Tăng trưởng là nền tảng cho DN tiến tới thịnh vượng

Đầu tư - Ngày đăng : 15:00, 16/03/2017

(BKTO) - Nhằm tôn vinh các DN xuất sắc và có tiềm năng đóng góp lớn cho sự thịnh vượng của đất nước, ngày 13/3, Công ty Cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đã công bố Bảng xếp hạng 500 DN Việt Nam thịnh vượng (BP500) năm 2017.


DN kinh doanh tốt -trách nhiệm xã hội cao

Lọt vào Top 10 của Bảng xếp hạng BP500 là các tên tuổi: Viettel, Samsung Việt Nam, Petrovietnam, Honda Việt Nam, Trường Hải, Vinamilk, Mobifone, Hòa Phát, FPT, Nutifood. Dữ liệu khảo sát cho biết, tổng doanh thu bình quân năm 2016 của Top 10 đạt 114,5 nghìn tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế bình quân đạt 13,8 nghìn tỷ đồng; số lao động bình quân là 17,8 nghìn người. Bên cạnh đó, Vietnam Report cũng xếp hạng 500 DN tư nhân Việt Nam thịnh vượng năm 2017. Kết quả đáng chú ý, có 5 DN lọt vào Top 10 của BP500 cũng đồng thời có mặt trong Top 10 của 500 DN tư nhân Việt Nam thịnh vượng công bố lần này (Trường Hải, Vinamilk, Hòa Phát, FPT, Nutifood). Tổng doanh thu bình quân Top 10 DN tư nhân Việt Nam thịnh vượng đạt 20,4 nghìn tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế bình quân đạt 2,4 nghìn tỷ đồng; số lao động bình quân là 11.570 người.


DN Việt đang tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội để tạo lợi ích cho cộng đồng. Ảnh: TS
“Danh sách và thứ hạng của các DN trong Bảng xếp hạng BP500 được đánh giá dựa trên các tiêu chí chính, bao gồm: hoạt động kinh doanh tốt và hiệu quả, khả năng tạo việc làm cho xã hội; thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và cộng đồng” - ông Phùng Hoàng Cơ - Phó Chủ tịch HĐQT Vietnam Report - cho biết.

Báo cáo của Viện Chính sách Legatum (có trụ sở tại London - Anh) chỉ ra rằng, đất nước Việt Nam đang giàu lên và mức độ giàu có này hoàn toàn có thể đưa Việt Nam đến gần sự thịnh vượng hơn. Hơn nữa, Việt Nam là một trong số những “ngôi sao sáng” có khả năng đưa khu vực Đông Nam Á tiến tới thịnh vượng. Tuy nhiên, báo cáo nêu rõ, điều này còn phụ thuộc vào cách thức Việt Nam có thể biến của cải thành thịnh vượng hay không. Hiện nay, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam vẫn bị đánh giá ở mức thấp, nền kinh tế tuy đạt tăng trưởng khá trong những năm qua nhưng rủi ro đi kèm là những ảnh hưởng thiệt hại gây ô nhiễm môi trường, tài nguyên cạn kiệt, tăng trưởng có xu hướng giảm tốc. Trước tình hình đó, câu hỏi đặt ra cho các DN thịnh vượng là làm thế nào để gắn kết mục tiêu phát triển bền vững đi liền với chiến lược sản xuất, kinh doanh và hoạt động của DN.


Tích cực thực thi chiến lược phát triển bền vững

Trong khuôn khổ công bố Bảng xếp hạng BP500, Vietnam Report đã tiến hành khảo sát các DN thịnh vượng nhằm tìm hiểu định hướng hoạt động và những nhận định, đánh giá xung quanh vấn đề trách nhiệm xã hội của DN, về cách thức DN đóng góp và hỗ trợ vì mục tiêu chung của cộng đồng.

Theo nhận định của 85,7% DN thịnh vượng được khảo sát, tăng trưởng doanh thu/lợi nhuận là mục tiêu chính yếu của DN trong thời gian tới. Để tăng trưởng trong ít nhất 2 năm tiếp theo, các DN dự tính sẽ chú trọng cải thiện chất lượng sản phẩm/dịch vụ (76,2% DN lựa chọn), chất lượng nhân lực (52,4%) và mô hình quản trị DN (42,9%). Như vậy, có thể thấy rằng, các DN thịnh vượng đều nhận thức và đánh giá rất cao vai trò của tăng trưởng. Đây cũng là yếu tố quan trọng nhất giúp DN đến gần hơn với sự thịnh vượng, bởi sự giàu có về vật chất chính là nền tảng cho mọi quyết sách và hành động của DN trong kinh doanh.

Kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng, 5 vấn đề xã hội nhận được nhiều phản hồi nhất từ phía các DN là: thúc đẩy tính minh bạch trong kinh doanh, hỗ trợ cộng đồng địa phương, giảm tỷ lệ thất nghiệp, bảo vệ môi trường và hỗ trợ việc làm cho thanh niên. Theo đó, động lực thúc đẩy DN thực thi các chiến lược phát triển bền vững nhiều nhất là “nhằm bảo tồn và nâng cao uy tín thương hiệu của DN” (89,5% DN phản hồi lựa chọn). Đây là minh chứng cho thấy DN đã ý thức được việc “cho đi” không hoàn toàn chỉ đem tới đóng góp cho cộng đồng, xã hội mà thực chất DN còn có thể “nhận lại” - được hưởng những lợi ích từ những hoạt động trách nhiệm xã hội và cộng đồng. Một khi DN thể hiện sự tôn trọng sản phẩm, thương hiệu của mình thì xã hội sẽ ghi nhận và giúp mang lại lợi nhuận cho DN. Ngoài ra, “vì lợi ích của người lao động” và “nhằm tuân thủ pháp luật” cũng là hai mục tiêu DN hướng tới.

Bên cạnh đó, các DN cũng phản hồi về một số phương pháp có khả năng đạt hiệu quả cao khi thực hiện trách nhiệm xã hội DN tại Việt Nam để tạo lợi ích cho cộng đồng. Hơn 40% DN đánh giá cao các hoạt động tình nguyện của chính DN, đi kèm với các chương trình bảo vệ môi trường. Điều này cũng thể hiện nỗ lực của DN Việt nhằm thay đổi hình ảnh cũ về trách nhiệm xã hội của DN, đẩy mạnh việc khẳng định vị thế thực sự của DN trên thương trường, phát huy vai trò chung tay với xã hội để giải quyết các vấn đề cộng đồng một cách hiệu quả. Có thể thấy, một DN muốn đạt được sự thịnh vượng cần phải dung hòa tốt mục tiêu tăng trưởng, trách nhiệm với người lao động, cũng như trách nhiệm xã hội và cộng đồng.

PHÚC KHANG