Lấp lỗ hổng trong hoạt động kiểm soát nội bộ ngân hàng
Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 15:00, 16/03/2017
(BKTO) - Sau khi nhiều đại án ngân hàng bị phanh phui và đưa ra xét xử, vấn đề kiểm soát nội bộ (KSNB) được các tổ chức tín dụng (TCTD), đặc biệt là cơ quan quản lý nhà nước quan tâm và chú trọng nhiều hơn. Minh chứng là mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra lấy ý kiến góp ý để chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện và sớm ban hành Dự thảo Thông tư quy định về hệ thống KSNB của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
KSNB còn nhiều lỗ hổng
Việc xây dựng Dự thảo Thông tư trên xuất phát từ công tác quản trị, điều hành, KSNB của các TCTD còn nhiều lỗ hổng trong thời gian qua. Theo đánh giá của NHNN, tại một số TCTD, thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban kiểm soát (BKS), Ban điều hành chưa đủ tiêu chuẩn như quy định. Các quy trình, quy định nội bộ chưa được TCTD ban hành đầy đủ, nội dung chưa phù hợp với các quy định hiện hành. Nhiều TCTD chưa tách bạch chức năng giám sát của HĐQT và Ban điều hành; chức năng giám sát của BKS tại một số TCTD chưa bao quát toàn bộ các sai phạm, vấn đề rủi ro cao. Hệ thống báo cáo KSNB định kỳ chưa đáp ứng được yêu cầu và vận hành kém hiệu quả.
Thông tư về KSNB nhằm hạn chế sai phạm, nguy cơ đổ vỡ của hệ thống ngân hàng . Ảnh: TK
Những hạn chế trên cũng phần nào được chỉ ra trong Báo cáo tổng hợp kiểm toán Chuyên đề về việc thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015” của KTNN. Đơn cử, qua kiểm toán tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xây Dựng (VNCB), KTNN chỉ rõ, trong khi thực hiện Phương án tái cơ cấu, công tác quản trị, điều hành của VNCB tiếp tục yếu kém, hệ thống KSNB không phát huy tác dụng, dẫn đến tiếp tục có nhiều sai phạm, tình hình tài chính ngày càng xấu đi, thua lỗ kéo dài, nguy cơ mất vốn lớn. Hay, tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), kết quả kiểm toán cho thấy, một trong những nguyên nhân khiến việc triển khai và phê duyệt Phương án cơ cấu lại còn chậm so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và NHNN là do Agribank không có đủ bộ máy lãnh đạo để thực thi nhiệm vụ. Tại thời điểm kiểm toán, Agribank chỉ có duy nhất 1 thành viên BKS. Ngoài ra, báo cáo của KTNN còn nêu rõ, nhiều tồn tại, sai phạm trong KSNB của các TCTD bị phát hiện qua hoạt động thanh tra, giám sát của NHNN.
Tạo cơ sở pháp lý mớicho hoạt động KSNB
Hiện tại, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang thực hiện quy định về hệ thống KSNB và kiểm toán nội bộ theo quy định tại Thông tư 44/2011/TT-NHNN ngày 29/12/2011 (Thông tư 44). Theo đó, các TCTD đã bước đầu triển khai xây dựng và thiết lập được hệ thống KSNB, quản lý rủi ro.
Tuy nhiên, Thông tư 44 còn mang tính khái quát; các quy định nội bộ có liên quan của TCTD còn sơ sài và chưa đầy đủ, đặc biệt là các nội dung liên quan tới đánh giá nội bộ về mức đủ vốn. Do đó, trong bối cảnh các ngân hàng đang tiếp tục tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, việc xây dựng và ban hành quy định mới về hệ thống KSNB (thay thế Thông tư 44) sẽ tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho công tác KSNB, giúp ngăn ngừa, cảnh báo và quản lý rủi ro. Đây còn là cơ sở pháp lý, cung cấp các chuẩn mực, tiêu chí cần thiết để Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng thực hiện việc đánh giá chất lượng hoạt động KSNB, quản lý rủi ro và kiểm toán nội bộ của TCTD nhằm giảm bớt các sai phạm, khả năng tổn thất, nguy cơ mất khả năng thanh toán, đổ vỡ của hệ thống ngân hàng.
Bên cạnh đó, việc xây dựng Dự thảo Thông tư về KSNB là phù hợp với thông lệ quốc tế về quản trị rủi ro trong hoạt động ngân hàng. Dự thảo Thông tư còn được xây dựng dựa trên các quy định của Luật Các TCTD 2010, mục tiêu của Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015 và Đề án Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế cũng như định hướng chỉ đạo, điều hành của NHNN.
Dựa trên cơ sở pháp lý và thực tiễn, đồng thời với mục tiêu góp phần ngăn ngừa, khắc phục những bất cập trong hoạt động KSNB của các ngân hàng hiện nay, Dự thảo Thông tư yêu cầu các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hệ thống KSNB đảm bảo các nguyên tắc nhất định. Cụ thể, HĐQT, Hội đồng thành viên, ngân hàng mẹ chịu trách nhiệm cuối cùng về hệ thống KSNB (ngoại trừ kiểm toán nội bộ) của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, BKS chịu trách nhiệm cuối cùng về kiểm toán nội bộ. Thêm nữa, hệ thống KSNB của các ngân hàng phải đảm bảo tối thiểu có đủ các quy định nội bộ theo Luật Các TCTD; phù hợp với quy mô, điều kiện và độ phức tạp trong hoạt động kinh doanh của từng ngân hàng. Đồng thời, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải có đủ nguồn lực (tài chính, con người) cho hệ thống KSNB; xây dựng, duy trì văn hóa kiểm soát cho toàn ngân hàng; đảm bảo kiểm toán nội bộ không xung đột lợi ích và không bị cản trở thực hiện nhiệm vụ theo quy định…
NGỌC MAI