Tăng cường nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS

Xã hội - Ngày đăng : 08:45, 02/11/2020

(BKTO) - Trong bối cảnh nguồn viện trợ quốc tế bị cắt giảm, nguồn lực trong nước cho công tác phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế, một trong những yêu cầu quan trọng đặt ra khi sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống HIV/AIDS là phải có những quy định cụ thể hơn nhằm huy động và tăng cường nguồn lực cho công tác này.


Báo cáo tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống HIV/AIDS, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện nay, nguồn viện trợ quốc tế đang cắt giảm nhanh, nguồn lực trong nước hạn chế, nên không bảo đảm bao phủ được các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là các hoạt động truyền thông, can thiệp giảm tác hại và dự phòng lây nhiễm HIV. Hiện nay, người nhiễm HIV trong các trại giam không có thuốc điều trị kháng virus (ARV) nếu Nhà nước không hỗ trợ. Do đó, Dự thảo Luật bổ sung quy định cụ thể hơn về nguồn lực và các giải pháp tăng cường huy động nguồn lực trong nước, nguồn lực từ bảo hiểm y tế (BHYT), nguồn xã hội hóa để bảo đảm không ai bị để lại phía sau như đã cam kết với cộng đồng quốc tế, hướng tới thực hiện mục tiêu Việt Nam sẽ chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, việc sửa đổi, bổ sung quy định về nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS góp phần thể chế hóa tinh thần của Nghị quyết số 20-NQ/TW - Nhà nước ưu tiên đầu tư ngân sách và có cơ chế, chính sách huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân; tăng nguồn lực trong nước cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Trong bối cảnh hiện nay, khi có một loạt thách thức về tài chính đối với chương trình phòng, chống HIV/AIDS, như: việc thay đổi phân bổ NSNN cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS; thay đổi cơ cấu tổ chức của các trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tuyến tỉnh; nguồn viện trợ bị cắt giảm; việc cân đối Quỹ Bảo hiểm y tế… thì việc huy động các nguồn lực trong nước là rất cần thiết để duy trì các thành quả hiện có cũng như mở rộng các dịch vụ chăm sóc điều trị, dự phòng HIV và các dịch vụ liên quan khác.

Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, rà soát bổ sung quy định để giúp tăng nguồn lực, nâng cao trách nhiệm của các địa phương và tăng sự tham gia, đóng góp của xã hội, cộng đồng và cá nhân trong phòng, chống HIV/AIDS. Đặc biệt, nguồn Quỹ BHYT sẽ là một trong các nguồn lực chủ yếu cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tuy nhiên, hiện nay, gói quyền lợi BHYT mới bao gồm các dịch vụ chăm sóc và điều trị HIV/AIDS (thuốc ARV), còn các dịch vụ dự phòng HIV chưa thuộc phạm vi chi trả của Quỹ. Đây là rào cản pháp lý cần tháo gỡ khi sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật BHYT, do đó, Chính phủ và Ban Soạn thảo cần quan tâm vấn đề này.

Góp ý vào Dự thảo Luật, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, với mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam không còn người bị bệnh AIDS thì công tác thông tin, truyền thông, biện pháp phòng ngừa, khám, chữa bệnh, công tác đầu tư, nhất là đầu tư nguồn lực phải được quan tâm và làm quyết liệt hơn nữa. Thực tế hiện nay, nguồn lực nhà nước vẫn là chính, nguồn lực xã hội đang còn mờ nhạt, vì vậy, cần phải có giải pháp tốt hơn, nhằm huy động nguồn lực của toàn xã hội cho phòng, chống HIV/AIDS.n

N.KIM