Kỳ vọng nhiều giải pháp giúp doanh nghiệp tận dụng thời cơ hội nhập

Đầu tư - Ngày đăng : 09:10, 23/12/2020

(BKTO) - Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ có các biện pháp cụ thể và nhanh chóng để giải quyết ngay các "nút thắt" đang cản trở doanh nghiệp tận dụng cơ hội hội nhập từ các FTA đã được ký kết.



Quang cảnh diễn đàn. (Nguồn: Bnews/TTXVN)

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên năm 2020 đang diễn ra ở Hà Nội do Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) phối hợp tổ chức sáng 22/12 đã ghi nhận nhiều ý kiến phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp về những sáng kiến, đề xuất cùng nguyện vọng mong muốn Chính phủ tích cực triển khai các giải pháp mạnh mẽ hơn nữa, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng Chủ tịch VBF, nhận định nhiều dự báo cho thấy năm 2021 vẫn là năm kinh tế thế giới còn gặp nhiều khó khăn và Việt Nam cũng không là ngoại lệ.

Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ có các biện pháp cụ thể và nhanh chóng để giải quyết ngay các "nút thắt" đang cản trở doanh nghiệp tận dụng cơ hội hội nhập từ các Hiệp định thương mại tự do đã được ký kết giữa Việt Nam và cộng đồng kinh tế thế giới.

Cụ thể, Chính phủ xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo công nhân kỹ thuật chuyên sâu, bài bản trong những ngành công nghiệp kỹ thuật phụ trợ cần thiết nhất hiện nay; có các chương trình đào tạo kỹ năng cụ thể, cho từng ngành nghề, lĩnh vực công nghiệp kỹ thuật phụ trợ cụ thể thuộc các chuỗi giá trị trọng điểm và nằm trong chiến lược cụ thể thu hút việc chuyển dịch của các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Ngoài ra, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dựa trên các đánh giá khoa học và dự báo được về những thay đổi của thị trường lao động việc làm trong 5-10 năm tới.

Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo tập trung triển khai hiệu quả Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP); Luật Đầu tư công với ưu tiên cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng giao thông và các dự án đang triển khai dở dang; đảm bảo sự kết nối các khu vực sản xuất trọng điểm (nông nghiệp, công nghiệp) đến các cửa khẩu quốc tế.

[Tạo cơ chế đối thoại chặt chẽ giữa Chính phủ với doanh nghiệp]

Tại các cửa khẩu quốc tế trọng điểm, đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư phát triển, nâng cấp hệ thống logistics cần thiết, đặc biệt đối với các cửa khẩu đầu mối cho các hàng hóa đặc thù (dễ bị hư hỏng, cần bảo quản đặc biệt…).

Liên quan tới chủ trương nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng hóa sản phẩm, dù đây là việc của từng doanh nghiệp, song cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tăng cường năng lực và chất lượng xúc tiến đầu tư thương mại thông qua mạng lưới các cơ quan đại diện ngoại giao hay dành nguồn lực thích đáng cho những tổ chức xúc tiến thương mại như VCCI, với các hoạt động cần thiết.

Chẳng hạn như thiết lập cổng thông tin về thị trường và kết nối kinh doanh cho doanh nghiệp; thực hiện các chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại cho hàng hóa Việt Nam tại nước ngoài. Đặc biệt, là các chương trình hội chợ, triển lãm sản phẩm, kết nối doanh nhân, doanh nghiệp…

Đối với các nhóm hàng nông sản mà các nước đối tác nhập khẩu có yêu cầu đặc thù về tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm như phải chiếu xạ, kiểm tra trước khi bốc hàng…, Chính phủ hỗ trợ thiết lập các trung tâm kỹ thuật nhằm hướng dẫn người sản xuất, xuất khẩu thực hiện các yêu cầu. Đồng thời, kiểm tra hàng hóa miễn phí hoặc phí ưu đãi theo tiêu chuẩn của nước nhập khẩu; phối hợp với đơn vị kỹ thuật được đối tác chỉ định để giúp thúc đẩy nhanh việc thực hiện các yêu cầu kỹ thuật.

Theo ông Lộc, có nhiều cách thức để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong thời gian tới. Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với trọng tâm là cải cách về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Trên thực tế, qua rà soát và ghi nhận phản ánh từ doanh nghiệp, báo cáo mới đây do VCCI thực hiện cho thấy vẫn có một số lĩnh vực thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà như thủ tục về đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, xây dựng, quản lý thị trường, giao thông, phòng cháy, môi trường, kho bạc và lao động.

Song song với đó, xây dựng Chính quyền điện tử, trong đó ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin để giải quyết thủ tục hành chính, tăng số dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 3 và mức độ 4. Hướng tới việc tạo lập và kết nối liên thông giữa các cơ quan quản lý Nhà nước về cơ sở dữ liệu doanh nghiệp để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ và thuận lợi trong triển khai thực hiện.

Cộng đồng doanh nghiệp đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh cải cách các quy định về điều kiện kinh doanh; thực thi nghiêm túc Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ ban hành tháng 5/2020 về việc cắt giảm gánh nặng chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp; tiếp tục giảm thiểu gánh nặng thanh, kiểm tra doanh nghiệp, theo nguyên tắc quản lý rủi ro, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, giảm thiểu sự chồng chéo, trùng lặp trong quản lý kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Cùng với đó, xây dựng và triển khai hiệu quả, thực chất các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, tập trung vào đối tượng doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; chủ động nghiên cứu và cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp về tiếp cận thị trường, tiếp cận vốn, thông tin thị trường lao động...

Ông Lộc nhấn mạnh giải quyết các chồng chéo và thiếu rõ ràng trong hệ thống pháp luật kinh doanh là những vấn đề nhận được sự phản ánh, kiến nghị nhiều nhất từ cộng đồng doanh nghiệp, đang gây khó và tạo thêm nhiều vướng mắc, bất cập khiến “trói chân” doanh nghiệp.

Chính phủ và Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư 2020 và giúp tháo gỡ khá nhiều xung đột, chồng chéo. Tuy nhiên, về lâu dài, để tránh việc tái diễn tình trạng này, ông Lộc cho rằng cần thay đổi quy trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, theo đó cần kiểm soát tốt hơn về tính thống nhất trong các quy định của luật.
Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu. (Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+)
Góp thêm ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, ông Tetsu Funayama, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản (JCCI) cho rằng Việt Nam cần phát triển cơ sở hạ tầng hơn nữa từ phát điện, sân bay, đường sá, bến cảng cho đến bệnh viện để có thể tiếp tục tăng trưởng kinh tế sau khi kiểm soát tốt dịch COVID-19.

Thông thường các dự án phát triển cơ sở hạ tầng sẽ sử dụng nguồn vốn được huy động theo phương thức hợp tác đối tác công tư (PPP). Do đó, “việc huy động nguồn vốn phát triển khổng lồ cần được đảm bảo tính ưu việt của hoạt động sản xuất kinh doanh đối với dự án ấy," ông Tetsu Funayama chia sẻ.

Đại diện các nhà đầu tư Nhật Bản, ông Tetsu Funayama đề xuất để đảm bảo khả năng vay vốn từ ngân hàng, Chính phủ Việt Nam cần cân bằng tỷ lệ rủi ro giữa các bên tham gia trong dự án. Một số trường hợp khẩn cấp, Chính phủ cũng nên xem xét việc bảo lãnh các khoản vay chẳng hạn như bảo lãnh các khoản thanh toán của công ty nhà nước cho doanh nghiệp PPP hoặc xem xét bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ sang đồng Việt Nam để hỗ trợ dự án được triển khai đúng tiến độ và đảm bảo việc vận hành theo các quy tắc minh bạch cao.

"Ngay cả sau khi luật PPP mới có hiệu lực vào năm 2021, chúng tôi mong muốn được tiếp tục thảo luận với các bộ, ngành và các thành viên liên quan trong Quốc hội nhằm đảm bảo các điều kiện nêu trên thông qua việc hoàn thiện quy định pháp luật, sớm áp dụng các điều kiện linh hoạt cho từng dự án trong quá trình vận hành," ông Tetsu Funayama đề xuất.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ Virginia B.Foote bày tỏ ủng hộ các kế hoạch kiến tạo môi trường và năng lượng sạch mà Chính phủ Việt Nam đang chủ trương thực hiện, đồng thời bày tỏ quan ngại vì Tổng sơ đồ Điện VIII đang xây dựng vẫn cho thấy vai trò rất lớn của nhiệt điện than, nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe người dân.

"Thay vì xây dựng các nhà máy than, AmCham khuyến nghị Chính phủ Việt Nam xem xét việc phát triển ngành năng lượng tái tạo, cải thiện các thủ tục để chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, truyền tải, LNG và khí đốt ngoài khơi. Chính phủ Việt Nam cũng cân nhắc việc giảm gánh nặng thuế, hiện vẫn đang ở mức cao đối với việc phát triển dự trữ khí đốt ngoài khơi, vốn đã chiếm tới 50-60%," Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ khuyến nghị.

Bà Foote lưu ý việc cân bằng thuế và cung cấp các ưu đãi thuế, thuế quan đối với năng lượng mặt trời, gió và sinh khối có thể giúp tạo ra sự khác biệt về môi trường đầu tư của Việt Nam.

AmCham mong muốn sớm ký kết và thực hiện các điều khoản của Thỏa thuận mua bán điện trực tiếp, giúp xanh hóa chuỗi cung ứng; đồng thời thúc đẩy quan hệ hợp tác để xây dựng ngành công nghiệp tái chế theo Luật Môi trường mới nhằm giúp làm sạch các tuyến đường thủy và đô thị Việt Nam trong tương lai./.

Theovietnamplus.vn