơ với việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động chuyên môn một cách bài bản.
Đến khi dịch COVID-19 bùng phát, mọi hoạt động đi lại, giao thương trực tiếp bị hạn chế đã đặt chúng tôi vào tình thế phải tìm cách khác để thực hiện nhiệm vụ được giao và ứng dụng công nghệ, nền tảng số là giải pháp tối ưu nhất trong hoàn cảnh này.
Thời gian đầu, việc triển khai các hội nghị, kết nối trực tuyến khá khó khăn do đội ngũ cán bộ làm xúc tiến thương mại chưa nắm rõ phương thức vận hành phần mềm công nghệ mới; hạ tầng kỹ thuật, đường truyền thiếu ổn định; việc phối hợp với các điểm cầu cách xa nhau và chênh lệch múi giờ cũng tạo ra áp lực không nhỏ.
Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và nâng cao năng lực vận hành cho đội ngũ nhân lực, hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến đã chạy rất trơn tru và được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.
Phải nói rằng, COVID-19 gây ra không ít khó khăn cho hoạt động xúc tiến thương mại nhưng cũng chính COVID-19 đã tạo ra sức ép và động lực để ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số một cách mạnh mẽ, quyết liệt; tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa đã được đẩy nhanh hơn 5 năm so với điều kiện không có COVID-19.
- Trước bối cảnh dịch COVID -19 còn diễn biến phức tạp cùng với những thay đổi lớn giữa giao thương trong nước và quốc tế, bà có thể cho biết các định hướng trọng tâm của hoạt động này vào giai đoạn tới?
Bà Bùi Thị Thanh An: Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, bên cạnh các thị trường xuất khẩu truyền thống như Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Cục Xúc tiến thương mại sẽ đẩy mạnh chương trình xúc tiến đến nhiều thị trường mục tiêu là đối tác tham gia FTA, đặc biệt là FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)... nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các ưu đãi thuế quan, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Các chương trình xúc tiến sẽ được tổ chức theo chuỗi sự kiện quy mô lớn, kết hợp cả hội chợ triển lãm chuyên ngành với kết nối doanh nghiệp, vừa quảng bá, giới thiệu sản phẩm vừa xúc tiến hợp tác thương mại.
Để thích ứng với điều kiện dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Cục Xúc tiến thương mại sẽ tăng cường áp dụng công nghệ thông tin, kết hợp xúc tiến trực tiếp và trực tuyến, đảm bảo hỗ trợ doanh nghiệp không bị gián đoạn về thị trường xuất khẩu trong bối cảnh khác nhau.
Ngay cả khi dịch COVID-19 chấm dứt thì xúc tiến thương mại trực tuyến vẫn được tổ chức một cách thường xuyên với vai trò hỗ trợ thông tin đắc lực cho các hội chợ, triển lãm trực tiếp.
Về dài hạn, Cục Xúc tiến thương mại đang xây dựng, hoàn thiện hệ sinh thái xúc tiến thương mại dựa trên các nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin như: Cơ sở dữ liệu tập trung trực tuyến về xúc tiến thương mại (CRM) chứa dữ liệu về xuất nhập khẩu của Việt Nam và thế giới, cơ sở dữ liệu của các tổ chức xúc tiến thương mại quốc tế, cơ sở dữ liệu về các thị trường mục tiêu; đồng thời, hoàn thiện ứng dụng (app) tích hợp các dịch vụ xúc tiến thương mại có thể phục vụ nhu cầu tìm kiếm khách hàng trong và ngoài nước, nâng cao hiệu quả sản xuất, xuất khẩu cho tất cả doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
- Xin trân trọng cảm ơn bà./.
Theovietnamplus.vn